Doanh nghiệp

[Bài 1] Chất lượng báo cáo tài chính của doanh nghiệp niêm yết: "Thượng vàng hạ cám"

Chất lượng báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết luôn là một vấn đề nóng của thị trường chứng khoán nhiều năm qua.

Trong thời gian gần đây thị trường xuất hiện nhiều trường hợp chuyển từ lãi sang lỗ nặng sau kiểm toán, kế toán hạch toán nhầm hay đơn vị kiểm toán của một số doanh nghiệp niêm yết bị đình chỉ. Tình trạng này xuất hiện nhiều ở nhóm doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là trên HOSE - nơi được đánh giá là sàn giao dịch cao cấp của thị trường với những tiêu chuẩn khắt khe ngay từ khi niêm yết.

Tình trạng "vàng thau lẫn lộn" trong báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp niêm yết gây hoang mang thậm chí gây thiệt hại cho nhà đầu tư. 

Khoản ghi nhầm hi hữu của kế toán ITA

Trong báo cáo tự lập quý II của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Mã: ITA) ghi nhận trường hợp hi hữu khi kế toán hạch toán nhầm 1.300 tỷ tạm ứng cho Chủ tịch HĐQT.

Phía ITA cho biết Đại hội đồng cổ đông năm 2019, 2020, 2021 và năm 2022 đã thông qua và ủy quyền cho Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến đại diện ra các quyết định hợp tác, liên doanh Dự án Khu dược phẩm công nghệ cao và kính thông minh. 

Khoản ủy thác đầu tư này tính tới 30/6/2022 là 1.335 tỷ đồng phải hạch toán vào đầu tư khác nhưng kế toán đã hạch toán nhầm vào phải thu khác.

 Nguồn: Thuyết minh BCTC quý II/2022 chưa qua đính chính, công bố ngày 29/7. 

Ngoài ra, Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2022 đã thống nhất về việc để bảo vệ lợi ích của các cổ đông từ rủi ro của Dự án điện Kiên Lương do CTCP Phát triển Năng lượng Tân Tạo (TEDC) đầu tư, bà Đặng Thị Hoàng Yến đã đồng ý nhận chuyển nhượng 20,69% cổ phần ITACO nắm giữ tại TEDC tương đương số tiền 1.655 tỷ đồng. 

Tính tới 30/6/2022, công tác chuyển nhượng đã hoàn tất, bà Đặng Thị Hoàng Yến đã thanh toán cho Tân Tạo số tiền 1.022 tỷ đồng. Bà Đặng Thị Hoàng Yến còn phải thanh toán cho Tân Tạo là 633 tỷ. Như vậy khoản phải thu bà Đặng Thị Hoàng Yến chỉ phát sinh 633 tỷ và đã được hạch toán lại vào khoản phải thu khác.

Sau đính chính, khoản phải thu khác gần 1.937 tỷ đồng từ Chủ tịch HĐQT đã được hạch toán lại chỉ còn hơn 633 tỷ đồng. (Nguồn: Thuyết minh BCTC quý II/2022 đã đính chính, công bố ngày 5/8).

Ở báo cáo soát xét bán niên, Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán phía Nam (AASCS) đã có ý kiến về khoản uỷ thác đầu tư 314 tỷ đồng cho bà Yến tại ngày 30/6. Theo kiểm toán, số dư này được ghi nhận vào khoản mục Đầu tư góp vốn vào đơn vị khác là chưa phù hợp với quy định của Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam, do chưa có đầy đủ các bằng chứng, chưa được bên nhận vốn đầu tư xác nhận.

Bên cạnh đó, với khoản chi ủy thác đầu tư cho bà Yến phát sinh trong 6 tháng đầu năm được chi bằng tiền mặt là 223 tỷ đồng, kiểm toán không đủ cơ sở căn cứ kiểm chứng đối với các nghiệp vụ này.

Tại ngày 31/12/2021, khoản chi uỷ thác đầu tư của ITA cho Chủ tịch HĐQT là 91 tỷ đồng được hạch toán ở mục Phải thu khác. Nửa đầu năm, ITA phát sinh thêm 223 tỷ chi uỷ thác cho bà Yến và khoản 314 tỷ tại ngày 30/6 được hạch toán ở khoản Đầu tư góp vốn vào đơn vị khác. (Nguồn: Báo cáo tài chính soát xét bán niên).

