Melya là startup tiếp theo nhận đề nghị đầu tư 1 triệu USD trên sóng Shark Tank Việt Nam mùa thứ 5. Cụ thể, trong chương trình, Shark Bình tuyên bố sẽ rót vào startup thời trang cao cấp này 500.000 USD cho 10% cổ phần; 500.000 USD còn lại cho khoản vay chuyển đổi với tỷ lệ lãi suất đàm phán sau. Tuy nhiên, Melya cũng bị tới 4/5 "cá mập" từ chối vì lý do định giá quá cao, và nhiều chỉ tiêu kinh doanh CEO đưa ra chỉ là "bánh vẽ".
Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã trao đổi trực tiếp với nhà sáng lập, CEO Cao Tiến Thành về thương vụ gọi vốn của Melya trên sóng Shark Tank.
Chào anh Thành. Anh có lo lắng không khi gần cuối thương vụ, 4/5 cá mập của chương trình đồng loạt không đầu tư?
Tôi có chút buồn nhưng không bất ngờ, vì trước đó các shark này cũng đã từ chối vài startup thời trang rồi. Với tôi, nếu được đầu tư thì rất tốt, còn nếu không, tôi mong muốn nhận được những bài học giá trị để mình rút kinh nghiệm và làm tốt hơn trong tương lai. Nhưng rất tiếc các shark hỏi ít quá, có lẽ các shark không thích ngành thời trang.
Trước khi lên sóng, anh dự định sẽ đi cùng shark nào? Anh có bất ngờ không khi một shark vốn mạnh về công nghệ như Shark Bình lại chọn rót vốn vào startup thời trang như Melya?
Trước khi ghi hình, tôi mong muốn đồng hành cùng Shark Hưng và Shark Bình.
Tôi không bất ngờ và dự đoán trước là sẽ được Shark Bình đầu tư, bởi trước đó Shark Bình đã rất thành công ở deal thời trang mùa trước nên khi tôi đọc các chỉ số, chỉ có Shark Bình là người ghi chép và phân tích các số liệu rất đầy đủ, và Shark Bình cũng là người hỏi nhiều nhất. Nếu để ý, bạn sẽ thấy cứ Shark nào hỏi nhiều là Shark đó rất quan tâm và sẽ đầu tư nếu thấy mọi thứ ổn thỏa.
Trong chương trình các shark có nói anh định giá quá cao, và nhiều chỉ tiêu về lợi nhuận, doanh thu chỉ là "bánh vẽ", anh nói sao về điều này?
Định giá cao hay thấp thì còn phải so với ngành. Bạn thấy đó, các công ty đi theo chuỗi đa phần là lỗ trong vài năm đầu tiên, Melya là công ty hiếm hoi có lãi từ rất sớm. Còn bánh vẽ hay thực tế thì để thời gian trả lời. Và sớm thôi, cuối năm nay sẽ rõ.
Phần trình bày trên Shark Tank có điều gì khiến anh nuối tiếc hoặc thấy chưa hài lòng không?
Tôi có chút tiếc nuối vì các shark hỏi ít quá, mình sẵn sàng đứng 5-6 tiếng mà thực tế được có hơn 1 tiếng là xong. Như mình nói ở trên, có lẽ các shark không thích thời trang nên không hỏi nhiều, trừ Shark Bình.
Từ khi Melya lên sóng đến nay, tình hình kinh doanh của công ty có thay đổi gì đáng kể không?
Chúng tôi mới lên sóng được 1 ngày thôi nên chưa thấy thay đổi gì đáng kể. Với lại Melya vẫn đang tăng trưởng, nên nếu doanh số không tăng đột biến thì rất khó nhận ra. Nhưng tôi nghĩ vài ngày tới sẽ có sự đột phá nhờ hiệu ứng truyền thông từ sau chương trình Shark Tank.
Hiện Melya và Shark Bình đã tiến hành thẩm định đến đâu rồi, Melya đã nhận vốn từ Shark Bình chưa?
Từ sau khi ghi hình, Melya và phía tập đoàn NextTech của Shark Bình đã trao đổi rất nhiều. Hiện tại hai bên đã đạt được những thỏa thuận ban đầu về định hướng phát triển, nguồn lực hỗ trợ và sẽ bắt đầu tiến hành thẩm định sổ sách, pháp lý trong tuần tới. Tôi tin thương vụ này sẽ thành công.
