Giống như nhiều thanh niên ở tuổi 18 khác, Diane Bryant từng không biết bà muốn sống cuộc đời của mình như thế nào. Mãi cho đến khi một trong những người bạn cùng lớp khen Bryant về kỹ năng tính toán siêu tốc, bà ấy mới suy nghĩ chọn kỹ sư để làm nghề.
“Năm thứ nhất đại học, khi tôi đang ngồi học môn Calculus II thì cậu bạn ngồi bên cạnh hỏi chuyên ngành của tôi là gì. Khi tôi nói mình chưa quyết định thì cậu ta khuyên: ‘Chà, bạn nên học ngành kỹ sư rồi, vì rõ ràng bạn rất giỏi xử lý các con số’”, Bryant nhớ lại. Cậu ta cũng nói với bà rằng kỹ sư là một trong những ngành có mức lương khởi điểm cao nhất đối với bằng cử nhân và điều này khiến Bryant rất lưu tâm.
Bà nói: “Khi đó, tôi đã quá mệt mỏi vì cái nghèo và tôi biết mình sẽ không sống trong cảnh nghèo khổ trong tương lai với tấm bằng kỹ sư”. Bà đến gặp cố vấn của mình để thông báo chuyên ngành sẽ học là kỹ sư phần cứng. Kể từ đó, bà chuyên tâm học hành chứ chưa bao giờ nhìn lại quyết định của mình.
Quyết định can đảm đó đã giúp Bryant có một con đường sự nghiệp thuận buồm xuôi gió, đưa bà trở thành nhân viên cấp cao tại Intel, Google rồi đến nay là CEO của công ty khởi nghiệp về công nghệ y tế NovaSignal. Tuy nhiên, Bryant cũng phải cạnh tranh rất quyết liệt, vượt qua hoàn cảnh vô gia cư hay đối mặt với nạn phân biệt giới tính tại nơi làm việc, để đạt được vị trí như ngày hôm nay.
CNBC Make It đã có cuộc trò chuyện với Bryant, hiện 60 tuổi, về hành trình sự nghiệp của bà và những kỹ năng giúp bà thành công.
Diane Bryant, CEO của NovaSignal. Ảnh: Intel.
Vô gia cư vào năm 18 tuổi
4 tháng trước khi tốt nghiệp trung học, cha của Bryant nói với bà rằng bà phải chuyển ra ngoài sống. Ông có một quy định nghiêm ngặt là khi bước sang tuổi 18, bà và chị gái phải ra ở riêng. “Tất cả đồ đạc của tôi bị đưa ra bãi cỏ phía trước nhà. Tôi phải đóng gói mọi thứ vào chiếc Volkswagen Beetle của mình và rời đi”, Bryant nhớ lại.
Phần thời gian còn lại của năm cuối cấp, bà sống ở căn hộ của chị gái, nhà bạn bè và thỉnh thoảng ngủ ngay trên ôtô của mình. Sau khi tốt nghiệp trung học, bà nộp đơn vào trường American River College, một trường cao đẳng cộng đồng miễn phí tại địa phương và tìm được một căn hộ gần trường. “Đó là khoảng thời gian có rất nhiều xáo trộn nhưng tôi tự hứa là phải tồn tại”. Bà không có người thân để xin hỗ trợ tài chính, tất cả đều bằng sự gan dạ và quyết tâm của chính Bryant.
Cú nhảy vọt lớn đầu tiên trong sự nghiệp
Khi nhìn lại cuộc đời mình, Bryant thấy rằng ở mỗi giai đoạn của sự nghiệp, bà luôn có một người nào đó ủng hộ bà và đầu tư vào thành công của bà.
Bryant từng làm 3 công việc khác nhau khi học đại học, là bồi bàn tại hai nhà hàng khác nhau và tiếp viên tại một nhà hàng khác. Tại một nhà hàng, có một cặp vợ chồng thường xuyên tới vào mỗi chủ nhật sau lễ nhà thờ để dùng bữa. Họ liên tục yêu cầu Bryant làm nhân viên phục vụ họ, dù đôi khi có phải đợi 20 phút để dọn bàn trong khu vực bà phụ trách, bởi họ thấy bà thật tốt bụng và lịch sự.
Khi người chồng, Bill Baker, biết bà đang theo học chuyên ngành kỹ sư, ông đề nghị xin cho bà thực tập tại Aerojet, một nhà sản xuất tên lửa và động cơ đẩy tên lửa cũng là một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất ở Sacramento vào thời điểm đó.
“Nhân viên tuyển dụng gọi cho tôi và nói: ‘Nếu ông Bill Baker ủng hộ bạn, bạn sẽ được tham gia vào chương trình thực tập. Công việc đó đã giúp tôi trở thành một ứng viên cạnh tranh khi xin việc vào Intel. Đó là khi tôi nhận ra sức mạnh thực sự của việc người ủng hộ bạn có thể làm gì cho bạn, đặc biệt là khi họ sẵn sàng sử dụng danh tiếng và vị thế của họ để giúp đỡ một người kém may mắn hơn”, CEO của NovaSignal nói.
Hoặc thích nghi hoặc chết
Khi Bryant gia nhập Intel lần đầu tiên vào năm 1985, Thung lũng Silicon đang trải qua thời kỳ khó khăn và chứng kiến nhiều sự sụp đổ. Khi đó, phụ nữ chỉ chiếm 5,8% số kỹ sư ở Mỹ.