Không chỉ hạch toán nhầm trên báo cáo tự lập mà ITA còn bị HOSE nhắc nhở về việc công bố trễ báo cáo soát xét gần một tháng. Trước đó, Earnst & Young (EY) là đơn vị kiểm toán cho ITA song cuối tháng 7 đơn vị này đã bất ngờ xin dừng kiểm toán cho ITA mà không thông báo trước. Sự từ chối kiểm toán một cách bất ngờ của EY cũng đặt ra nhiều nghi vấn cho nhà đầu tư về chất lượng báo cáo tài chính của ITA.

Vì sự từ chối kiểm toán của EY nên ITA buộc phải tìm gấp đơn vị kiểm toán khác dẫn tới công bố báo cáo soát xét muộn.

Mập mờ báo cáo tài chính của Licogi 14

Sau soát xét, nhờ chuyển mô hình công ty và loại báo cáo tài chính mà số lỗ sau thuế của CTCP Licogi 14 (Mã: L14) đã giảm 210 tỷ đồng, chỉ còn lỗ 24 tỷ đồng sau soát xét.

Nguyên nhân chính dẫn tới thay đổi lớn sau soát xét đến từ việc CTCP Đầu tư Tài chính Licogi 14 (LFI) không còn là công ty con của Licogi 14 tức không còn được hợp nhất vào báo cáo tài chính của đơn vị này.

Licogi 14 cho biết căn cứ nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên ngày 16/4 và nghị quyết HĐQT của LFI ngày 18/6, LFI đã thực hiện phát hành 550.000 cổ phiếu ESOP. Theo đó, vốn điều lệ của LFI đã tăng từ 110 tỷ lên 115,5 tỷ đồng thời tỷ lệ sở hữu của Licogi 14 tại LFI giảm từ 51% xuống còn 48,57%.

Việc LFI thay đổi vốn điều lệ khiến tỷ lệ sở hữu của Licogi 14 giảm xuống dưới 50% xảy ra trước cuối kỳ kế toán song phía kế toán của công ty lại không nắm được, chưa kể tới việc sau kỳ kế toán doanh nghiệp cũng có tới 30 ngày để tiến hành lập báo cáo tài chính tự lập. 

Cho tới tận ngày 12/8 - ngày Licogi 14 lập báo cáo soát xét thì doanh nghiệp mới có báo cáo gửi HNX về việc thay đổi mô hình công ty và loại hình báo cáo tài chính.

 Nguồn: Báo cáo tài chính bán niên đã soát xét.

LFI từng là "gà đẻ trứng vàng" của Licogi 14, có hoạt động kinh doanh chính trong mảng đầu tư tài chính. Theo báo cáo thường niên 2021, Licogi 14 cho biết chỉ với giá trị đầu tư 56,1 tỷ nhưng LFI đã mang về cho công ty mẹ Licogi 14 gần 200 tỷ lợi nhuận năm qua. Nhờ đầu tư vào loạt cổ phiếu "nóng" như CEO, DIG đúng thời điểm thị trường chứng khoán thăng hoa đã giúp Licogi 14 lãi khủng năm qua.

Tuy nhiên nửa đầu năm nay, thị trường lao dốc khiến cổ phiếu trong danh mục của LFI bốc hơi hơn 2/3 giá trị dẫn tới Licogi 14 phải trích lập tới 380 tỷ dự phòng và ghi nhận lỗ 234 tỷ trước soát xét.

 

Chỉ bằng một nghiệp vụ chuyển đổi mô hình công ty, biến LFI từ công ty con thành liên kết khiến khoản dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán của Licogi 14 chỉ còn gần 63 tỷ sau soát xét cũng là nguyên nhân chính giúp Licogi 14 không còn lỗ đậm như ở báo cáo tự lập.

