Trong buổi làm việc cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã chia sẻ kết quả kinh doanh sơ bộ trong nửa đầu năm 2024.
Theo đó, tính đến 30/6/2024 tổng tài sản của Agribank tăng 1,8% so với cuối năm trước, huy động vốn tại thị trường 1 tăng 1,3%. Dư nợ toàn hệ thống Agribank đến 30/6/2024 tăng 2,6%; tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 giảm 0,02% so với cuối năm 2023.
Cụ thể, vốn huy động thị trường 1 đạt hơn 1,9 triệu tỷ đồng, trong đó tiền gửi dân cư đạt hơn 1,56 triệu tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1,59 triệu tỷ đồng, trong đó cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên.
Agribank cũng cho biết đã dành khoảng 195.000 tỷ đồng để triển khai 10 chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với nhiều đối tượng khách hàng.
Trước đó tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024, Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết đến hết 31/5, dư nợ của ngân hàng đạt 1,57 triệu tỷ đồng, tăng 1,24%. Dự kiến đến hết 30/6 tăng 2,5% và hết năm tăng trưởng 8,5%.
"Mặc dù Phó Thống đốc cho biết Agribank tăng trưởng thấp nhưng với đặc thù tín dụng Agribank, tệp khách hàng thì đây cũng là một kết quả tốt. Đồng thời, Agribank cũng tăng trưởng tốt hơn với cùng kỳ năm trước", ông Vượng nhận định.
Đại diện Agribank cho biết trong những tháng cuối năm, ngân hàng sẽ tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, thủy sản, phân bón... cũng như công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất thép, phân bón, dệt may.
Về cho vay lĩnh vực bất động sản, Agribank sẽ hướng đến phân khúc nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu thị trường và bất động sản khu công nghiệp. Tính đến thời điểm giữa tháng 6, ngân hàng đã phê chuẩn 11 dự án với 39 khách hàng, kết quả cao nhất trong các ngân hàng thương mại. Cam kết thêm 13 dự án với dư nợ dự kiến 50.000 tỷ đồng.
Theo Tổng Giám đốc Agribank, tăng trưởng tín dụng thấp là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu nhưng cũng một phần do có vướng mắc tại các địa phương. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo rất nhiều biện pháp, nhưng xuống đến cơ sở thì vẫn khó khăn, có tình trạng không làm, thiếu trách nhiệm, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực đất đai.
Đồng thời, ông Vượng cũng cho biết năm nay nhiều luật ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng như Luật TCTD, Luật đất đai nhưng các hướng dẫn luật rất chậm, càng hướng dẫn càng thấy vướng, đề nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan sớm tháo gỡ.
Về lĩnh vực nông nghiệp, ông đề nghị NHNN sớm tổng kết các chương trình cho vay không hiệu quả, không khả thi. Đồng thời, đề xuất hỗ trợ xây dựng một thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh và phân biệt rõ trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu ngân hàng.