Tài chính

Big4 có tỷ trọng tín dụng bán lẻ 45% chịu áp lực NIM lớn trong năm 2024

Phân khúc bán lẻ, mảng được xem là động lực tăng trưởng tín dụng của "ông lớn" BIDV trong những quý cuối năm 2024, hiện chiếm tỷ trọng khoảng 45% trong tổng dư nợ. 

Trong báo cáo phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), các chuyên gia phân tích kỳ vọng ngân hàng sẽ đẩy manh giải ngân trong quý IV/2024 và dùng hết được hạn mức tăng trưởng của năm nay (14%).

Tính đến cuối quý II, ngân hàng mới đạt mức tăng trưởng tín dụng 5,9% với quy mô cho vay khách hàng tăng 5,9% lên 1,88 triệu tỷ đồng trong khi danh mục trái phiếu doanh nghiệp giảm 7%, ở mức 6.838 tỷ đồng.

Số liệu từ hai quý đầu năm cho thấy tốc độ tăng trưởng cao tập trung ở phân khúc bán lẻ tăng 8,3% (chiếm 45% tổng dư nợ). Nhóm doanh nghiệp lớn tăng 5,9% (chiếm 34% dư nợ) và nhóm SME tăng trưởng khiêm tốn 1,1%.

 Nguồn: VCBS.

Áp lực thu hẹp NIM khi phải giảm lãi suất

BIDV là ngân hàng có lợi thế vốn rẻ từ lượng lớntiền gửi kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước, đạt hơn 118.000 tỷ cuối quý II/2024, lớn nhất trong số các ngân hàng trong hệ thống.

Tuy nhiên, các chuyên gia của VCBS cho rằng BIDV đang đứng trước áp lực giảm lãi suất để hỗ trợ các khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thiệt hại do thiên tai… khiến NIM chịu áp lực thu hẹp trong năm 2024.

Áp lực lên NIM một phần đến từ việc CASA giảm nhẹ so với cuối năm 2023, từ 19,6% về 18,2%.Tính đến cuối quý II, huy động từ tiền gửi và giấy tờ có giá của BIDV đạt hơn 2 triệu tỷ đồng (tăng 5,9% so với đầu năm). Trong đó, tiền gửi khách hàng tăng 6%, giấy tờ có giá tăng 4,3%. 

 

Lợi nhuận nửa đầu năm của BIDV tăng trưởng nhờ tăng trưởng của thu nhập ngoài lãi và giảm chi phí trích lập dự phòng.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần chỉ tăng 3,3% trong khi thu nhập ngoài lãi đạt 9.017 tỷ đồng, tăng 27,9% so với cùng kỳ. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 13,8% mang về 3.632 tỷ; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 119% đạt 3.190 tỷ, từ đầu tư chứng khoán tăng 124% đạt 467 tỷ.

Ngược lại, thu nhập khác với cấu phần chính từ thu hồi nợ xấu đã xóa giảm 23,8% xuống còn 1.533 tỷ đồng do thị trường bất động sản chưa thuận lợi.

Sử dụng hơn 8.600 tỷ để xoá nợ

Theo ước tính của VCBS, BIDV đã sử dụng hơn 8.600 tỷ đồng để xoá nợ trong kỳ giúp tỷ lệ nợ xấu gần như đi ngang trong quý I và quý II. Tỷ lệ nợ nhóm 2 ở mức 1,59%, cải thiện sau khi đạt đỉnh trong quý I; tỷ lệ bao phủ nợ xấu vẫn giữ ở mức cao đạt 132% cho thấy áp lực nợ xấu không quá lớn.

Tuy nhiên, trong trường hợp khả năng trả nợ của khách hàng hồi phục chậm hơn dự kiến, lợi nhuận của BIDV sẽ chịu tác động tiêu cực trong ngắn hạn khi nợ xấu gia tăng khiến chi phí dự phòng duy trì cao trong năm 2024-2025.

 

 

BID dự kiến tăng vốn điều lệ lên 70.624 tỷ đồng trong năm 2024 theo 2 phương án: (1) chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 21%, và (2) phát hành riêng lẻ với tỷ lệ 2,89%, hiện vẫn đang trong quá trình chọn lựa nhà đầu tư phù hợp.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm