Có 15 cửa hàng tại Việt Nam sau 3 năm hiện diện, Uniqlo cuối tháng trước thông báo mở rộng hoạt động tại Bình Dương. Cửa hàng đầu tiên ở đây dự kiến hoạt động ngay trong mùa xuân hè năm nay.
Cũng kinh doanh ở Việt Nam khoảng 3 năm nay, MUJI vừa mở thêm một cửa hàng rộng 2.000 m2 tại TP Thủ Đức (TP HCM) tuần qua. Vào Việt Nam năm 2020, chuỗi này bán mọi thứ từ thực phẩm, đồ gia dụng, quần áo, nội thất, đến văn phòng phẩm và phụ kiện.
Qua 3 năm Covid-19 và chứng kiến thị trường bán lẻ bị ảnh hưởng bởi lạm phát, MUJU vẫn mở 5 cửa hàng sau 3 năm, với ba tại TP HCM và hai tại Hà Nội. So với các thị trường lân cận như Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan, các cửa hàng tại Việt Nam có diện tích bán lẻ trung bình lớn nhất, khoảng 2.000 m2.
"Con số này gần gấp đôi mức trung bình của các cửa hàng toàn cầu, kể cả Nhật Bản", ông Tetsuya Nagaiwa, Tổng giám đốc MUJI Việt Nam, nói. Quý sau, chuỗi dự định mở thêm cửa hàng ở Hà Nội và vẫn trong lộ trình tăng sự hiện diện với con số theo ông Nagaiwa là "chắc chắn nhiều hơn 2".
Một ví dụ khác là Aeon. Trung tuần tháng trước, tập đoàn bắt đầu khởi công xây trung tâm thương mại thứ 7 tại Việt Nam ở Huế. Với vốn đầu tư 169,67 triệu USD, dự án có tổng diện tích mặt bằng hơn 86.000 m2, là trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp có quy mô lớn nhất miền Trung. Aeon dự kiến công trình được đưa vào sử dụng trước tháng 4/2025.
Bất chấp sức mua chung ngắn hạn còn yếu, kết quả khảo sát kinh doanh của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) công bố gần đây cho biết, 100% doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản được hỏi đều cho rằng triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2023 tại Việt Nam sẽ cải thiện.
80% cho biết sẽ tiếp tục mở rộng trong 1-2 năm tới, trong khi 20% duy trì quy mô. Thực tế, kết quả khảo sát chung cho hay, tỷ lệ doanh nghiệp ngành phi chế tạo - gồm bán lẻ và các ngành khác, dự kiến mở rộng là 65,9%. Con số này cao hơn mức 54,4% của nhóm doanh nghiệp ngành chế tạo.
Ông Matsumoto Nobuyuk, Trưởng đại diện Jetro tại TP HCM đánh giá ngành phi chế tạo quy mô vừa và nhỏ có mong muốn mở rộng tăng mạnh. Ngoài ra, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng chức năng bán hàng ở Việt Nam khá nhiều, với 57,8% so với kết quả 49,1% của năm 2021.
Một yếu tố khác là trong lúc các chuỗi bán lẻ khác giảm sức mua, trung tâm thương mại ế khách thì hãng Nhật Bản vẫn ăn nên làm ra. Điều này đến từ một số yếu tố như phân khúc khách hàng thu nhập tốt không bị ảnh hưởng nhiều trong tình hình chung và khả năng nắm bắt xu hướng, tìm ra "đại dương xanh".
"Chúng tôi ghi nhận sức mua các sản phẩm giá trị cao tăng mạnh", ông Tetsuya Nagaiwa nói và khẳng định doanh thu chuỗi MUJI vẫn tăng trưởng tích cực, nhờ nhiều người tiêu dùng trẻ thích văn phòng phẩm, mỹ phẩm và đồ nội thất của họ.
Các chuỗi Nhật cũng nắm được xu hướng mua sắm online, ủng hộ hàng "Made in Vietnam" của khách hàng. Tháng 11/2021, Uniqlo bắt đầu bán trực tuyến trên một ứng dụng riêng hay chạy các chương trình bán hoa, hỗ trợ giới thiệu nông sản Việt. Trong khi đó MUJI tích cực tăng tỷ lệ nội địa hóa, tìm nhà cung cấp địa phương.
Ông Tetsuya Nagaiwa cho biết hàng sản xuất tại Việt Nam chiếm khoảng 30% sản phẩm của chuỗi. Nếu tính riêng áo thun nam nữ thì sản phẩm "Made in Vietnam chiếm từ 96% đến 97%; và 98% đối với nhóm hàng balo, túi đeo vai. "Chúng tôi hy vọng con số này sẽ còn tăng trong tương lai", ông nói.
Với chuỗi này, "đại dương xanh" là khi họ phát hiện ra thị trường văn phòng phẩm Việt Nam trước đây chỉ có phân khúc phổ thông hoặc cao cấp mà thiếu đi phân khúc tầm trung. Bằng cách nhảy vào khoảng trống này, bán những chiếc bút bi giá 19.000 đồng, họ chinh phục những sinh viên trẻ thích hàng Nhật, thiết kế tối giản.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI của Nhật Bản tất cả ngành lũy kế đến tháng 12/2022 là hơn 68,89 tỷ USD, đứng thứ ba trong 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp nước này rót gần 146 triệu USD, thông qua 23 dự án cấp mới, 9 dự án điều chỉnh nâng vốn và góp vốn mua cổ phần tại 39 dự án.