Kinh doanh

Bán hàng đa cấp tại Việt Nam: Doanh thu hơn 16.000 tỷ, 4 doanh nghiệp rút lui dù gần 700.000 người tham gia

Tóm tắt:
  • Hiện chỉ còn 16 doanh nghiệp có giấy phép hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam.
  • Năm 2024, ngành bán hàng đa cấp đạt doanh thu hơn 16.206 tỷ đồng, gần 700.000 người tham gia.
  • Mức hoa hồng trung bình khoảng 951.000 đồng/tháng, bằng 12% thu nhập bình quân cả nước.
  • Đến nay, đã giảm 4 doanh nghiệp, trong đó có các công ty mất giấy phép hoặc tự chấm dứt hoạt động.
  • Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, sửa đổi luật pháp, nâng cao nhận thức và xử lý nghiêm vi phạm.

Thông tin từ Bộ Công thương, trong năm 2024, ngành bán hàng đa cấp tại Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt hơn 16.206 tỷ đồng, với tổng số lượng người tham gia bán hàng là gần 700.000 người. Mức hoa hồng, tiền thưởng bình quân khoảng 951.000 đồng/tháng, tương đương 12% mức thu nhập bình quân đầu người của cả nước trong năm 2024.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng cho biết, đến thời điểm hiện tại trên cả nước chỉ còn 16 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, giảm 4 doanh nghiệp so với đầu năm 2024.

Cụ thể, Công ty TNHH Phong cách sống kim cương Việt Nam bị thu hồi giấy chứng nhận; Công ty TNHH Người Lái xe mặt trời chủ động chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp; Công ty TNHH Thương mại Lô Hội và Công ty TNHH MTV TM DV Hoằng Đạt có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hết hiệu lực.

Bán hàng đa cấp tại Việt Nam: Doanh thu hơn 16.000 tỷ, 4 doanh nghiệp rút lui dù gần 700.000 người tham gia- Ảnh 1.

Nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, ngày 16/4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành văn bản số 2624/BCT-CT gửi các đơn vị thuộc Bộ và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, yêu cầu triển khai nhiều nhiệm vụ tăng cường kiểm soát lĩnh vực này.

Theo đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia được giao nhiều nhiệm vụ trọng tâm như: rà soát và đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật liên quan, đảm bảo yêu cầu quản lý chặt chẽ về an ninh trật tự và đạo đức xã hội; phối hợp với Bộ Công an đề xuất điều chỉnh các điều khoản trong Bộ luật Hình sự liên quan đến tội phạm trong hoạt động đa cấp; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm; theo dõi việc thực thi pháp luật của các địa phương; tiếp nhận, tổng hợp các phản ánh, đề xuất để báo cáo kịp thời lên Bộ. Bên cạnh đó, Ủy ban cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ quản lý bán hàng đa cấp.

Các đơn vị khác thuộc Bộ Công Thương cũng được phân công nhiệm vụ phù hợp với chức năng. Cụ thể, Cục Quản lý thị trường trong nước chủ trì tham mưu xây dựng quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đa cấp; Vụ Pháp chế phối hợp đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; Văn phòng Bộ đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến; Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số triển khai thủ tục hành chính trên nền tảng số; các cơ quan báo chí trực thuộc Bộ đảm nhiệm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan.

Tại địa phương, các Sở Công Thương được yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo bán hàng đa cấp; phối hợp với lực lượng công an để phòng, chống tội phạm; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, nâng cao hiểu biết của người dân và tập huấn chuyên môn cho cán bộ làm công tác quản lý.


Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (20/4), cả vàng SJC và vàng nhẫn đều giảm mạnh, bằng giá nhau ở mốc 114 triệu đồng/lượng. Hiện, giá vàng, trong nước vẫn cao hơn thế giới hơn 9 triệu đồng/lượng.

Lời khai máu lạnh của Bùi Đình Khánh

Sau khi gây án, Bùi Đình Khánh liên tục thay đổi phương tiện để lẩn trốn lực lượng chức năng. Đến 22h, đêm 18/4, Khánh bị bắt tại TP Thanh Hóa và 3h30, ngày 19/4 được di lý về Công an Quảng Ninh để lấy lời khai ban đầu.