Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 790 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu tổng quát, đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á, với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại.
Đến năm 2050, Bình Dương là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao.
Đáng chú ý, theo quy hoạch, tỉnh này sẽ bố trí quỹ đất dự trữ nghiên cứu xem xét, đầu tư xây dựng cảng hàng không tại huyện Dầu Tiếng phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế, diện tích khoảng 200ha - 500ha.
Bên cạnh đó, Bình Dương sẽ phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa quốc gia, các hành lang vận tải và các tuyến vận tải thủy trên địa bàn tỉnh theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt.
Tỉnh sẽ phát triển các tuyến vận tải đường thủy nội địa địa phương trên các sông Sài Gòn, Đồng Nai và Thị Tính, với hệ thống cảng, bến thủy nội địa gồm 18 cảng.
Nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, tăng năng lực thông qua hàng hóa của hệ thống cảng biển khu vực Đông Nam Bộ, tỉnh sẽ nghiên cứu xây dựng cảng cạn Bàu Bàng và Lai Hưng tại huyện Bàu Bàng, cảng cạn Vĩnh Tân tại TP Tân Uyên, cảng cạn Bắc Tân Uyên tại huyện Bắc Tân Uyên, cảng cạn ga đầu mối An Bình tại TP Dĩ An và ICD Riverside tại TP Bến Cát và cảng cạn tại các đầu mối giao thông, khu cụm công nghiệp dự kiến.
Đối với giao thông đường bộ, tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2030 có 43 tuyến đường tỉnh (gồm 16 tuyến hiện hữu và 27 tuyến bổ sung mới), phát triển hệ thống giao thông kết nối liên tỉnh: Bình Dương - TP HCM, Bình Dương - Đồng Nai, Bình Dương - Bình Phước và Bình Dương - Tây Ninh.
Ngoài ra, theo Quy hoạch, tỉnh sẽ nghiên cứu đầu tư xây dựng 12 tuyến đường sắt đô thị, kết nối với TP HCM và Đồng Nai. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng bổ sung tuyến đường sắt Bàu Bàng - Mộc Bài kết nối đường sắt HCM - Lộc Ninh và tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên với tuyến đường sắt TP HCM - Tây Ninh.