Thông thường, Bryant là người phụ nữ duy nhất trong phòng nên bà nhanh chóng nhận ra rằng để hòa nhập, bà phải trở thành một trong những anh chàng ở đó. Trong tuần làm việc thứ hai, bà đang họp với tất cả nhân viên nam ở văn phòng thì một trong số họ chửi thề, sau đó anh ta quay sang Bryant và lập tức xin lỗi vì đã sử dụng ngôn từ thô tục trước mặt phụ nữ. Bà cũng bình thản đáp theo cách bỗ bã nhất để họ cảm thấy không cần phải thay đổi hành vi vì có một người phụ nữ ở đây.
Sau đó, Bryant nhận ra cách duy nhất để khiến họ cộng tác với bà và trở nên thành công trong một đội ngũ như thế này là làm những người đàn ông này cảm thấy thoải mái hơn bằng cách áp dụng phong cách thẳng thắn và hung hăng của họ. “Khi đó, tôi đã nghĩ hoặc thích nghi hoặc là chết”.
Trước khi Bryant rời Intel vào năm 2017, bà đã đảm nhiệm nhiều vài trò như giám đốc dòng sản phẩm và chủ tịch của Data Center Group thuộc Intel.
Tuy nhiên, trong suốt sự nghiệp ở Intel, bà thường đấu tranh với bản thân về việc ở lại hay bỏ việc. Bà yêu thích công việc nhưng cảm thấy sự phát triển của mình bị trì trệ vì bà cho rằng đội ngũ quản lý tạo ít cơ hội và trả mức lương thấp hơn các đồng nghiệp nam.
Vấn đề nằm ở việc khi đó, bà có hai con nhỏ và là trụ cột chính của gia đình. Khi gặp khó khăn ở một trong những vai trò ở Intel, một cố vấn đã đưa cho bà gợi ý về vị trí khác trong công ty. Bà ấy nghe theo và sự nghiệp của bà một lần nữa thăng hoa.
Bí quyết thành công
Sau khi rời Intel, Bryant đã có một năm làm giám đốc hoạt động của Google Cloud, đồng thời là cố vấn và thành viên HĐQT cho một số công ty khởi nghiệp nhỏ hơn. Tới năm 2020, bà gia nhập NovaSignal với tư cách là chủ tịch và giám đốc điều hành.
Quyết định chuyển việc làm cho những doanh nghiệp có tiếng thuộc danh sách Fortune 500 sang lãnh đạo công ty khởi nghiệp của Bryant đến từ việc bà luôn cảm thấy lo lắng và một cuộc khủng hoảng nhỏ đã xảy ra với khối tài sản bà đang cần mẫn xây dựng.
“Tôi không còn trẻ nữa, vì vậy, tôi muốn làm một điều gì đó to lớn đóng góp cho thế giới. Khi đó, tôi đã nghĩ có phải sẽ tuyệt hơn nếu được làm một công việc mà mình vừa có thể thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận của một công ty mà còn tạo được tác động mạnh mẽ về mặt xã hội”, Bryant cho biết.
Andy Bryant, cựu chủ tịch của Intel và là một trong những cố vấn của Bryant, đã khuyên bà làm điều gì đó mà bà chưa bao giờ làm, đó là dẫn dắt một bàng ty khởi nghiệp và giúp nó phát triển mạnh mẽ. Và bà quyết định đến với NovaSignal. NovaSignal sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, siêu âm và robot để đo lưu lượng máu đến não, giúp xác định cục máu đông và các bất thường khác về thần kinh như đột quỵ hay suy giảm trí tuệ. Theo Crunchbase, NovaSignal đã huy động được khoản vốn hơn 120 triệu USD.
Bà nói: “Tôi không thể tưởng tượng ra một công việc nào khác đòi hỏi sự đồng cảm lớn như khi làm ở NovaSignal. Chúng tôi phải đồng cảm với những bệnh nhân mà chúng tôi phục vụ, với khách hàng, bác sĩ của chúng tôi, tiêu chuẩn chăm sóc của họ là gì và chúng tôi phải làm sao để phù hợp với bối cảnh ngành y”.
Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trở thành một nhà lãnh đạo biết đồng cảm để có thể duy trì quyền kiểm soát. “Tôi có thể kể tên từng nhân viên trong 125 nhân viên của chúng tôi, động lực thúc đẩy họ là gì và những gì họ cần để thành công. Khi bạn có một công ty khởi nghiệp, bạn thường chỉ có một hoặc hai người cho mỗi chức danh. Vì vậy, nếu chúng tôi mất một người đồng nghĩa chúng tôi mất toàn bộ chức năng tổ chức”.
Nhưng kỹ năng quan trọng nhất mà bà Bryant rút ra từ kinh nghiệm làm nhân viên cấp cao là sự tự tin, dù là đôi khi bạn phải giả vờ tự tin. Bà chia sẻ: “Trước đây, trong hành trình sự nghiệp của mình, tôi là một người thiếu tự tin, giống như hầu hết phụ nữ. Nhưng bạn cần phải gồng mình lên chiến đấu dù chính bạn đôi khi cũng nghi ngờ bản thân, và tự nhủ rằng: ‘Mình sẽ thắng, mình sẽ thành công’. Nói cách khác, đó là sự can đảm để đối mặt với mọi rào cản trên đường đi.
“Không ai muốn làm việc cho người lúc nào cũng nói ‘Tôi sắp 'chết' rồi. Bạn phải là người nói: ‘Tôi có thể làm được việc đó’”, Bryant cho hay.