Nhà mẹ Thìn nằm trong một con xóm nhỏ, mà theo lời ông Nguyễn Ngọc Phúc (con trai mẹ Thìn) thì từ nơi này tới nơi cha của ông là liệt sĩ Nguyễn Ngọc Quảng hy sinh, "chỉ cần đi bộ một lúc là tới".
Ông Phúc kể cha ông là cán bộ huyện Hòa Vang. Trong một đêm ở lại cơ sở làm nhiệm vụ, ông Quảng và các đồng đội bị lính Mỹ đánh úp. Hôm đó hy sinh gần 10 người.
Tin báo về, mẹ Thìn như điên dại, hốt hoảng chạy lên tìm xác chồng. Nghe tới đây, mẹ Thìn chen vào: “Lúc tui lên người chết nằm đó, có người có gia đình tới nhận, người chẳng có ai. Tui nhìn một hồi thì thấy ổng. Tội lắm. Tui với mấy người nữa khiêng ổng ra…”. Nói đến đây, mẹ nghẹn lời không kể nữa. Đó là một ngày cuối năm 1969.
Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Thìn.
Nỗi đau mất chồng và cuộc sống chật vật nuôi 9 đứa con đè nặng lên vai mẹ Thìn. Chẳng kịp nguôi ngoai, năm 1972, người con trai đầu của mẹ, liệt sĩ Nguyễn Đảng hy sinh trên mặt trận Quảng Đà.
Mẹ nhớ “thằng Hai” đi giải phóng gần 5 năm trời, lâu lâu mới nghe tin báo về con ốm hay khỏe, đang làm nhiệm vụ gì, chứ chẳng có thư từ, hình ảnh gì cả. Mà nếu có cũng chẳng còn vì nhà mẹ 3 lần bị địch đốt. Mẹ đau như cắt nhưng hiểu chuyện, thời chinh chiến, bao người mất con như mẹ.
Dẫu vậy, suốt nửa thế kỷ qua mẹ Thìn luôn đau đáu vì chưa tìm thấy hài cốt con trai.
“Sau giải phóng, mẹ và mọi người đã lên nơi anh hy sinh, gần khu Hòn Kẽm Đá Dừng (huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) và các nghĩa trang nhưng vẫn không thấy. Giờ nhắc anh, mẹ day dứt lắm”, ông Phúc nói.
Ông Phúc xót xa, sau lần anh Đảng mất, mẹ suy sụp hẳn. Giai đoạn khủng hoảng nhất của mẹ là năm 1980, khi ông Phúc tham gia chiến trường Campuchia. 5 năm sau, ông Phúc trở về nguyên vẹn, mẹ mới có chút bình tâm.
Liên đoàn Lao động huyện Hòa Vang tới thắp hương, làm mâm cúng giỗ tại nhà mẹ Thìn.
Ngày 27/7 năm nay, Liên đoàn Lao động huyện Hòa Vang và các tổ chức, đoàn thể tới nhà mẹ đông kín. Mọi người chuẩn bị mâm cơm cúng đủ đầy cho hai liệt sĩ là chồng và con mẹ Thìn. Bà mẹ Mẹ Việt Nam Anh hùng 100 tuổi được vỗ về, an ủi, động viên, mẹ thấy ấm lòng nhưng vẫn day dứt: “Bữa ni nhà đông, cơm ngon như rứa mà thiếu chồng, thiếu con. Thằng Hai chừ vẫn không biết hắn nằm mô cả, 50 năm rồi không chịu về nhà ăn cơm với mẹ”.
Cũng như nhà mẹ, rất nhiều gia đình liệt sĩ tại Đà Nẵng được các đoàn thể tới làm mâm giỗ. Nhà anh Ngô Thanh Xuân tại thôn Gò Hà (xã Hòa Khương) thờ 3 liệt sĩ và Mẹ Việt Nam Anh hùng Lưu Thị Hý. Liệt sĩ Nguyễn Thị Nhồng hy sinh năm 1967, liệt sĩ Nguyễn Hữu Nhị hy sinh năm 1968, liệt sĩ Nguyễn Kiên hy sinh năm 1973. Trong vòng 5 năm, mẹ Hý mất đi 3 người con. Nay mẹ mất rồi, cháu trai là anh Xuân thờ cúng mẹ và các anh.
Mẹ Thìn 100 tuổi, vẫn nhớ như in ký ức những ngày bên chồng và con trai cả.
Chị Ngô Thị Nhứt Châu, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Hòa Vang cho hay Hội LHPN tại các xã trên địa bàn đã tổ chức hàng chục đám giỗ liệt sĩ, làm đẹp bàn thờ, thăm hỏi các gia đình thương binh liệt sĩ. Riêng xã Hòa Châu có 12 đám giỗ cho 18 liệt sĩ.
"Đây là việc làm nhằm tri ân các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình thương binh, liệt sĩ đã có nhiều hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, cũng như đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa cho thế hệ trẻ", chị Châu nói.
Nhà anh Ngô Thanh Xuân thờ 3 liệt sĩ và Mẹ VNAH Lưu Thị Hý
Đại diện BCH Quân sự TP Đà Nẵng tri ân những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Nhà bà Nguyễn Thị Thái (thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) thờ hai liệt sĩ.
Hàng chục mâm cúng giỗ liệt sĩ khắp các xã ở huyện Hòa Vang được Hội phụ nữ chuẩn bị trang trọng, đủ đầy.
Thế hệ trẻ không quên máu xương cha anh đã đổ xuống vì độc lập.