Theo SYNC Southeast Asia - (SYNC Đông Nam Á) của Facebook và Bain & Company (Mỹ), thương mại điện tử Việt Nam được dự báo phát triển nhanh nhất Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử (GMV) đạt 56 tỷ USD vào năm 2026. Cũng theo Bộ Công Thương, thị trường chuyển phát Việt Nam đạt 20.000 tỷ đồng tăng trưởng 23% chỉ trong nửa đầu năm 2021 với 590 triệu bưu phẩm. Quy mô thị trường chuyển phát sẽ tăng gần gấp đôi vào 2028, đạt 38.000 tỷ đồng, mức tăng trưởng gần 12%.
Những dự đoán trên là kết quả của lượng người kinh doanh trực tuyến cũng như xu hướng mua bán hàng hóa trực tuyến của người tiêu dùng không ngừng gia tăng trong những năm gần đây, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua. Điều này đã thúc đẩy ngành giao nhận hàng hóa được “săn đón”, kéo theo thị trường đầu tư nhượng quyền bưu cục trở nên sôi động.
Thực tế cho thấy, lĩnh vực chuyển phát tuy còn mới mẻ nhưng đa cơ hội với nhiều hình thức đầu tư như tự thành lập công ty chuyển phát hoặc mua cổ phần của các công ty đã niêm yết trên sàn. Tuy nhiên, với những hình thức truyền thống nói trên đòi hỏi số vốn ban đầu, chi phí vận hành cao cùng nhiều rủi ro bởi chưa đủ kinh nghiệm, chưa hiểu thị trường, tệp khách hàng giới hạn…. Từ đó, nhượng quyền bưu cục - hình thức kinh doanh được xem là “sân chơi” an toàn và hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư, khởi nghiệp trẻ.
Chia sẻ về nhượng quyền bưu cục, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết trong một số hình thức đầu tư logistics thì nhượng quyền bưu cục là mô hình tuy mới mẻ nhưng đạt nhiều thành công nhất định. Mô hình này đã tận dụng nguồn lực phân tán tại các địa phương.
Một trong số đơn vị đang triển khai và thành công ở mô hình này nhờ đem lại đa lợi ích cho nhà đầu tư như J&T Express - Giao hàng chuyển phát nhanh. “Với nhà đầu tư có số vốn ít, J&T Express vẫn sẽ hỗ trợ nhà đầu tư như mặt bằng, xe cộ và nhân viên. Công ty sẵn sàng đầu tư tất cả những hình thức này để hỗ trợ tốt nhất cho đối tác. Bên cạnh đó, J&T Express còn tổ chức các buổi trao đổi, hướng dẫn cặn kẽ cho nhà đầu tư dù chưa có kinh nghiệm hay đã có để từng bước vững vàng, kinh doanh thành công", ông Phan Bình - Giám đốc Thương Hiệu J&T Express chia sẻ.
Rõ ràng, nhượng quyền bưu cục đem đến nhiều tiềm năng, dễ thành công nhưng cũng cần nhiều kinh nghiệm “bỏ túi”. Nhà đầu tư nên cân đo đong đếm và lưu ý lựa chọn những thương hiệu cho nhượng quyền uy tín, hệ thống vận hành chuyên nghiệp, nền tảng công nghệ và tệp khách hàng sẵn có. Ngoài ra, việc chủ động nghiên cứu thị trường, đi thực tế tại các cơ sở kinh doanh và theo dõi hiệu quả kinh doanh của bưu cục là điều cần thiết. Bên cạnh đó, cũng cần lựa chọn các đơn vị cho đường lối kinh doanh và tiếp thị đúng hướng, lâu dài.
Chị Dương Thị Kim Kiều - chủ bưu cục nhượng quyền tại J&T Express Tuy Hòa, Phú Yên chia sẻ một vài kinh nghiệm khi đầu tư. Chị đã tìm hiểu kỹ đối tượng mua nhượng quyền khi kí kết hợp đồng, nghiên cứu thị trường và đưa đánh giá rằng nhượng quyền thương hiệu đang là xu hướng, đặc biệt ở mảng thương mại điện tử, logistics. Trong đó, J&T Express là một thương hiệu uy tín với đầy đủ những tài nguyên sẵn có, đáp ứng được nguyện vọng của nhà đầu tư nói chung và xu hướng của thị trường.
Chị Kiều cho biết thêm: “Kinh doanh nhượng quyền không phải luôn dễ dàng, đỉnh điểm là rơi vào giai đoạn dịch bệnh, thiếu nhân lực ảnh hưởng tới việc giao hàng. Tuy nhiên, nhờ sự dẫn dắt và hỗ trợ từ công ty mẹ thì việc vận hành đã được cải thiện hơn rất nhiều, công việc kinh doanh hiện nay đã đi vào ổn định.”
Những kinh nghiệm, chia sẻ của người trong cuộc như chị Kiều phần nào cho thấy nhượng quyền bưu cục nói chung và mô hình nhượng quyền của J&T Express nói riêng đang chứa đựng nhiều tiềm năng đầu tư trong tương lai. Trước đó, J&T Express được đánh giá là điển hình thành công của nhượng quyền thương hiệu tại các quốc gia tiên tiến. Tại Việt Nam, doanh nghiệp này cũng được kỳ vọng mang đến nhiều cơ hội mới cho nhà đầu tư và đối tác bởi sự nhanh nhạy, chuyên nghiệp, là luồng gió mới cho sự phát triển của ngành giao nhận.