Bất động sản

Bất động sản Lâm Đồng thu hút vốn đầu tư

Theo đánh giá của giới chuyên gia, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng vùng đồi núi vẫn còn nhiều dư địa phát triển và tăng trưởng mạnh trong tương lai. Bên cạnh đó, chính quyền các tỉnh vùng cao cũng dần cởi mở hơn trong việc đưa ra những chính sách để chào đón các nhà đầu tư nhằm thúc đẩy kinh tế, tạo công ăn việc làm cho lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống, vật chất, tinh thần cho người dân.

Hai năm trở lại đây, tỉnh Lâm Đồng được xem là khu vực tiềm năng được nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn chú ý, lên kế hoạch đầu tư tại vùng đất này với sự ra đời của hàng loạt dự án quy mô lớn.

Vùng núi tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Shutterstock

Vùng núi tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Shutterstock

Có thể kể đến công ty cổ phần Tập đoàn Crystal Bay là đơn vị tài trợ lập quy hoạch khu du lịch hồ Prenn (TP Đà Lạt) với diện tích khoảng 1.000 ha (trong đó đất rừng khoảng 679,6 ha). Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland (công ty con của Tập đoàn Ecopark) cũng đang tài trợ lập quy hoạch khu đô thị đường Nguyễn Hoàng và hồ Vạn Kiếp rộng 207 ha.

Bên cạnh đó, một doanh nghiệp lớn trong ngành vận tải hành khách là công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn Phương Trang (Futa Group) đã có văn bản đề nghị nghiên cứu, khảo sát và tài trợ kinh phí lập quy hoạch khu đô thị phức hợp, công viên chủ đề "Đông Đà Lạt" (diện tích khoảng 2.048 ha) tại xã Xuân Thọ và một phần của các phường 3, 10, 11 tạiTP Đà Lạt.

TP Bảo Lộc cũng đang kêu gọi đầu tư vào 48 dự án hạ tầng, dịch vụ nhằm từng bước xây dựng Bảo Lộc trở thành thành phố sinh thái và dịch vụ, nghỉ dưỡng. Trong đó có thể kể đến như dự án sân bay Lộc Phát với quy mô từ 50 đến 100 ha, dự án tổ hợp khu thương mại - khách sạn 5 sao (tại chợ cũ Bảo Lộc), sân golf Lộc Phát - Lộc Thắng, khu tổ hợp dịch vụ, du lịch sinh thái sân golf, cáp treo núi Sapung quy mô hơn 2.500 ha, dự án khu đô thị - dịch vụ giải trí - nghỉ dưỡng hồ Nam Phương 1 và hồ Nam Phương 2 quy mô khoảng 390 ha (phường 1 và phường Lộc Phát).

Thành phố Bảo Lộc từ trên cao. Ảnh: Shutterstock

Thành phố Bảo Lộc từ trên cao. Ảnh: Shutterstock

Xã Lộc Đức (huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) cũng đang là khu vực thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp lớn nhờ vị trí nằm trên trục đường kết nối đến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, thông qua xã Lộc An. Đây là tuyến đường huyết mạch nối thành phố Đà Lạt - trung tâm của tỉnh Lâm Đồng với TP HCM và các tỉnh phía Nam.

Cụ thể, tập đoàn Hưng Thịnh đã đề xuất với UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận cho doanh nghiệp này nghiên cứu, đề xuất ý tưởng quy hoạch và tài trợ kinh phí để lập quy hoạch 1/10.000 vùng phức hợp đô thị xanh kết hợp với nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái rộng 48.000 ha tại 2 khu vực: khu vực 1 tại phía Tây Bắc Di Linh có quy mô 14.000 ha và khu vực 2 với diện tích 34.000 ha phía Nam quốc lộ 20, nằm ở ranh 2 huyện Bảo Lâm và Di Linh.

Cách phía Bắc của Lộc Đức tầm 5 phút di chuyển chính là siêu dự án bên hồ Đăk Nông Thượng của tập đoàn Novaland với quy mô lên tới 30.000 ha.Vào tháng 2, Novaland đã có văn bản xin chủ trương khảo sát, nghiên cứu, lập quy hoạch và báo cáo đề xuất đầu tư dự án này với mục tiêu xây dựng một khu đô thị phức hợp, hoàn chỉnh với nhiều loại hình sản phẩm nhà ở, biệt thự, trung tâm thương mại...

Hạ tầng được đẩy mạnh đầu tư đi cùng sự phát triển của hàng loạt dự án bất động sản lớn được kỳ vọng sẽ đem lại một diện mạo mới cho những khu vực vùng cao, góp phần giúp nơi đây trở thành một điểm đến hấp dẫn với đầy đủ các dịch vụ lưu trú, vui chơi, giải trí và nghỉ dưỡng. Điều này cũng lý giải cho sức hút và tiềm năng tăng trưởng của bất động sản vùng núi trong tương lai.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm