Bác sĩ chuyên khoa 2 Châu Thị Anh - Phụ trách khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á TP.HCM cho biết, việc sử dụng hàn the, sodium metabisulfite và phèn chua để ngâm bắp chuối nhằm mục đích làm trắng, giòn và bảo quản lâu hơn là hành vi gian lận thương mại và đặc biệt nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng. Bắp chuối ngâm các chất này sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc cấp và mạn tính, dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm cho gan, thận, hệ thần kinh, khả năng sinh sản, thậm chí tử vong.
"Người tiêu dùng nên cảnh giác khi mua bắp chuối có màu sắc trắng bất thường, quá giòn hoặc không có mủ. Nên chọn bắp chuối tươi có màu sắc tự nhiên, có thể còn mủ, ngâm với nước muối loãng hoặc chanh, giấm trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn", bác sĩ Châu Thị Anh khuyến cáo.
Hàn the là chất bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm tại Việt Nam
Hàn the (Na2B4O7) có tính sát khuẩn nhẹ, giúp thực phẩm dai hơn, giòn hơn, nên các cơ sở chế biến thường sử dụng để kéo dài thời gian sử dụng, lại ngon miệng khi ăn. Khi vào cơ thể, hàn the khó bị đào thải mà tích tụ trong gan, đến khi lượng tích tụ đủ lớn sẽ gây tác hại mạn tính.

Bắp chuối được ngâm trong thau với hóa chất
ẢNH: CACC
"Hàn the là chất bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác do độc tính của nó. Ở một số quốc gia như Mỹ, người ta chỉ sử dụng hàn the trong lĩnh vực tẩy rửa, làm sạch sàn nhà, thông đường ống thoát nước", bác sĩ Châu Thị Anh chia sẻ.
Ngộ độc cấp tính sẽ xảy ra sau 6-8 giờ tiêu thụ với các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, co giật, chuột rút và có thể gây tử vong với liều lượng cao.
Hàn the khó đào thải hoàn toàn khỏi cơ thể mà tích tụ lại trong các cơ quan nội tạng. Khi tích tụ đủ lượng sẽ gây ra các vấn đề như rối loạn tiêu hóa, ăn không ngon, biếng ăn, sụt cân, nôn mửa thường xuyên, tiêu chảy nhẹ. Ngoài ra, gan và thận phải làm việc quá tải để chuyển hóa và đào thải chất độc, lâu ngày dẫn đến suy gan, suy thận, xơ gan...
Sodium metabisulfite là hóa chất để khử trùng, có đặc tính tẩy trắng mạnh
Sodium metabisulfite (Na2S2O5) là hóa chất thường được sử dụng để khử trùng, chống ô xy hóa, đồng thời là chất bảo quản. Khi hòa tan với nước, sodium metabisulfite giải phóng SO2 có đặc tính tẩy trắng mạnh.
Bác sĩ Châu Thị Anh cho biết, trong ngành công nghiệp thực phẩm, nó thường được biết đến với mã số E223 như một phụ gia. Được sử dụng làm chất chống oxy hóa và bảo quản trong công nghiệp thực phẩm. Tuy nhiên, khi hòa tan trong nước, nó giải phóng SO2 có đặc tính tẩy trắng mạnh.
Các nghiên cứu cho thấy sodium metabisulfite có thể gây độc tế bào bình thường, làm giảm đáng kể khả năng sống sót của tế bào và gây ra quá trình tự chết của tế bào. Đặc biệt gây tác dụng dị ứng đối với những người nhạy cảm với sulfite, bao gồm các ảnh hưởng đến hệ hô hấp như hen phế quản, khó thở, co thắt phế quản. Nếu vượt quá ngưỡng cho phép, có thể gây tổn thương gan và thận.
Sodium metabisulfite có thể gây dị ứng, gây buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng. Các triệu chứng khác như rối loạn tuần hoàn và trầm cảm, tổn thương giác mạc, gây mù lòa...
Phèn chua (kali nhôm sulfat): Lạm dụng có thể gây nhiễm độc nhôm
Phèn chua là một loại muối kép của kali và nhôm, có công thức là KAl (SO₄)₂·12H₂O. Trong dân gian, phèn chua được dùng để làm trong nước, làm giòn thực phẩm hoặc một số ứng dụng y học (chữa hôi nách do nấm và tăng tiết).
"Mặc dù phèn chua được coi là không độc hại ở mức độ sử dụng thông thường và được phép sử dụng trong một số giới hạn cho phép trong thực phẩm, tuy nhiên, việc lạm dụng hoặc sử dụng phèn chua trong thời gian dài, đặc biệt là với liều lượng lớn có thể dẫn đến nhiễm độc nhôm. Nhôm có thể tích lũy trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan. Nhiễm độc nhôm có thể gây tổn thương thận, suy thận, gan, xương (nhuyễn xương), các bệnh lý liên quan đến não bộ", bác sĩ Châu Thị Anh chia sẻ.
Như Thanh Niên đưa tin, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an TP.HCM cho biết vừa phối hợp kiểm tra và phát hiện 3 cơ sở sơ chế bắp chuối có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Điều đáng lo ngại là các cơ sở này sử dụng hàn the, phèn chua và cả chất bột không nhãn mác để ngâm tẩy bắp chuối trước khi đưa ra thị trường.