Thị trường hiện nay đã có nhiều thương hiệu thời trang cao cấp cho nữ, vậy điểm mạnh của Melya so với bên khác là gì?
Đó chính là 6 tiêu chí cạnh tranh mà Shark Bình có hỏi tôi trong chương trình, tuy nhiên vì thời lượng phát sóng có hạn nên bị cắt bớt khá nhiều làm người xem không hiểu hết. Hôm ghi hình, tôi trả lời câu hỏi này trong 15 phút và liên tục bị các shark cắt ngang lời để hỏi xoáy.
Không cam chịu với việc đó, ngày 23/5 (sau ghi hình 9 ngày) tôi có mời Shark Bình với Tuấn (Giám đốc quỹ đầu tư Next100) qua trao đổi buổi đầu tiên trong vòng thẩm định. Tôi có trả lời lại 6 tiêu chí này rất chi tiết trong hơn 1 tiếng rưỡi, và Shark Bình rất hài lòng với câu trả lời đó.
Tôi có thể tóm gọn lại như sau:
Về nhân sự: Melya có chiến lược thu hút nhân tài bằng cơ chế lương thưởng cao hơn mặt bằng chung khoảng 10%, Có lộ trình thăng tiến cho nhân viên, xây dựng văn hóa doanh nghiệp để tạo ra môi trường tốt cho nhân viên thoải mái thể hiện năng lực.
Quy trình quản trị: Tôi ý thức được tầm quan trọng của quy trình, nên ngay từ đầu, ban lãnh đạo luôn chú trọng việc đóng gói và liên tục cải tiến các quy trình làm việc để nhân bản, xây dựng nội quy chặt chẽ. Thực ra tôi có sẵn tất cả từ các công ty trước, bởi đây không phải lần khởi nghiệp đầu tiên.
Sản phẩm: Như bạn biết, các hãng thời trang thiết kế trên thị trường luôn có sự khác biệt về mẫu mã, có thể nhập chung chất liệu vải ở cùng nhà cung cấp, nhưng mỗi hãng sẽ sáng tạo những kiểu dáng riêng, gu riêng. Hơn nữa các sản phẩm của Melya tập trung che khuyết điểm cho chị em như vòng eo chưa thon gọn, bắp tay to (mà trên 90% phụ nữ đều có khuyết điểm này)…
Giá bán: Về giá bán các sản phẩm của Melya có giá bán thấp hơn nhiều so với các thương hiệu cùng phân khúc, cùng chất lượng.
Marketing: Như tôi trình bày trong chương trình, Melya có cách làm marketing khác biệt, làm mạnh Online để khách ra cửa hàng Ofline mua sắm (Mô hình O2O)
Bán hàng: Đội ngũ sales là niềm tự hào của tôi. Các bạn làm từ 6h sáng đến 12h đêm chia làm 2 ca, trả lời khách hàng không quá 2 phút sau khi khách hàng nhắn tin, trong khi giờ quy định làm việc 8h sáng đến10h tối. Nếu không yêu công ty, không yêu sản phẩm thì không thể làm được như vậy. Các bạn ở khối cửa hàng cũng thế, kể cả hết giờ làm việc mà cửa hàng có khách thì vẫn ở lại phục vụ đến khi nào khách về thì thôi, rất thoải mái. Các bạn sale tư vấn cho khách 1–1 rất tận tình, chu đáo. Tôi tự tin khẳng định dịch vụ khách hàng của chúng tôi hơn hẳn thị trường.
Chuyển đổi mô hình kinh doanh từ online dần sang offline các anh có gặp khó khăn gì không?
Có chứ, rất nhiều ấy. Tôi xuất thân từ thương mại điện tử nên làm online rất dễ, nhưng khi sang chuỗi cửa hàng thì khó hơn rất nhiều, phải làm chi tiết hơn tỉ mỉ hơn, cẩn thận hơn và đặc biệt quy trình phải rất chặt chẽ mới quản trị được các cửa hàng ở xa công ty. Tuy nhiên không gì là không thể, cứ làm rồi sẽ tốt, đến bây giờ tôi tự tin có thể nhân rộng nhanh hơn mà vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ trên từng cửa hàng đều đồng nhất.
