Kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr ngày 17/5/2022 của Thanh tra Bộ Xây dựng đã “điểm mặt” các chủ đầu tư, công trình, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực 2 bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, KĐT Trung Hòa – Nhân Chính. Qua kiểm tra, thanh tra đã phát hiện 19 dự án, công trình và 1 khu nhà ở thấp tầng tồn tại vi phạm.
Hàng chục cao ốc bủa vây tuyến đường Lê Văn Lương.
Trong kết luận thanh tra công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch tại 19 dự án, công trình và một khu nhà ở thấp tầng ở khu vực đường Lê Văn Lương, Thanh tra Bộ Xây dựng phát hiện nhiều vi phạm, sai sót, tồn tại. Thậm chí, nhiều dự án liên tục điều chỉnh làm thay đổi chức năng sử dụng đất, “nhồi” thêm tầng cao… Nhưng chủ đầu tư các dự án 2 bên tuyến đường Lê Văn Lương khẳng định không sai và làm đúng pháp luật.
Chia sẻ với DĐDN về nội dung kết luận trên, ông Lê Minh Quốc - Chủ tịch Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Hà Nội – Sunrise ( HDIS), Chủ đầu tư Dự án tổ hợp dịch vụ thương mại, văn phòng và nhà ở tại ô đất 4.5-NO (tên thương mại The Golden Palm) cho biết, Dự án được UBND TP 2 lần điều chỉnh, Sở QHKT 1 lần. Dự án nào cũng phải điều chỉnh tùy theo từng giai đoạn, mục đích sử dụng khác nhau… nên việc điều chỉnh tầng, mật độ là đúng quy định pháp luật.
"Mặc khác, việc điều chỉnh dự án phải được Bộ Xây dựng chấp thuận, đồng thuận rồi lên tới Chính phủ phê duyệt thông qua thì chủ đầu tư mới được thực hiện. Trong khi đó, khi nghiệm thu dự án đều phải có sự giám sát cũng như chấp thuận của Bộ Xây dựng. Nhưng tại kết luận vừa qua Bộ Xây dựng lại cho rằng sai phạm này là do Sở quy hoạch Kiến trúc Hà Nội điều chỉnh sai như vậy là chưa thỏa đáng" - ông Quốc cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội, Chủ đầu tư Dự án trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, nhà trẻ và nhà ở để bán tại ô đất 3.7-CC (tên thương mại Hà Nội Center Point), dự án được UBND TP Hà Nội 1 lần điều chỉnh, Sở QHKT 1 lần điều chỉnh. Dự án xong cách đây 7 năm cũng đã được Bộ Xây dựng nghiệm thu đưa vào sử dụng đúng với mục đích sử dụng. Chủ đầu tư xây dựng dự án đúng giấy phép xây dựng và thực hiện đầy đủ thủ tục.
Sai phạm quy hoạch đường Lê Văn Lương trách nhiệm thuộc về ai?
Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý II. Tại cuộc họp báo, nội dung được báo chí đặc biệt quan tâm là những sai phạm liên quan đến việc quy hoạch trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu vừa được Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra.
Tại cuộc họp, ông Phạm Quốc Tuyến - Phó Giám đốc Sở QHKT Hà Nội cho biết, hiện Sở QHKT Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các đơn vị liên quan đang rà soát lại các nội dung mà Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận. Đồng thời, cho rằng một số nội dung trong kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng chưa thỏa đáng.
Cụ thể, qua các thời kỳ từ năm 2002 đến nay, trục đường Lê Văn Lương luôn được xác định là xây dựng trục cao tầng. Để triển khai chỉnh trang các tuyến phố chào mừng đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long và để phù hợp với định hướng mới sau khi hợp nhất, UBND TP Hà Nội đã báo cáo và được Bộ Xây dựng thống nhất điều chỉnh chiều cao theo hướng nâng thêm chiều cao tầng các công trình tại đây.
"Nội dung định hướng cao tầng này cũng đã được cập nhật vào quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011" - ông Tuyến lý giải.
Mặt khác, các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc tại các dự án không vượt chỉ tiêu khống chế về hạ tầng khung, chỉ tiêu khống chế quy hoạch kiến trúc tại quy hoạch phân khu, đồng nghĩa với việc vẫn đảm bảo yêu cầu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đã xác định tại quy hoạch phân khu được duyệt.
Ông Tuyến cho biết, với các định hướng tại quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch phân khu, việc UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2016, cũng như giải quyết các dự án theo hướng tập trung nhà cao tầng tại đây phù hợp với ý kiến Bộ Xây dựng đã thỏa thuận và chủ trương, định hướng phát triển kinh tế, xã hội của TP Hà Nội qua các thời kỳ và định hướng tại quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011.
Tiếp đó “Việc kết luận nhà cao tầng gây quá tải, thiếu trường học nhà trẻ, giảm tiện ích… tại một số dự án là chưa thỏa đáng” - ông Tuyến nói.
Lãnh đạo Sở QHKT Hà Nội cũng cho biết thêm, theo kết luận của Bộ Xây dựng có khoảng 15 dự án điều chỉnh nhiều lần. Đối chiếu với quy định Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị (tại Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị quy định cấp nào phê duyệt quy hoạch thì cấp đó sẽ phê duyệt điều chỉnh…), Thanh tra Bộ Xây dựng xác định các lần điều chỉnh là chưa chính xác.
"Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng, các văn bản như: Văn bản chủ trương của UBND TP, văn bản trả lời liên thông của sở, văn bản chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc, văn bản điều chỉnh cơ cấu căn hộ…. được hiểu là các lần điều chỉnh chưa đúng quy định của Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị" - ông Tuyến nhấn mạnh.