-
Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toànTìm cách hạ nhiệt tỷ giá
Áp lực nợ xấu đè nặng
Kết thúc quý II/2024, bức tranh tài chính của ngành ngân hàng vẫn u ám bởi áp lực từ khoản nợ xấu. Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý II/2024, số dư nợ xấu (nợ nhóm 3 đến nhóm 5) của 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính (bao gồm 27 ngân hàng niêm yết và Agribank, BaoViet Bank) tiếp tục tăng so với quý I/2024 và cuối năm 2023.
Theo đó, sau 6 tháng đầu năm, số dư nợ xấu của 29 ngân hàng trong thống kê đã tăng từ 224.741 tỷ đồng lên tới 271.461 tỷ đồng, tương đương hơn 46.720 tỷ đồng, khoảng 20,8% so với cuối năm 2024. Trước đó, theo báo cáo tài chính quý I/2024 của 28 ngân hàng (không bao gồm Agribank), nợ xấu đã tăng thêm 14,4% so với cuối năm ngoái.
Số liệu công bố từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, nợ xấu tiếp tục là một điểm trừ lớn trên thị trường tiền tệ, khi nợ xấu nội bảng tính đến cuối tháng 5/2024 đã ở mức 4,94%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023. Dù tín dụng 6 tháng đầu năm đầu 2024 tăng trưởng tích cực, đạt mức 6%.
Cùng với áp lực nợ xấu tăng, trích lập dự phòng của các ngân hàng cũng tăng trong nửa đầu năm. Mặc dù so với năm 2023, tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở các nhà băng giảm mạnh nhưng vẫn ở mức cao. Nhiều ngân hàng trên 100% tức là đã dự phòng cho toàn bộ nợ xấu như Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank, MB, Techcombank. Theo thống kê 27 ngân hàng niêm yết, Vietcombank đang là ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ bao phủ nợ xấu, đạt 212,1%. BIDV và Agribank là 2 trong ngân hàng trong nhóm Big 4 cũng ghi nhận tỷ lệ bao phủ đạt 132,3% và 116,1%. MB ghi vào danh sách vào những ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu vượt con số 100% tính đến ngày 30/6/2024.
Một tín hiệu tích cực khác, đó là nhiều ngân hàng đã tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu như SHB, KienlongBank, Sacombank, TPBank, MSB và PGBank. Các chỉ số này cho thấy, ngành ngân hàng dự phòng cẩn trọng cho rủi ro có thể xảy ra.
Chưa hết lo lại… thêm áp lực
Dù các ngân hàng đang tiếp tục duy trì và thậm chí cải thiện tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao cho thấy sự chuẩn bị tốt cho rủi ro có thể xảy ra. Song, thực tế, vấn đề nợ xấu gia tăng vẫn tạo ra áp lực lớn trong bài toán lợi nhuận của các nhà băng.
Trước áp lực nợ xấu gia tăng, kể từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng phải ồ ạt rao bán khoản nợ vay và tài sản thế chấp khoản nợ vay. Nhưng bài toán thanh khoản các khoản nợ hay thậm chí các bất động sản ở vị trí đắc địa cũng không hề dễ dàng. Không ít khoản nợ được rao bán tới hơn chục lần mà vẫn ế ẩm, dù ngân hàng hạ giá đến hàng chục tỷ đồng.
Đơn cử như ngân hàng Agribank vẫn phải chật vật rao bán nhiều lần khoản nợ của Công ty Khách sạn Bến Du Thuyền. Giá khởi điểm ở lần rao thứ 11 vào hồi tháng 8 là 948,2 tỷ đồng, giảm cả gần trăm tỷ so với lần rao bán trước đó. Trong khi, tháng 10 năm ngoái, giá khởi điểm cho khoản nợ được đưa ra là gần 1.031 tỷ đồng.
