Bitcoin tiếp tục giảm
Sáng nay (23/6), thời điểm 7h55 (giờ Việt Nam), giá Bitcoin trên sàn CoinDesk giao dịch ở mức 20.295 USD, giảm 1,9%.
Thống kê trong 24 giờ qua, đồng tiền mã hóa phổ biến và giá trị nhất thế giới giao dịch thấp nhất ở mức 19.848 USD và cao nhất tại 20.835 USD.
Khối lượng giao dịch Bitcoin trong khoảng thời gian này vào khoảng 29,4 tỷ USD, vốn hóa thị trường ở mức 388 tỷ USD, theo CoinMarketCap.
Hàng loạt đồng tiền ảo vốn hóa lớn lao dốc khiến thị trường tiền mã hóa ngập trong sắc đỏ. Cụ thể, Ethereum giảm 6,06%, Binance Coin giảm 1,7%, Ripple giảm 1,42%, Cardano giảm 4,1%, Solana giảm 5%, Dogecoin giảm 5,6%, Polkadot giảm 3,8%, TRON giảm 2,7%... Tổng vốn hóa toàn thị trường "bốc hơi" hơn 1,54% còn 897 tỷ USD.
Yuya Hasegawa, chuyên gia phân tích thị trường tiền điện tử tại sàn giao dịch Bitbank, cho rằng với quá nhiều điều bất ổn về kinh tế, giá của Bitcoin vẫn có thể giảm mạnh.
Dưới góc nhìn có phần bi quan, ông Ian Harnett, đồng sáng lập kiêm Giám đốc đầu tư tại Absolute Strategy Research, dự báo đồng tiền mã hóa hàng đầu thế giới có thể rơi xuống ngưỡng 13.000 USD/Bitcoin, giảm gần 40% so với mức hiện tại.
Harnett cho rằng sau thời gian tăng giá mạnh, giá Bitcoin có xu hướng giảm khoảng 80% so với mức kỷ lục. Chẳng hạn, vào năm 2018, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã giảm xuống sát ngưỡng 3.000 USD/đồng sau khi đạt đỉnh gần 20.000 USD/đồng hồi cuối 2017. "Ngưỡng 13.000 USD là vùng hỗ trợ chính của Bitcoin", ông Harnett nói.
Trưởng bộ phận Phân tích tại Markets.com, ông Neil Wilson, nhận định: "Các sàn giao dịch tiền mã hóa đang tạm ngừng rút tiền vì lo ngại về vấn đề thanh khoản giữa làn sóng bán tháo. Lãi suất tăng, tâm lý e ngại rủi ro tràn lan khắp mọi thị trường. Việc Ngân hàng Trung ương Mỹ nâng lãi suất cũng đồng nghĩa với việc dòng tiền chảy vào các tài sản rủi ro như Bitcoin sẽ bị cản trở".
Đề phòng nguy cơ giá Bitcoin có thể "về 0"
Trong khi đó, theo Economic Daily - một tờ báo nhà nước của Trung Quốc, các nhà đầu tư nên đề phòng nguy cơ giá Bitcoin có thể "về 0", trong bối cảnh đồng tiền điện tử hàng đầu này liên tục sụt giảm.
Theo Economic Daily, Bitcoin không hơn gì một chuỗi mã kỹ thuật số và lợi nhuận của nó chủ yếu đến từ việc mua giá thấp và bán giá cao. Trong tương lai, một khi niềm tin của các nhà đầu tư sụp đổ hoặc khi các quốc gia tuyên bố Bitcoin là bất hợp pháp, nó sẽ trở lại giá trị ban đầu. Điều này đồng nghĩa rằng nó hoàn toàn vô giá trị.
Việc các quốc gia phương Tây như Mỹ thiếu các quy định đã giúp tạo ra một thị trường có đòn bẩy cao, "đầy rẫy các khái niệm công nghệ giả và thao túng", Economic Daily cho biết, "đó là một yếu tố quan trọng góp phần vào sự biến động của Bitcoin".
