Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng não không được cung cấp máu do mạch máu não bị tắc nghẽn hoặc vỡ, sẽ gây liệt hoàn toàn hoặc một phần cơ thể. Đây là một tình trạng nguy hiểm, cần được cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, nhiều người không phát hiện được chứng đột quỵ, khiến thời gian điều trị bị chậm trễ, dẫn đến tàn tật, rơi vào hôn mê sâu, thậm chí là tử vong.
Bệnh viện Đà Nẵng ghi nhận số bệnh nhân bị đột quỵ cấp cứu tăng đột biến trong những tháng gần đây.
Ghi nhận tại Bệnh viện Đà Nẵng, trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 tình trạng bệnh nhân đột quỵ tăng rất cao. Trung bình, mỗi tháng, Khoa đột quỵ của bệnh viện này tiếp nhận điều trị cho hơn 400 bệnh nhân ở mọi lứa tuổi, đến từ các tỉnh thành miền Trung.
Theo Bác sĩ Dương Quang Hải - Phó trưởng khoa Đột quỵ Bệnh viện Đà Nẵng, trước khi khởi phát, đột quỵ đã có một quá trình diễn biến âm thầm, kéo dài từ biến chứng của xơ vữa động mạch gây thiếu máu não. Khi mảng xơ vữa ngày càng dày, bong ra, kết hợp với các yếu tố hình thành cục huyết khối (máu đông) kẹt lại trong nhiều mạch máu não gây tắc, vỡ mạch dẫn đến đột quỵ.
Đáng báo động, tình trạng trẻ hóa bệnh nhân đột quỵ chiếm tỷ lệ 20%
"Thời gian vàng để cấp cứu cho bệnh nhân đột quỵ chỉ kéo dài khoảng 4 tiếng rưỡi kể từ khi phát bệnh. Lúc này, bác sĩ dùng thuốc tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch sẽ giúp mang lại hiệu quả cao cho người bệnh. Giới hạn này có thể mở rộng lên 6 giờ tùy từng trường hợp và áp dụng phương pháp cấp cứu phù hợp. Tuy nhiên, nếu người bệnh được can thiệp, điều trị càng sớm so với thời gian trên thì khả năng cứu sống, tỷ lệ hồi phục càng cao và ngược lại", bác sĩ Hải chia sẻ.
Điều đáng báo động, tình trạng trẻ hóa bệnh nhân đột quỵ chiếm tỷ lệ ngày càng cao. Theo thống kê tại Bệnh viện Đà Nẵng, tình trạng người trẻ (dưới 40 tuổi) đang điều trị tại đây chiếm hơn 20%. Trong đó, nhiều bệnh nhân hôn mê sâu thở máy phải dùng các biện pháp điều trị can thiệp.
Bác sĩ Dương Quang Hải - Phó trưởng khoa Đột quỵ Bệnh viện Đà Nẵng
Bác sĩ Bác sĩ Dương Quang Hải cho biết, đơn vị cũng từng điều trị cho nhiều bệnh nhân đột quỵ là trẻ em, chỉ mới mười mấy tuổi. Các trường hợp nhỏ tuổi bị đột quỵ thường rơi vào những người có bệnh lý nền hoặc có dị dạng bẩm sinh như bất thường trong mạch máu não, bệnh lý tim mạch, bệnh lý máu khó đông,…
"Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến người trẻ mắc đột quỵ chính là thói quen sinh hoạt không điều độ, lạm dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, ăn uống nhiều chất đạm dẫn đến các bệnh mãn tính...
Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết thay đổi đột ngột, đặc biệt vào thời điểm giao mùa, mùa lạnh, khiến mạch máu dễ co lại, làm tăng huyết áp cũng có nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Nếu người bệnh được phát hiện và đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời trong 'giờ vàng' thì khả năng hồi phục còn cao và ngược lại, nếu phát hiện, can thiệp muộn sẽ gây ra các tổn thương não, liệt tay, chân, khó vận động, thậm chí tử vong…", bác sĩ Dương Quang Hải chia sẻ.
Được biết, tại Bệnh viện Đà Nẵng, các bệnh nhân sẽ được điều trị theo phác đồ chuẩn, tùy theo nguyên nhân bệnh lý gây ra đột quỵ ở mỗi người. Ngoài ra, nhờ trang thiết bị, kinh nghiệm, các bác sĩ tìm ra nguyên nhân để người bệnh tránh nguy cơ tái phát bệnh lần nữa, gây ra hậu quả nặng nề hơn.
Nhờ được cấp cứu trong "giờ vàng" nên sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân L.Th.Gi (57 tuổi, trú thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) đã hồi phục khoảng 70% và đủ điều kiện để xuất viện trở về nhà tĩnh dưỡng.
Phó trưởng khoa Đột quỵ Bệnh viện Đà Nẵng cho biết thêm, 90% người bị đột quỵ sẽ để lại di chứng, tàn tật và có khoảng 71% bệnh nhân sẽ không trở lại được với công việc bình thường trước đó của họ.
Do đó, để phòng, chống đột quỵ thì mọi người cần phải duy trì, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp như tăng cường sử dụng rau, củ, quả, hạn chế đồ béo, đồ ăn nhiều dầu mỡ, không sử dụng các chất kích thích, duy trì thói quen đi ngủ sớm, thức dậy đúng giờ.
Những bệnh nhân đột quỵ nặng sẽ được nhân viên của bệnh viện chăm sóc toàn diện từ cho uống thuốc, ăn uống và vệ sinh... Chỉ có những trường hợp cần thiết thì sẽ cho vào thăm nuôi.
1 nam bệnh nhân mới 22 tuổi bị đột quỵ đang được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Đối với những bệnh nhân lớn tuổi, có nguy cơ mắc các bệnh nền cần chủ động kiểm tra sức khỏe để loại trừ các nguy cơ. Tập thể dục ở mức độ phù hợp với bản thân để nâng cao sức khỏe, cải thiện tim mạch. Tuy nhiên, nếu thời tiết trở lạnh, cần tập thể dục ở trong nhà thoáng và ấm, không nên tập ngoài trời. Khi có nhu cầu ra ngoài nhà cần mặc đủ ấm, đội mũ, đeo găng tay…
Đặc biệt, khi thấy người thân xuất hiện các dấu hiệu như đột ngột rối loạn ngôn ngữ (không nói được hoặc ú ớ, kích thích la hét), yếu tay, yếu chân cùng một bên, méo miệng, đột ngột hôn mê và rối loạn ý thức… cần gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện để khám, cấp cứu càng sớm càng tốt. Không nên dùng những phương thức như cạo gió, bấm miệng… mà để lỡ mất "giờ vàng".