Khi kinh doanh thời trang theo mô hình chuỗi, anh thấy điều khó khăn nhất là gì? Anh đã giải bài toán đó thế nào?
Nói về khó khăn thì nhiều lắm, nhưng khó khăn nhất là quản trị nhân sự để đồng bộ chất lượng dịch vụ, mình giải bài toán đó bằng cách tăng cường đào tạo. Có lẽ Melya là công ty đào tạo nhiều nhất.
Ví dụ 1 nhân viên tư vấn bán hàng mới tuyển vào sẽ chưa được bán hàng ngay, mà sẽ được đào tạo trong 1 tháng, sau đó làm bài test (kiểm tra), đạt thì mới được ra bán hàng. Hàng tuần đào tạo online toàn chuỗi 2 buổi để giải quyết tất cả những vấn đề tồn đọng, từ tư duy đến hành động cụ thể. Kết quả được chứng minh là tỷ lệ khách hàng hài lòng và quay trở lại mua hàng rất cao. Tỷ lệ khách hàng mua cũ của chúng tôi là 50%.
Trong số 13 cửa hàng anh chia sẻ trên Shark Tank, đã có cửa hàng nào của Melya là nhượng quyền chưa? Anh có tính đến bài toán phát triển theo hướng nhượng quyền để mở rộng điểm bán không?
Hiện tại Melya đã có 15 cửa hàng và chúng tôi chuẩn bị khai trương cửa hàng thứ 16.
Rất nhiều người hỏi tôi về nhượng quyền, nhưng tôi quyết không làm theo hướng đó. Ngay từ đầu ban lãnh đạo rất kiên định với lựa chọn đi theo hướng tự mở, tự vận hành và tự quản trị, như vậy mới đồng bộ chất lượng dịch vụ như tôi nói phía trên được.
Dù biết là cách đi này sẽ chậm hơn nhượng quyền, nhưng tôi không thể đánh đổi lợi ích của khách hàng để lấy tốc độ phát triển, khách hàng xứng đáng được nhận những giá trị, chất lượng phục vụ như nhau trên toàn chuỗi. Hơn nữa, nếu nhượng quyền thì định giá doanh nghiệp sẽ không được cao. Rất nhiều chuỗi lớn họ tự làm được không cần nhượng quyền, nên tôi tin mình cũng làm được.
Đặt mục tiêu trở thành thương hiệu thời trang số 1 Việt Nam vào năm 2025, anh nghĩ Melya cần chuẩn bị những gì? Đó có phải mục tiêu quá tham vọng không khi thị trường không thiếu những thương hiệu thời trang lâu năm?
Tôi tin chúng tôi cứ làm tốt 6 tiêu chí trên thì sẽ đạt được, thậm chí là bây giờ còn nhiều tiêu chí hơn thế. Cơ hội dành cho tất cả mọi người chứ không chỉ riêng ai, ai làm tốt thì sẽ dẫn đầu. Đó là mục tiêu ngắn hạn, còn mục tiêu xa là tôi muốn phát triển thương hiệu thời trang Việt Nam sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Có thể bây giờ nói điều này là hơi sớm, nhưng ước mơ mà, cứ mơ, cứ quyết tâm, cứ hành động mạnh mẽ, tôi tin là sẽ làm được.
Ở Việt Nam có đầy đủ các yếu tố để trở thành nền công nghiệp thời trang lớn trên thế giới. Bạn xem nhé, Việt Nam mình có nhiều nhà thiết kế nổi tiếng đạt các giải thưởng quốc tế. Đó là minh chứng cho thấy sản phẩm người Việt Nam tạo ra không thua kém gì thế giới, thậm chí các ngôi sao nước ngoài vẫn đặt hàng các nhà thiết kế Việt Nam đó thôi. Có chăng chúng ta chưa có công ty nào làm thương mại quy mô toàn cầu, kém về mặt thương hiệu, chiến lược cạnh tranh,…
Hơn nữa, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt gần 40 tỷ USD/năm, nhiều nước như Mỹ, Hàn, Nhật,… đang phải gia công ở Việt Nam. Chúng ta có con người, có tay nghề, có máy móc để làm được tất cả những sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, vậy tại sao chưa có thương hiệu Việt đẳng cấp thế giới? Melya sẽ quyết tâm làm điều đó.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện vừa rồi.