Chứng khoán

Bài học nào cho nhà đầu tư sau cú giảm 218 điểm từ vùng đỉnh lịch sử của VN-Index?

 

Founder Finpeace trong chương trình “Khớp lệnh” của VTV Digital. (Ảnh chụp màn hình).

Tại chương trình "Khớp lệnh" của VTV Digital, ông Nguyễn Tuấn Anh, Founder Finpeace, chia sẻ một số bài học mà các nhà đầu tư có thể rút ra sau cú sụt giảm 218 điểm từ vùng đỉnh lịch sử của VN-Index.

Thứ nhất là tỷ lệ chứng khoán trên tài sản, đó nên là phần tách rời so với cuộc sống của nhà đầu tư. Tức là phần tiền với mục đích nghỉ hưu, mua nhà cửa, là những phần chỉ đầu tư dài hạn, không “trade” hay nói cách khác là không lướt sóng cùng thị trường. Sau khi nhà đầu tư để riêng những phần tiền an toàn rồi thì phần còn lại nếu thử sức với các biến động ngắn hạn thì họ có thể phân bổ để giải ngân.

Thứ hai là khi đã mua, nhà đầu cần các bộ nguyên tắc để vào ra đúng kỷ luật, tránh để cảm xúc trên thị trường ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư. Cảm xúc sẽ có hai nguồn gốc khác nhau. Một là peer pressure - cảm xúc mà những người đầu tư xung quanh đem đến. Cảm xúc thứ hai liên quan đến sự an toàn của chính mình.

"Về vấn đề đây có phải là đáy chưa hay đã mua được chưa, ta cần quay lại xem tỷ lệ chứng khoán trên từng danh mục. Nếu đang giữ tỷ lệ 0% thì những lúc bĩ cực, ta hoàn toàn có thể đặt cược vào các cơ hội tiềm năng. Tuy nhiên nếu đang ở tỷ lệ full margin thì kể cả thị trường dấu hiệu đảo chiều, ta cũng không thể mua tiếp nữa.

Sau đợt giảm trước đã có một pha hồi đủ dài nhưng nếu ta không có tâm thế rằng đây là đợt hồi thì sẽ đu theo quá dài và không thoát ra được", ông Tuấn Anh cho hay.

Chuyên gia cho rằng thị trường có hai yếu tố quan trọng, cốt lõi của giao dịch ngắn hạn là yếu tố về giá và yếu tố về thanh khoản. Khi khối lượng thấp chứng tỏ ít nhà đầu tư xác nhận đây là khu vực giá hợp lý.

Khi thị trường giảm sâu thì luôn có một bệ đỡ rất quan trọng chính là giá trị nội tại vì vậy nếu giá mà thấp hơn giá trị nội tại chứng tỏ ta đang bán rất hời cho nhà đầu tư dài hạn.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Sáng lập Finpeace. (Ảnh chụp màn hình).

Chứng khoán có giống với tài xỉu?

Về việc so sánh chứng khoán giống như tài xỉu, ông Tuấn Anh lý giải bởi mọi người thường đầu tư khi phồn thịnh dù không có nhiều kiến thức. Sau đợt này, thị trường được kỳ vọng sẽ vào pha đi ngang trước khi test cung - cầu lần nữa. Một trong các sai lầm của người mới là pha trộn quá nhiều chỉ số. Về cơ bản, chỉ số kỹ thuật chia làm hai yếu tố là yếu tố trên giá và yếu tố trên sức mạnh.

Quy hoạch về cổ phiếu là quy hoạch rất quan trọng trong đời sống tài chính cá nhân, đặc biệt với những bạn trẻ, vốn còn nhỏ. Việc tích luỹ chứng khoán định kỳ, tích luỹ mua chứng khoán sẽ cực kỳ cần thiết ở tất cả thị trường, ngay cả ở Mỹ hay Châu Âu. Tỷ trọng của người trẻ sẽ thiên về chứng khoán, tỷ trọng của người già sẽ thiên về trái phiếu.

Trong lịch sử, trong đợt nâng hạng của tất cả các thị trường lớn thì VN-Index đều tăng khoảng gấp đôi tính từ ngưỡng 1.200, một ngưỡng trước đây là kháng cự bây giờ là hỗ trợ tuy nhiên đó lại là tương lai siêu dài hạn.

Cổ phiếu VNM của Vinamilk là biểu tượng của Việt Nam nhiều năm trước, năm nào cũng tăng đều. Tại thời điểm này, với nhà đầu tư nghiêm túc, phân bổ đầu tư hợp lý và giữ được dài hạn thì VNM vẫn là một mã cần đưa ngay vào danh sách quan sát bởi yếu tố rất quan trọng là doanh nghiệp đang đầu tư hiện diện tại đất nước này hàng ngày.

Có hai cách để tiếp cận với Vinamilk. Cách thứ nhất là đầu tư dài hạn, ta có thể cân nhắc đầu tư định kỳ, hàng tháng tách tiền tiết kiệm và mua liên tục, tháng nào cũng mua nhưng chỉ mua số lượng nhỏ thì ta sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Cách thứ hai là dành phần tiền nhàn rỗi, học thêm một chút phân tích kỹ thuật, đợi Vinamilk có phân kỳ cắt lên rồi mua. Hiện tại, Vinamilk đã bắt đầu có câu chuyện RSI được cải thiện nhưng còn thiếu yếu tố nữa là break lên về giá thì Vinamilk vẫn chưa đạt được.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm