Tài chính

Bí kíp làm giàu và tránh bị phương Tây trừng phạt của tỷ phú được mệnh danh là "thông minh nhất trong các oligarch Nga"

Len Blavatnik tự gọi mình là tỷ phú tự thân. Ông là 1 ông trùm truyền thông, tỷ phú công nghệ, 1 nhà đầu tư bất động sản tiên phong và còn là 1 nhà công nghiệp. Tuy nhiên điều mà ông luôn muốn nhấn mạnh là bản thân hoàn toàn không phải là một oligarch – từ dùng để chỉ giới tài phiệt Nga. Thậm chí ông không phải là 1 người Nga dù phần lớn tài sản có nguồn gốc từ nước Nga.

Blavatnik thắng lớn từ những mỏ dầu ở vùng Siberia và cuộc chiến nhôm. Ông còn kiếm được vài tỷ USD trong khi hàng loạt các tỷ phú Nga bị Anh và EU cấm vận. Đáng lẽ Blavatnik cũng đã bị liệt vào danh sách trừng phạt, nhưng thay vào đó ông lại trở thành tỷ phú giàu thứ 33 thế giới và lặng lẽ thâm nhập vào tầng lớp thượng lưu trong xã hội Anh và Mỹ. Tất cả các khoản từ thiện và đầu tư của vị tỷ phú 64 tuổi đều được thực hiện thông qua quỹ đầu tư có tên Access Industries mà ông sở hữu hoàn toàn.

Bí kíp làm giàu và tránh bị phương Tây trừng phạt của tỷ phú được mệnh danh là thông minh nhất trong các oligarch Nga - Ảnh 1.

Blavatnik trò chuyện với Hoàng tử William tại 1 sự kiện năm 2016. Ảnh: PA Images/Alamy

Một số doanh nhân mà Blavatnik từng hợp tác làm ăn đã lọt vào danh sách trừng phạt của phương Tây. Mikhail Fridman, Petr Aven và German Khan, các cổ đông của tập đoàn Alfa Group hay các nhà đầu tư đã cùng Blavatnik đổ tiền vào ông lớn dầu mỏ TNK-BP bị cấm vận vì Anh và EU cho rằng họ có mối liên hệ với điện Kremlin.

Viktor Vekselberg, bạn đại học của Blavatnik và từng hợp tác với ông trong một vài dự án, bị Mỹ trừng phạt từ năm 2018 và đến tháng 3 vừa qua lại tiếp tục bị cấm vận. Hồi tháng 4, du thuyền của ông bị Mỹ tịch thu.

Ở Nga, oligarch là từ dùng để chỉ những doanh nhân Nga siêu giàu có tầm ảnh hưởng nhất định lên hệ thống chính trị. Nhóm này đã tích luỹ được nhiều tài sản trong những năm 1990, khi nước này đẩy mạnh tư nhân hoá. Theo Jordan Gans-Morse, giáo sư khoa học chính trị đang công tác tại ĐH Northwestern, là 1 oligarch không phải lúc nào cũng đồng nghĩa doanh nhân đó sẽ bị phương Tây nhắm tới. Trong khi những oligarch thế hệ đầu tiên có mối quan hệ rất mật thiết với chính phủ, thế hệ sau này "đã tìm thấy nhiều cách để sống sót bằng cách thể hiện rõ ràng rằng họ không có bất kỳ ảnh hưởng chính trị nào".

Con đường của Blavatnik

Blavatnik có nhiều điểm tương đồng với các tỷ phú Nga khác về tài sản, tham vọng và những thương vụ làm ăn. Tuy nhiên ông có 1 điểm khác biệt lớn và quan trọng: Blavatnik không phải là người Nga. Mặc dù sinh ra ở Ukraine và lớn lên ở Moscow, ông đã nhập quốc tịch Mỹ từ khi ngoài 20 tuổi. Hiện Blavatnik có cả quốc tịch Anh và Mỹ nhưng chưa từng bao giờ có hộ chiếu Ukraine.

Blavatnik quay lại Nga và hưởng lợi từ quá trình tư nhân hoá trong những năm 1990. Một số nguồn tin thân cận miêu tả Blavatnik giống như 1 "bóng ma", hiếm khi trực tiếp ra mặt mà thường giao phó cho những cấp dưới mà ông tin tưởng.

Blavatnik cùng với Fridman và Vekselberg mua lại TNK, một trong những tập đoàn dầu quốc doanh lớn cuối cùng của Nga. Nhóm này phát triển TNK và sáp nhập với BP. Khi TNK-BP được bán lại cho tập đoàn quốc doanh Rosneft vào năm 2013 với giá 55 tỷ USD, Blavatnik thu về 7 tỷ USD.

Hiện tài sản của Blavatnik đã tăng lên 37,1 tỷ USD, giàu hơn Stephen Schwarzman của quỹ Blackstone, Ken Griffin của Citadel hay Vladimir Potanin – tỷ phú giàu nhất nước Nga.

Bí kíp làm giàu và tránh bị phương Tây trừng phạt của tỷ phú được mệnh danh là thông minh nhất trong các oligarch Nga - Ảnh 2.

Blavatnik và cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại Lincoln Center năm 2013. Ảnh: Amanda Gordon/Bloomberg

Phần lớn tài sản của Blavatnik liên quan đến phương Tây. Ông đầu tư trên khắp châu Âu và Mỹ. Gần đây ông tăng tốc các khoản đầu tư ở Mỹ, nơi ông mạnh tay đặt cược vào công ty sản xuất nhựa và hoá chất LyondellBasell Industries NV, thu về lợi suất 170%, cộng thêm 5,3 tỷ USD từ bán cổ phiếu và cổ tức.

Năm 2011, ông còn đầu tư vào công ty âm nhạc Warner Music và thu lời gấp 3 khi Warner IPO năm 2020. Ông đã rót vốn vào hàng chục startup, trong đó có Spotify và thương hiệu thời trang Tory Burch, đồng thời cũng là người nhiệt tình ủng hộ ngành công nghệ sinh học. Ông đã quyên góp hơn 320 triệu USD cho các nghiên cứu khoa học và y học, thường là thông qua các trường thuộc nhóm Ivy League.

Và với đặc quyền chỉ dành riêng cho công dân Mỹ, kể từ giữa những năm 1990 đến nay Blavatnik đã chi hơn 5 triệu USD tài trợ chính trị chia đều cho 2 đảng Dân chủ và Cộng hoà.

Là người đã sinh sống ở nhiều quốc gia và va chạm với nhiều nền văn hoá từ khi còn trẻ tuổi, chiến lược đầu tư đa dạng của Blavatnik thực sự tỏ ra hiệu quả. "Có lẽ đây là oligarch thông minh nhất", David Lingelbach, giáo sư đang làm việc tại ĐH Baltimore và từng phụ trách hoạt động của Bank of America tại Nga trong những năm 1990 nhận định.

Tham khảo Bloomberg

Cùng chuyên mục

Đọc thêm