Tài chính

“Bạo chúa Phố Wall” Ivan Boesky: Nỗi khiếp sợ của doanh nghiệp yếu thế, vào tù vì bê bối trên thị trường chứng khoán và cái kết lụi tàn

Năm 1985, Ivan Boesky đã chia sẻ với các sinh viên tốt nghiệp Trường Kinh doanh Haas tại Đại học California, Berkeley rằng "lòng tham là lành mạnh". Quan niệm khác thường về lòng tham cũng như chính Ivan Boesky đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhân vật mang tính biểu tượng Gordon Gekko trong bộ phim ăn khách "Phố Wall" năm 1987.

Ngày nay, danh tiếng Boesky có thể đã phần nào mờ nhạt. Nhưng khoảng đầu thập niên 1980, Boesky là một gã khổng lồ lĩnh vực đầu tư ngân hàng. Ông cũng được mệnh danh là "Ivan bạo chúa", săn hàng triệu USD từ việc đặt cược vào các thương vụ thâu tóm công ty.

Nhưng rồi "tham thì thâm", danh tiếng và công ty môi giới chứng khoán ông gây dựng bị sụp đổ hoàn toàn sau một trong những vụ bê bối giao dịch nội gián lớn nhất mọi thời đại.

Năm tháng bén duyên với môi giới chứng khoán

Biên tập viên Bethany McLean của tờ Vanity Fair nói về Ivan Boesky: "Theo một cách nào đó, Ivan Boesky là nhân vật Gatsby vĩ đại… một người tự lập và được hư cấu nhiều".

Nhà báo Jeff Madrick, người đã giúp Boesky viết một cuốn sách về các vụ sáp nhập vào năm 1985 nói rằng nhà đầu cơ Phố Wall là một kẻ "cá biệt điển hình" và có kết quả học tập không tốt ở trường.

Là con trai của một người nhập cư Nga, Boesky hiếm khi kể về bản thân từng bắt đầu như một doanh nhân ở độ tuổi 20 bằng cách làm việc trong các quán rượu ở Detroit do cha ông làm chủ.

Boesky kết hôn với con gái của một gia đình giàu có. Ông và vợ là Seema Silberstein, chuyển đến New York vào năm 1966. Tại dây, Boesky bắt đầu làm công việc môi giới chứng khoán theo lời khuyên của một người bạn kinh doanh thành công ở Phố Wall.

Đến năm 1975, Boesky mở một công ty môi giới chứng khoán, có tên là Ivan F. Boesky & Company, với 700.000 USD tiền vốn chủ yếu từ gia đình vợ.

“Bạo chúa Phố Wall” Ivan Boesky: Nỗi khiếp sợ của doanh nghiệp yếu thế, vào tù vì bê bối trên thị trường chứng khoán và cái kết lụi tàn - Ảnh 1.

Ivan Boesky bay trên một chiếc trực thăng. Ảnh: Getty Images

Xây dựng khối tài sản khổng lồ

Ivan Boesky chuyên giao dịch chênh lệch giá cổ phiếu. Đây là một thuật ngữ chỉ việc các nhà giao dịch chứng khoán cố gắng tận dụng tối đa các cơ hội chênh lệch giá, chẳng hạn như khi một nhà giao dịch tin rằng giá cổ phiếu của một công ty đã bị định giá thấp.

Các nhà đầu cơ chênh lệch giá như Boesky thường mua một lượng lớn cổ phiếu của một công ty với niềm tin rằng giá của chúng sẽ tăng vọt, đặc biệt là khi công ty đó sắp bị mua lại. Đó có thể là một "canh bạc" lớn, đặc biệt là nếu thương vụ thâu tóm bị thất bại hoặc cổ phiếu công ty đó giảm vì bất kỳ lý do nào khác.

Dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, các quy định tài chính được nới lỏng đã mở ra cánh cửa cho hàng loạt vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp những năm 1980. Khoảng thời gian này tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu cơ như Boesky kiếm tiền.

Andrew Ross Sorkin của CNBC cho biết: "Boesky nổi tiếng vì ông thực sự sống trên điện thoại cả ngày lẫn đêm". Boesky tìm kiếm từng mẩu thông tin có thể giúp ông thành công vượt bậc so với những đối thủ còn lại. Nhờ đó, Boesky đầu tư lần nào cũng thắng và trở thành nỗi khiếp sợ của các doanh nghiệp yếu thế.