Tuần qua, giá Bitcoin đã giảm về mức thấp nhất kể từ đầu năm, xuống dưới 18.000 USD. Đến nay, giá trị của đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới đã phục hồi về hơn 20.000 USD. Tuy nhiên, so với mức giá cao nhất từng đạt được vào tháng 11/2021, giá trị của Bitcoin hiện đã giảm khoảng 70%.
Chính sách tiền tệ ngày càng thắt chặt ở các nền kinh tế phương Tây đã dẫn đến việc bán tháo hàng loạt tài sản rủi ro trên toàn cầu, bao gồm cả tiền điện tử. Điều này đã khiến cho hàng loạt nền tảng cho vay tiền điện tử, quỹ đầu tư và các công ty phát hành stablecoin lâm vào cảnh lao đao về tài chính.
Trong một tuyên bố vào ngày 21/6, Cục Quản lý Tài chính Thâm Quyến cho biết giao dịch tiền điện tử và đầu cơ gây nguy hiểm nghiêm trọng đến "an ninh tài sản" của mọi người, phát sinh các hoạt động tội phạm và phá vỡ trật tự tài chính. Cơ quan này cũng cảnh báo các nhà đầu tư về việc tham gia vào các hoạt động tài chính bất hợp pháp và tránh bị lừa đảo.
Thế giới tiền điện tử đang ngấp nghé bờ vực sụp đổ khi các nhà đầu tư vật lộn với tác động lãi suất cao hơn đối với những tài sản đã bùng phát trong thời kỳ tiền tệ lỏng lẻo.
Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất cho vay chuẩn thêm 0,75%, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994. Sau quyết định này, một loạt các Ngân hàng Trung ương Anh, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cũng có động thái tương tự.
Động thái này đã tác động mạnh đến các tài sản điện tử. Chỉ riêng 2 tuần qua, giá trị các loại tiền điện tử đã giảm hơn 350 tỷ USD.
Đà bán tháo trên thị trường tiền điện tử một phần đến từ áp lực kinh tế vĩ mô, bao gồm lạm phát gia tăng theo hình xoắn ốc và việc FED liên tiếp tăng lãi suất. Ngoài ra, việc các doanh nghiệp tiền điện tử sa thải nhân sự cùng với một số tên tuổi nổi tiếng trong ngành đối mặt với khả năng mất thanh khoản cũng phần nào khiến thị trường rơi vào khủng hoảng.
Ngày 13/6, Celsius, một công ty cho vay tiền điện tử lớn, đã gây sốc khi tuyên bố tất cả các hoạt động rút tiền, đổi tiền và chuyển tiền giữa các tài khoản đã bị tạm dừng do "điều kiện thị trường khắc nghiệt".
Thông tin này khiến thị trường tiền điện tử hỗn loạn. Tuy nhiên, "rủi ro này dường như mới chỉ bắt đầu", John Todaro, Phó Chủ tịch của công ty nghiên cứu về tài sản tiền điện tử và blockchain Needham, nhận định.
Trong khi các sàn giao dịch tiền điện tử nổi tiếng như: Coinbase, Crypto.com, Gemini đồng loạt thông báo sa thải nhân sự và cắt giảm chi phí khi các nhà đầu tư xa lánh tài sản rủi ro này khiến khối lượng giao dịch giảm mạnh.
Một số ý kiến cho rằng tiền điện tử có thể phải mất một thời gian mới có thể hồi phục được sau đợt bán tháo ồ ạt này.
Bà Jill Gunter, đồng sáng lập kiêm giám đốc chiến lược của Espresso Systems, nói với CNBC: "Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ở thời kỳ giá giảm kéo dài. Chúng ta đang đi xuống bằng thang máy và sẽ phải đi lên bằng thang bộ hoặc thoát ra ngoài bằng cách xây dựng các tiện ích thực sự".