VietinBank cùng từng thông báo bán đấu giá lần thứ 16 khoản nợ của Công ty CP Xây dựng Công nghiệp (Descon) để xử lý thu hồi nợ vay. Tạm tính đến ngày 24/4/2024, dư nợ của khoản nợ tạm tính gần 589 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc hơn 327 tỷ đồng, còn lại là lãi cộng dồn và lãi quá hạn cộng dồn.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nợ xấu của các ngân hàng vẫn tiếp tục có xu hướng gia tăng xuất phát từ 2 lý do chính. Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong quá trình phục hồi nhưng tốc độ chậm. Sức khỏe của các doanh nghiệp chưa có sự cải thiện đáng kể. Trung bình mỗi tháng Việt Nam ghi nhận 15.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong khi con số này năm ngoái chỉ khoảng 10.000 doanh nghiệp. Đáng chú ý, thị trường bất động sản vẫn phục hồi chậm. Trong khi đó, 70% tài sản bảo đảm tại các ngân hàng là bất động sản. Khi tính thanh khoản của bất động sản kém, các ngân hàng rất khó để xử lý tài sản đảm bảo qua việc phát mãi và nếu phát mãi có thành công thì các ngân hàng cũng chịu thiệt hại không ít.
Ở thời điểm hiện tại, điều ông Hiếu còn lo ngại hơn, đó là áp lực nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng mạnh từ nay đến cuối năm khi thiệt hại từ cơn bão Yagi để lại cho nền kinh tế rất lớn. Ông Hiếu cho hay: “Hàng chục năm qua, đây là lần đầu tiên Việt Nam hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi. Ngay cả chính các ngân hàng cũng bị thiệt hại trực tiếp từ cơn bão khi các chi nhánh phải đóng cửa hoặc hư hại do bão gây ra. Trong khi đó, nhiều khách hàng cá nhân, doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão.
Trong cuộc họp mới đây, theo thống kê sơ bộ của Vietcombank, 34 chi nhánh của nhà băng này chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi bão, lũ. Hiện tại, theo uớc tính đã có gần 6.000 khách hàng của Vietcombank bị ảnh hưởng với tổng dư nợ khoảng 71.000 tỷ đồng, trong đó riêng tại địa bàn Hải Phòng, Quảng Ninh có 230 khách hàng bị ảnh hưởng với tổng dư nợ khoảng 13.300 tỷ đồng.
Còn theo thống kê sơ bộ của VietinBank, có khoảng 195 khách hàng doanh nghiệp của ngân hàng này bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 với dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng.
“Chúng ta nghĩ đơn giản như thế này, ngành ngân hàng sống dựa trên sự tồn tại, phát triển của người dân, doanh nghiệp. Nay đời sống doanh nghiệp khó khăn sẽ dẫn tới tín dụng chậm lại, thu hồi nợ khó khăn hơn. Thế nên, vấn đề xử lý nợ xấu dường như chưa thể nhìn thấy ánh sáng phía cuối đường hầm”, ông Hiếu nói.
Cũng theo ông Hiếu, các ngân hàng hiện tại còn phải tiếp tục giảm lãi suất cho vay, thậm chí đưa ra các gói hỗ trợ cho các khách hàng nằm trong vùng bão lũ. Điều này sẽ càng “bào mòn” lợi nhuận của ngành ngân hàng và tiếp tục đẩy nợ xấu gia tăng.
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế nhận định: Chắc chắn sẽ có sự phân hóa rõ nét về nợ xấu giữa các ngân hàng từ nay đến cuối năm. Các ngân hàng vừa và nhỏ sẽ có xu thế tăng nợ xấu. Các ngân hàng lớn sẽ kiểm soát được nợ xấu và có nguồn lợi nhuận lớn để bù đắp. Theo ông Hiển, khó khăn của ngành ngân hàng tiếp tục tăng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn. Đặc biệt, khi thị trường bất động sản suy thoái thì ngân hàng nào cũng buộc phải tăng nợ xấu.