Ngay khi Celeste Polanco có 100.000 người theo dõi trên TikTok, cô gái này bắt đầu nghĩ đến việc kiếm tiền, The The New York Times.
“Tôi biết mình có thể dành được hợp đồng thương hiệu. Chỉ là về khía cạnh kinh doanh thì tôi không biết nhiều”, Polanco nói, đồng thời cho biết bản thân vô cùng tò mò khi đại diện Carter Agency - một công ty quản lý tài năng dành cho những người sáng tạo TikTok, liên hệ với mình vào năm 2021.
“Tôi đã nói chuyện với Ben Popkin, đại diện công ty, về giới hạn cũng như giá trị có thể mang lại với tư cách là một người có tầm ảnh hưởng”, Polanco nói.
Sau đó ít lâu, hai bên chính thức ký hợp đồng.
Polanco chỉ là một trong số rất nhiều người sử dụng TikTok, sau đó gặp may nhờ thuật toán bí ẩn. Con đường đến với danh vọng từ vận may đang diễn ra nhanh hơn bao giờ hết khi ngày càng nhiều người tìm cách kiếm tiền nhờ phương thức quảng bá thương hiệu và sản phẩm. Nhiều công ty, chẳng hạn như Carter Agency, sẵn sàng xắn tay hỗ trợ quá trình đàm phán.
Tuy nhiên, đã hơn một năm kể từ khi ký hợp đồng, Polanco vẫn chưa nhận được đồng thù lao nào. Theo các tài liệu được cung cấp cho The New York Times, Carter Agency đã thay mặt cô gái này đàm phán các thỏa thuận trị giá ít nhất 10.000 USD, song không hề chia phần cho Polanco.
Được biết, Polanco chỉ là một trong số khoảng 20 nhà sáng tạo nội dung có hoàn cảnh tương tự. Họ thậm chí còn bị giữ tiền và không biết tỷ lệ phân chia hoa hồng minh bạch.
Theo The New York Times, Carter Agency được thành lập bởi Josh Popkin, anh trai Ben Popkin và một số người khác với mục đích đại diện cho hàng chục TikToker. Bản thân Josh Popkin cũng là một người sáng tạo TikTok khi sở hữu tài khoản hơn 3 triệu người theo dõi. Sự chú ý của công chúng bắt đầu khi người đàn ông này đăng tải video đổ ngũ cốc trộn sữa xuống sàn tàu điện ngầm ở thành phố New York. Sau khi bị Cơ quan Giao thông Vận tải Đô thị mỉa mai là “trò đáng khinh”, Popkin lên tiếng xin lỗi, đồng thời xóa luôn tài khoản TikTok đăng video gốc.
Theo The New York Times, các công ty đại diện thường gửi cho những nhà sáng tạo nội dung bản báo cáo công việc sau khi đạt thỏa thuận với thương hiệu. Chúng bao gồm thời gian thực hiện dự án, tỷ lệ thanh toán và dạng video mà người sáng tạo được yêu cầu thực hiện. Carter Agency khi đó kiếm tiền bằng cách lấy phần trăm hoa hồng, thường là 20-30%.
Tuy nhiên, nhiều nhà sáng tạo cho biết họ được trả rất ít, thậm chí không được đồng nào. Tờ The Times đã cố gắng liên hệ với Carter Agency qua email, tin nhắn và số điện thoại song không nhận được hồi âm.
Niké Ojekunle là một trong những nhà sáng tạo đầu tiên lên tiếng ‘bóc trần’ Carter Agency trên cả TikTok và podcast “Women in Influencer Marketing” hồi tháng 11/2022.
Cô cáo buộc công ty này vì gian dối tuyên bố mình là đại diện ký hợp đồng của Ojekunle trong khi bản thân cô chưa bao giờ ký hợp đồng với bất kỳ bên quản lý nào trong suốt 10 năm hoạt động.
Sau khi video “bóc phốt” của Ojekunle thu hút sự chú ý, đại diện Ben Popkin đã gửi một email tới các khách hàng của Carter Agency. Trong đó, hắn khẳng định những phát ngôn trên không hề chính xác, và rằng Ojekunle bị loại khỏi công ty vì “thiếu chuyên nghiệp”.
Vụ việc sau đó thúc đẩy nhiều TikToker cẩn trọng hơn với các bên agency đại diện để xem xét lại hợp đồng. Nhiều nhà sáng tạo nội dung cũng liên hệ với các thương hiệu từng hợp tác để tìm hiểu xem họ có được công ty trả đúng thù lao hay không.
“Thật tốt khi có một nhóm hiểu chuyện gì đang thực sự diễn ra”, Yasmine Sahid, một người sáng tạo 26 tuổi ở Los Angeles, nói.
Timisola Ogunleye, một nhà sáng tạo 27 tuổi ký hợp đồng với Carter Agency vào năm 2021, cho biết công ty đã mang lại cho mình nhiều thỏa thuận với Clean & Clear, Neutrogena và một số thương hiệu khác. Cô chấp nhận mức hoa hồng 30% chia cho công ty song vẫn cảm thấy tỷ lệ này là cao.
Riri Bichri, một người sáng tạo nổi tiếng khác, thì gia nhập công ty vào năm 2022. Ngỡ tưởng “đã ký được một hợp đồng đàng hoàng và có thể làm việc với những người trung thực”, song kết cục lại không hề ‘màu hồng’.
Arielle Fodor (30 tuổi), một giáo viên mầm non đã trở thành ngôi sao TikTok, thậm chí còn dùng hẳn một bảng tính để theo dõi thu nhập, song đến nay vẫn chưa được đại diện Carter Agency thanh toán. Theo The New York Times, đúng ra, cô gái này phải nhận được 28.000 USD.
Trước đó, câu chuyện của Brittany Tomlinson cũng khiến giới sáng tạo nội dung phẫn nộ. Nổi lên từ các clip ăn uống, thử trà, cô gái này đã nhận được lời mời hợp tác từ Ariadna Jacob - người sáng lập kiêm quản lý Girls in the Valley.
Brittany sau đó phải làm việc ngày đêm và gần như không có thời gian nghỉ. Cô cảm thấy bản thân bị vắt kiệt sức lao động và sự sáng tạo.
Tuy nhiên, mức thù lao Brittany nhận được lại tỷ lệ nghịch với công sức. Tháng 4/2019, cô chính thức kiện công ty quản lý vì thiếu nợ hơn 23.000 USD.
Thomas Petrou, một ngôi sao thuộc ‘nhà chung’ Hype House, trước đó cũng thừa nhận với New York Times về tình trạng bóc lột sức lao động tại các lò đào tạo TikToker.
“Toàn bộ ngôi nhà được thiết kế để tạo ra hiệu suất lao động. Nếu không cố gắng và để bị bỏ lại phía sau, bạn sẽ bị loại”, Petrou nói.
Theo: The New York Times