Nói thêm, đơn vị kiểm toán cho Licogi 14 là Công ty TNHH Kiểm toán An Việt. Công ty này cũng vừa ký kết hợp đồng với Tập đoàn FLC và cũng đang làm kiểm toán cho loạt doanh nghiệp trên sàn như CTCP Bánh Kẹo Hải Hà (Mã: HHC), Tổng CTCP Dệt may Hà Nội (Mã: HSM), hay CTCP Xây dựng Số 3 Hải Phòng (Mã: HC3), CTCP Năng lượng và Môi trường Vicem (Mã: VTV).  

Nhiều doanh nghiệp "trốn" trích lập dự phòng

Trích lập dự phòng giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ phải thu khó đòi được đánh giá là những khoản dễ được doanh nghiệp "xào nấu" nhất đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết để giấu lỗ. 

Nguyên tắc thận trọng -một trong các nguyên tắc kế toán cơ bản dường như đang bị "phớt lờ". Dù vô tình hay hữu ý thì việc vi phạm nguyên tắc này đã làm sai lệch lớn thông tin trên báo cáo tài chính, tạo rủi ro thậm chí thiệt hại cho nhà đầu tư và cổ đông.

Giữa tháng 5, CTCP Nông dược HAI (Mã: HAI) đã phải công bố lại báo cáo tài chính quý IV/2021 ghi nhận khoản lỗ tăng từ 1,5 tỷ lên 673 tỷ đồng do tăng mạnh chi phí quản lý doanh nghiệp. Việc đánh giá lại một số khoản nợ phải thu và đầu tư tại thời điểm 31/12/2021 đẩy chi phí dự phòng của HAI tăng đột biến.

Đến nay, Nông dược HAI vẫn chưa công bố báo cáo kiểm toán của năm 2021 và bán niên 2022 do đang đi tìm đơn vị kiểm toán.

Tương tự HAI, CTCP One Capital Hospitality (Mã: OCH) và CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group - Mã: OGC) cũng ghi nhận báo cáo kiểm toán chênh lệch rất lớn sau kiểm toán năm 2021 do tăng trích lập dự phòng.

Tăng trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi và dự phòng tổn thất hàng tồn kho đối với dự án Sài Gòn Airport khiến OCH lỗ sau thuế 468 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với số lỗ trước kiểm toán là 77 tỷ. 

Do công ty con là OCH lỗ nặng sau kiểm toán cùng việc tăng trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi đã khiến Ocean Group chuyển từ lãi sau thuế 105 tỷ sang lỗ 280 tỷ sau kiểm toán.

Dấu hỏi về chất lượng báo cáo tài chính của doanh nghiệp họ FLC

Cuối tháng 3, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã đình chỉ tư cách được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán đối với Công ty TNHH Kiểm toán – Tư vấn Đất Việt.

Công ty TNHH Kiểm toán – Tư vấn Đất Việt chính là đơn vị kiểm toán cho Tập đoàn FLC (Mã: FLC), CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS). 

Công ty kiểm toán bị đình chỉ, FLC và FLC Faros rơi vào tình trạng chậm nộp báo cáo tài chính kiểm soát. Tới gần cuối tháng 7, FLC đã tìm được công ty kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán – Tư vấn Đất Việt.

Dù tìm được đơn vị kiểm toán song FLC vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 và báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022.

Còn FLC Faros chưa thể công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, một phần vì chưa có chữ ký của Người đại diện theo pháp luật, một phần khác vì chưa tìm được đơn vị kiểm toán.

Đặc biệt sau vụ việc FLC Faros tăng vốn ảo trước niêm yết và công ty kiểm toán dường như "phớt lờ" những nghi vấn xung quanh việc tăng vốn của doanh nghiệp này như phân tích ở bài trước đó  đã đặt một dấu hỏi lớn về chất lượng báo cáo tài chính của FLC Faros. Việc này càng khiến công ty khó tìm đơn vị kiểm toán. 

Chung số phận, loạt doanh nghiệp thuộc họ FLC khác như Nông dược HAI, CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (Mã: GAB) hiện cũng chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 và cả báo cáo bán niên 2022. 

Giữa tháng 5, Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội - đơn vị kiểm toán Nông dược HAI cũng bị đình chỉ tư cách kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán tới hết năm nay.

GAB liên tục bị các công ty kiểm toán từ chối với lý do liên quan đến vụ việc ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm