Lợi nhuận giảm mạnh
Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Triều An (mã chứng khoán: TAH) - nơi ông Trầm Bê làm thành viên Hội đồng quản trị vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2023 với mức lợi nhuận đi lùi so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong quý II, TAH đạt doanh thu gần 149 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ tăng 71%, lên gần 300 triệu đồng trong khi chi phí tài chính và chi phí bán hàng đều sụt giảm. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 10%, lên hơn 10 tỷ đồng.
Trong quý II năm nay, lợi nhuận sau thuế của Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Triều An giảm 23%.
Tuy nhiên, khoản lợi nhuận khác sụt giảm mạnh, chỉ còn 1,1 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ. Điều này khiến lãi sau thuế của TAH đạt 9,1 tỷ đồng trong quý II/2023, giảm 23% so với quý II/2022.
Tại thời điểm ngày 30/6/2023, tổng tài sản của TAH là hơn 1.100 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm 31/3/2023. Doanh nghiệp này nắm giữ hơn 90 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương. Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ ghi nhận là 21 tỷ đồng, giảm 15%.
Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa tư nhân Triều An có khoản vay nợ ngắn hạn hơn 3,7 tỷ đồng và hơn 19 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Cả hai khoản nợ vay này đều từ Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC).
Trong quý I năm nay, Bệnh viện Triều An ghi nhận doanh thu 141 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ và lãi gộp hơn 33 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ. Sau khi trừ đi các chi phí, Bệnh viện Triều An báo lãi sau thuế hơn 19 tỷ đồng, gấp 9,4 lần so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của Bệnh viện Triều An tăng gần 1% so thời điểm đầu năm và ở mức 1.128 tỷ đồng. Bệnh viện đã giảm 9 tỷ nợ phải trả so với đầu năm. Tổng nợ vay chỉ gần 25 tỷ đồng.
Doanh thu "khủng" lúc ông Trầm Bê thi hành án
Hồi đầu tháng 6, Bệnh viện Triều An công bố nghị quyết đại hội cổ đông thường niên 2023. Theo đó, đại hội đã bầu ông Trầm Bê làm thành viên Hội đồng quản trị kỳ 2022 - 2027 với tỷ lệ tán thành gần 99%.
Bệnh viện Triều An thành lập năm 1999 là một trong những bệnh viện đa khoa tư nhân đầu tiên và lớn nhất ở Việt Nam. Năm 2001, bệnh viện này đi vào hoạt động với vốn điều lệ 490 tỷ đồng, được góp bởi ông Trầm Bê, Công ty CP Xây dựng Bình Chánh và ông Lưu Trung Lương (một doanh nhân gốc Hoa).
Trong giai đoạn ông Trầm Bê đang thi hành án, Bệnh viện Triều An vẫn ghi nhận doanh thu thuần đều đặn trên 400 - 600 tỷ đồng.
Ông Trầm Bê là Chủ tịch Hội đồng quản trị Bệnh viện Triều An từ năm 1999 đến năm 2017 thì bị bãi nhiệm do vướng lao lý bởi vụ án tại Ngân hàng TMCP Phương Nam và Ngân hàng Sacombank (mã chứng khoán: STB).
Báo cáo tài chính của Bệnh viện Triều An từ năm 2019 đã không còn ghi nhận tên ông Trầm Bê trong danh sách Hội đồng quản trị do đang trong giai đoạn thụ án, nhưng người thân thì vẫn còn nguyên.
Hiện nay, ông Trần Ngọc Henri làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Bệnh viện Triều An. Ông Henri - người vẫn được gọi là “phó tướng” của ông Bê đã kế nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị sau khi ông Trầm Bê bị khởi tố.
Trong thời gian ông Trầm Bê đang thi hành án, TAH vẫn ghi nhận doanh thu thuần đều đặn trên 400 - 600 tỷ đồng trong giai đoạn 2017 - 2022. Riêng năm 2021, Bệnh viện Triều An phải kinh doanh dưới giá vốn do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19 nên kết quả doanh thu ở mức 379 tỷ đồng, lỗ sau thuế 27 tỷ đồng.
Năm 2022, Bệnh viện Triều An đã có lãi trở lại (đạt 41 tỷ đồng).