Theo AP, Boesky được cho là nhà giao dịch có thu nhập cao nhất ở Phố Wall vào năm 1985. Vào thời kỳ đầu tư đỉnh cao, Boesky giám sát một quỹ đầu tư tài sản trị giá hơn 3 tỷ USD. Boesky khi ấy cũng nắm giữ khối tài sản ròng hơn 200 triệu USD (tương đương hơn 475 triệu USD hiện nay). Ông cũng được xếp trong danh sách những người giàu có nhất của Mỹ Fobes 400.

Ivan Boesky không ngại quảng bá về thành công của mình. Tờ New York Times từng đưa tin rằng Boesky là nhà đầu tư chênh lệch giá đầu tiên ở Phố Wall thuê công ty quan hệ công chúng riêng. Ông sẵn sàng quảng bá bản thân bằng cách tham gia phát biểu tại các sự kiện trên khắp đất nước. Boesky thậm chí còn viết một cuốn sách của riêng mình có tựa đề "Merger Mania" với sự cộng tác của nhà báo Madrick.

Boesky cũng thường xuyên di chuyển bằng trực thăng giữa văn phòng môi giới ở Manhattan đến khu đất rộng gần 77 hecta ở Westchester County với một dinh thự 12 phòng ngủ bằng gạch đỏ. Boesky cũng có một chiếc xe limousine để chở ông đi khắp thành phố.

“Bạo chúa Phố Wall” Ivan Boesky: Nỗi khiếp sợ của doanh nghiệp yếu thế, vào tù vì bê bối trên thị trường chứng khoán và cái kết lụi tàn - Ảnh 2.

Ivan Boesky với chiếc limousine năm 1986. Ảnh: Getty Images

Sự sụp đổ của "bạo chúa Phố Wall"

Thành công đó chưa đủ thỏa mãn "lòng tham" của Boesky, nhưng rồi "tham thì thâm". Ông đã bắt đầu "chơi" không đúng luật. Sau khi mất 60 triệu USD từ thương vụ thất bại đối với Cities Services (tiền thân của Citgo) vào năm 1982, ông bắt đầu một kế hoạch giao dịch nội gián với nỗ lực cứu vãn doanh nghiệp của mình và tránh mọi thất bại trong tương lai.

Boesky bắt tay với nhà đầu tư khét tiếng Martin Siegel để lấy thông tin nội bộ về các giao dịch công ty đang chờ xử lý. Boesky sau đó đã thừa nhận những thông tin nội bộ bất hợp pháp về các giao dịch mà Siegel cung cấp giúp Boesky đút túi hơn 33 triệu USD lợi nhuận từ năm 1982 đến 1986. Đổi lại, Boesky đã trả cho Siegel khoảng 700.000 USD hoa hồng cho những thông tin đó.

Nhưng vào tháng 11 năm 1986, cuộc chơi đầu cơ chênh lệch giá của Boesky kết thúc khi các quan chức liên bang bắt giữ ông sau khi phát hiện vai trò của Boesky trong một kế hoạch giao dịch nội gián với Drexel Burnham Lambert. Theo chính phủ, thương vụ đó giúp Boesky kiếm được khoảng 50 triệu USD lợi nhuận.

Boesky đã hợp tác với các nhà chức trách liên bang, chấp nhận khai báo với chính phủ và đồng ý nộp khoản phạt kỷ lục khi đó là 100 triệu USD. Ông cũng khai ra một số đối tác khác của mình, bao gồm cả Seigel. Boesky cũng cung cấp thông tin về nhà đầu tư và "vua trái phiếu rác" Michael Milken.

Cái kết lụi tàn

Boesky chỉ ngồi tù gần 3 năm. Nhưng ông đồng thời bị cấm giao dịch chứng khoán vĩnh viễn.

Mặc dù đã bị bắt và ngồi tù, Boesky trở nên khét tiếng đến mức vượt xa tiếng tăm từ những thành công tài chính ông đạt được.

Đạo diễn Oliver Stone đã tìm đến Ivan Boesky để lấy nguồn cảm hứng cho nhân vật Gekko, kẻ có số phận tương tự như Boesky. Nhà làm phim từng đoạt giải Oscar đã vẽ nên những câu chuyện đời thực của nhiều nhà đầu tư khét tiếng, từ Boesky đến nhà giao dịch nội gián Owen Morrissey.

Vợ của Boesky đã ly hôn với ông vào năm 1991 và trả cho ông khoản tiền 23 triệu USD, cùng với số tiền sinh hoạt phí hàng năm là 180.000 USD.

Trong nhiều thập kỷ sau này, Boesky sống "khuất sau ánh đèn sân khấu". Năm 2012, một trong những người anh em họ của Boesky nói với tờ The New York Times rằng thương nhân thất sủng đang sống ở California với người vợ thứ hai và một đứa con mới.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm