Công nghệ

"Bão ngầm" của Axie Infinity

Nếu 2021 là năm thành công vang dội của game blockchain do Sky Mavis phát triển, sang năm 2022, công ty này phải đối mặt với nhiều câu hỏi về tính bền vững.

Ngày 29/3, Sky Mavis thông báo cầu nối Ronin của Axie Infininy bị tấn công, khiến hơn 600 triệu USD tiền mã hoá bị hacker lấy đi. Nhưng theo giới quan sát, đó chưa phải là thách thức lớn nhất với công ty game có trụ sở tại Việt Nam này. Đội ngũ Axie Infinity được cho là đang nỗ lực ngăn một cuộc khủng hoảng tài chính, giữa bối cảnh thị trường tiền mã hoá liên tục biến động mạnh về giá, trong khi cơ chế kiếm tiền cũng gây ra những thách thức về khả năng kiểm soát nền kinh tế trong game.

Kiểm soát lạm phát, cụ thể là giữ giá trị cho những token và NFT mà mình phát hành, là bài toán Sky Mavis cần giải lúc này.

"Nền kinh tế trong Axie Infinity đến nay vẫn dựa vào tốc độ tăng trưởng liên tục để duy trì hoạt động, trong đó lạm phát là yếu tố có sẵn trong cơ chế này. Ngay cả khi trò chơi vượt qua được vụ hack mới đây, Sky Mavis vẫn chưa thể chứng minh họ có thể chuyển đổi qua giai đoạn này", trang The Verge nhận định.

Axie Infinity đối mặt nhiều thách thức về nền kinh tế.

Axie Infinity đối mặt nhiều thách thức về nền kinh tế.

Nền kinh tế của Axie Infinity

Axie Infinity là một trong những game mở đầu cho trào lưu chơi game kiếm tiền (play-to-earn) của thế giới trong năm qua. Người tham gia có thể chơi game để nhận token và đổi thành tiền thật, từ đó tạo ra một nền kinh tế riêng.

Trò chơi xoay quanh ba trụ cột chính: token phần thưởng SLP, token quản trị AXS và NFT là các nhân vật Axie. Trong đó, NFT và SLP là dạng tài nguyên vô hạn với số lượng liên tục tăng. Trong thế giới game, nền kinh tế thường được ghìm bằng cách "đốt" tài nguyên, ví dụ dùng tiền ảo trong game mua vật phẩm. Với Axie Infinity, token giúp tạo NFT mới và NFT lại giúp tạo ngày càng nhiều token. Theo các chuyên gia, điều này được ví như tình trạng in tiền với số lượng lớn và sẽ khiến tất cả đều bị giảm giá trị.

"Từ góc độ kinh tế, họ đã tạo một vòng lặp. Người chơi sử dụng các Axie để tạo ra SLP. SLP giúp tạo ra nhiều Axie hơn và Axie lại giúp tạo ra nhiều nguồn SLP đưa vào trò chơi. Đây chính là yếu tố sinh ra lạm phát", Mihai Gheza, CEO của Machination - công ty chuyên tư vấn về nền kinh tế trong game, đánh giá.

Thực tế, giá trị của token SLP đã giảm mạnh thời gian qua. Từ mức đỉnh gần 0,4 USD vào tháng 5/2021, giá của đồng này hiện ở mức 0,02 USD, thậm chí có lúc giảm dưới 0,01 USD. Tại Philippines, nơi Axie Infinity trở thành công việc toàn thời gian của nhiều người, thu nhập trung bình từ game cũng đang xuống thấp hơn lương tối thiểu, theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường Naavik.

Token SLP nhận được từ game giảm giá hàng chục lần so với giai đoạn giữa năm 2021. Ảnh: Coinmarketcap

Token SLP trong game đã giảm giá hàng chục lần so với giai đoạn giữa năm 2021. Ảnh: Coinmarketcap

Thách thức giữ nền kinh tế không sụp đổ

Theo các chuyên gia, có một kịch bản chung cho sự sụp đổ nền kinh tế của các trò chơi. "Người chơi cần đào tài nguyên để bán. Việc bán tài nguyên sẽ khiến giá của chúng giảm xuống. Khi giá giảm, người chơi cần đào thêm, do đó càng khiến giá bị đẩy xuống thấp hơn", Alexander King, chuyên gia về xây dựng nền kinh tế trong game, nói.

Theo King, đây là thách thức của các game nói chung. Tuy nhiên, vấn đề của Axie Infinity nằm ở việc nhà phát triển Sky Mavis chỉ có quyền kiểm soát hạn chế với giá trị của các token, trong khi quyền này là một trong những yếu tố quan trọng trong việc giữ nền kinh tế.

"Nền kinh tế trong game là một hệ thống cực kỳ khó cân bằng. Chúng không thể được xây dựng một cách hoàn hảo từ trước, mà các nhà thiết kế trò chơi cần có khả năng làm cân bằng một cách nhanh chóng", King nói.

