Sức khỏe

Bé sơ sinh tím tái, co giật do gia đình đắp tỏi chữa COVID-19

Ngày 18-3, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) cho biết BV mới cấp cứu bé sơ sinh 2 tháng tuổi nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, sốt cao 40 độ, li bì, co giật nhiều cơn kéo dài, tím tái, bỏng vùng bụng độ I. Kết quả test nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2.

Gia đình cho biết bé bị nhiễm COVID-19 ngày thứ 4, sốt cao, bú kém, ở nhà uống thuốc hạ sốt không giảm nên gia đình đã đắp tỏi bụng bé để chữa COVID-19 và đắp lá vùng thóp để hạ sốt.

Tuy nhiên tình trạng bé ngày càng nặng, sốt li bì, vùng bụng phồng rộp nên gia đình đã đưa bé đến bệnh viện cấp cứu.

Bé sơ sinh tím tái, co giật do gia đình đắp tỏi chữa COVID-19 - 1

Sau khi được cấp cứu tích cực bé đã may mắn vượt qua giai đoạn nguy hiểm. Ảnh: BVCC

Tại BV, bé được thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, các BS đã tiến hành hội chẩn và thống nhất chẩn đoán: Theo dõi viêm não, màng não, sốc nhiễm khuẩn/ nhiễm Corona Virus.

Bé đã được xử trí cấp cứu đặt ống nội khí quản, thở máy và dùng vận mạch, an thần, kháng sinh. Sau khi được cấp cứu tích cực bé đã may mắn vượt qua giai đoạn nguy hiểm.

BS trực tiếp cấp cứu và điều trị bệnh nhi cho biết: Bé nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, các BS phải chạy đua để cấp cứu kịp thời. Các bé sơ sinh khi nhiễm COVID-19 rất dễ chuyển biến nặng nếu không được theo dõi và chăm sóc kịp thời.

BS khuyến cáo, phụ huynh khi có con không may nhiễm COVID-19 nếu thấy trẻ sốt cao không đáp ứng với thuốc hạ sốt, cần cho trẻ đến viện để được thăm khám và xử trí. Ngoài ttình trạng co giật do sốt, trẻ còn dễ bội nhiễm vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, hoặc bản thân virus Sars-CoV-2 có thể tấn công vào nhiều cơ quan đặc biệt nguy hiểm như tim, phổi, thần kinh… Đặc biệt không được dùng tỏi, lá thuốc hoặc bất cứ loại thuốc nào không được các BS khuyến cáo đắp hoặc cho trẻ uống.

Hãy cho trẻ mắc COVID-19 nhập viện ngay khi:

- Sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ sốt, co giật do sốt cao đơn thuần.

- Nhịp thở nhanh.

- Thần kinh: Mệt, bỏ hoặc không ăn uống được, khó chịu, quấy khóc, ý thức giảm khó đánh thức.

- Dấu hiệu khác: Tiêu chảy nhiều, nôn, mất nước rõ: mắt trũng, môi khô, khóc không có nước mắt. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm