Vì sao USD và lợi suất trái phiếu tăng?
Chỉ số USD, đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền lớn khác, đã tăng hơn 14% trong năm nay. Đây là một kết quả ấn tượng so với các tài sản đầu tư khác, khi chứng khoán Mỹ “bốc hơi” hơn 19% giá trị, bitcoin giảm hơn 50% và vàng mất hơn 7%.
Theo hãng tin AP, USD lên giá là nhờ kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tích cực hơn những nước khác. Dù lạm phát cao, thị trường việc làm của Mỹ vẫn vững mạnh.
Các lĩnh vực khác của nền kinh tế, như dịch vụ, đang cho thấy khả năng phục hồi. Những nhân tố tích cực này giúp bù đắp mối lo ngại về sự giảm tốc của thị trường nhà đất và các khu vực khác.
Tín hiệu khả quan từ nền kinh tế càng củng cố dự báo của các nhà giao dịch về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất và duy trì chính sách này trong một khoảng thời gian, để “hạ gục” tỷ lệ lạm phát đang ở vùng cao nhất trong 40 năm.
Những kỳ vọng đó đã đẩy lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Chính phủ Mỹ tăng gấp đôi lên 3,5% so với mức 1,33% cùng kỳ năm ngoái.
Ai là người hưởng lợi?
Đà tăng của USD là nhân tố có lợi cho những người Mỹ đi du lịch nước ngoài. Ví dụ, một USD đổi được khoảng 110 yen vào tháng 9 năm ngoái nhưng đến tháng 9 năm nay lại có giá trị tương đương 143 yen, tức là lên giá 30%. Như vậy, du khách Mỹ đến Nhật hiện nay sẽ tiêu tốn ít USD hơn so với trước.
Bên cạnh đó, sự lên giá của đồng bạc xanh cũng giúp người mua hàng Mỹ kiềm chế đà tăng giá nhập khẩu và đẩy lạm phát đi xuống. Ví dụ, khi USD tăng so với euro, các công ty châu Âu thu được nhiều euro hơn trên mỗi USD doanh thu. Theo đó, họ có thể giảm giá sản phẩm tính trên USD mà vẫn kiếm được số tiền tương tự bằng euro hoặc giữ nguyên giá và bỏ túi thêm euro.
Số liệu thống kê cho thấy trong tháng 8 giá hàng nhập khẩu đã giảm 1% so với một tháng trước đó, sau mức giảm 1,5% của tháng 7. Cụ thể, giá nhập khẩu trái cây các loại hạt và một số loại vỏ đã giảm 8,7% so với tháng trước và giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng USD mạnh hơn có thể giúp kiểm soát giá hàng hóa nói chung khi dầu, vàng và nhiều loại hàng hóa khác được yết giá và mua bán bằng USD trên khắp thế giới.
Ai thua thiệt?
Tuy nhiên, sức mạnh của đồng nội tệ đang gây bất lợi cho các công ty xuất khẩu của Mỹ. McDonald’s cho biết trong mùa hè doanh thu của tập đoàn này đã giảm 3% so với cùng kỳ năm trước và nếu giá trị của đồng USD vẫn giữ nguyên so với các loại tiền tệ khác, doanh thu của McDonald’s sẽ tăng 3%.
Trong khi đó, Microsoft cho biết những thay đổi về tỷ giá đã khiến doanh thu của hãng công nghệ này giảm 595 triệu USD trong quý gần nhất.
Gần đây, một loạt các doanh nghiệp Mỹ khác đã đưa ra những cảnh báo tương tự và đà tăng mạnh hơn của đồng USD có thể gây thêm sức ép đối với lợi nhuận. Theo FactSet, thị trường nước ngoài đóng góp khoảng 40% doanh thu của các công ty có tên trong chỉ số S&P 500.
Ngoài ra, đồng USD mạnh sẽ gây khó khăn tài chính cho các nước đang phát triển. Nhiều doanh nghiệp và chính phủ tại thị trường mới nổi đang vay tiền bằng USD. Khi phải trả nợ bằng USD, các nước này sẽ chịu sức ép do đồng nội tệ đổi được ít USD hơn so với trước.
Tương lai của đồng USD
Báo cáo mới đây về tỷ lệ lạm phát cao hơn dự kiến tại Mỹ đã gây sốc cho thị trường và củng cố niềm tin của các nhà giao dịch vào việc Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến năm 2023.
Các quan chức Fed gần đây cũng tái khẳng định cam kết duy trì lãi suất ở mức cao cho đến khi hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát, ngay cả khi cái giá phải trả là thiệt hại về tăng trưởng kinh tế.
Chủ trương cứng rắn của Fed sẽ tiếp tục hỗ trợ đà tăng cho USD. Nhiều chuyên gia dự báo đồng bạc xanh vẫn sẽ ở mức cao trong một thời gian.
Trong một báo cáo của Bank of America Global Research, các chiến lược gia cho rằng để đồng USD suy yếu đáng kể, Fed phải ưu tiên tăng trưởng hơn là lạm phát và điều này vẫn chưa xảy ra trong thời điểm hiện nay.