Với Axie Infinity, sự cân bằng được duy trì bằng cách thu hút thêm nhiều người chơi mới. Sách trắng của dự án cũng mô tả "nền kinh tế Axie sẽ phụ thuộc vào những mới tham gia". Việc có càng nhiều người chơi giúp mở rộng không gian, tạo ra cộng đồng, sự cạnh tranh và tăng yếu tố hấp dẫn cho game.

Thực tế, Axie Infinity được đánh giá đã làm tốt việc thu hút người chơi thời gian qua, thông qua việc giúp họ có thể kiếm tiền. Tuy nhiên, điều này khiến nhiều người coi đây là công việc toàn thời gian, với mục tiêu là tạo ra được thật nhiều nhiều token SLP để mang bán. Jon Jordan, chuyên gia tư vấn game blockchain, cho rằng Axie Infinity "có thể đang trở thành nạn nhân từ chính sự thành công của mình".

Khi Sky Mavis đang triển khai các thay đổi nhằm giữ cho nền kinh tế cân bằng, họ lại bị tấn công mạng. Vụ hack cầu nối Ronin khiến số tiền mã hoá trị giá hơn 600 triệu USD bị lấy đi. Dù các token của Axie Infinity vẫn nguyên vẹn, vụ tấn công cũng khiến nền kinh tế trong game bị ảnh hưởng, người dùng bị gián đoạn trong việc trao đổi token ra tiền thật.

Giải pháp nào cho Axie Infinity?

Theo thống kê của công ty nghiên cứu Naavik, phần lớn người chơi coi Axie Infinity là công việc để kiếm tiền. Trong khi đó, trải nghiệm về giao diện, nhân vật còn gặp nhiều ý kiến trái chiều, phần lớn chỉ coi đây là một dạng khác của trò chơi Pokemon. "Tạo ra tiền điện tử là mục đích lớn nhất, hoặc ít nhất là thứ giúp Axie Infinity khác biệt so với vô số game hấp dẫn hơn ngoài kia", The Verge nhận xét.

Trong một cuộc thăm dò ý kiến được nhà đồng sáng lập Axie Infinity là Zirlin thực hiện trên Twitter, 48% người tham gia chọn "nền kinh tế" là yếu tố họ yêu thích chứ không phải bản thân trò chơi hay cộng đồng. Câu hỏi được các nhà phân tích đặt ra là: Liệu sẽ có bao nhiêu người chơi ở lại nếu không còn kiếm được tiền từ game này?

Nhà tư vấn Jon Jordan đánh giá Axie Infinity đang có vị thế tốt để trở thành một game chơi miễn phí song song với game tiền điện tử. Có nghĩa, mọi người có thể chơi miễn phí, trong khi số nhỏ hơn chấp nhận trả tiền để giành phần thưởng là các token. Những token này có thể quy đổi ra tiền, nhưng từ nguồn tiền bên ngoài hệ thống. "Hiện hầu hết tiền đều đến từ những người chơi hoặc nhà đầu tư nhỏ. Nếu game đón nhận nguồn tiền gián tiếp từ các nhà tài trợ thể thao điện tử, tôi nghĩ điều đó không còn là vấn đề nữa", Jordan nói.

M Goes, cây viết về blockchain từng nghi ngờ Axie Infinity là một dự án Ponzi (lấy tiền của người sau trả cho người trước), đánh giá mô hình trả tiền cho người chơi có thể khiến nhà phát triển gặp rắc rối. Theo M Goes, việc "chơi để kiếm tiền" cuối cùng sẽ chỉ dành cho số ít người, còn đa số là những người "trả tiền để chơi" hoặc "chơi miễn phí với tuỳ chọn trả tiền".

Axie Infinity mới đây cũng thử nghiệm một phiên bản là Axie Infinity: Origin, nơi người tham gia sở hữu các Axie ban đầu miễn phí. Tuy nhiên, các Axie này không phải NFT nên không thể giao dịch, đồng thời các cuộc chiến cũng không được thưởng SLP.

Bên cạnh thách thức đang gặp phải, Axie Infinity được đánh giá vẫn có nhiều ưu thế riêng, đặc biệt là sự tin tưởng của một bộ phận người chơi. Dù đánh giá có thể xảy ra lạm phát trong game, đại diện công ty tư vấn Machination cũng cho rằng điều này hoàn toàn có thể vượt qua nhờ cộng đồng.

"Một trong những điểm mạnh nhất của Axie Infinity là sức mạnh và quy mô của cộng đồng của họ. Các vấn đề từ ngắn đến trung hạn với nền kinh tế có thể được giải quyết bởi một cộng đồng tận tâm", đại diện Machination nhận định sau khi vụ hack hơn 600 triệu USD xảy ra.

(theo The Verge)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm