Bà Út thân thiết với đàn khỉ trên đảo Hòn Trà - Ảnh: TRẦN MAI
Tiếng í ới gọi nhau của đàn khỉ vọng lại như thể trả lời người đã chăm sóc chúng mấy năm qua. Trước đây, đàn khỉ sợ người cho đến khi chúng cảm nhận được tình thương mà bà Út Chất (Nguyễn Thị Chất, 78 tuổi, thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã "mở lòng" với chúng.
Bà lão 78 tuổi nuôi đàn khỉ như con
Thôn Sơn Trà, xã Bình Đông nằm cạnh Khu kinh tế Dung Quất. Những rừng cây, đồi núi cạnh biển dần nhường chỗ cho sự phát triển. Mảng xanh thành của hiếm. Chẳng ai biết đàn khỉ di cư đến hòn đảo giữa sông Trà Bồng tìm nơi trú ẩn.
Người thì bảo chúng di cư từ xã Bình Thạnh (bên kia sông Trà Bồng) qua, người lại cho rằng chúng từ cánh rừng ở xã Bình Thuận lên. Nhưng tất cả đều biết những cánh rừng ven biển từng là nơi sinh sống của lũ khỉ dần bị san ủi phục vụ phát triển. Không còn nơi trú ngụ và cạn kiệt thức ăn, đàn khỉ đành phải di cư tìm cho mình "ngôi nhà" mới.
"Cách đây mấy năm, trong lúc đi thúng ra biển đánh bắt, tôi thấy mấy con khỉ thơ thẩn dọc bờ biển rồi bơi qua sông lên Hòn Trà, nơi an toàn nhất cho lũ khỉ" - chú Thanh, nhà bên đảo Hòn Trà, cho biết.
Hòn Trà không có con người tác động nhưng rất nhỏ, nằm ngay cửa biển, cái ăn rất khó. Những ngày mới tìm lên đảo, đàn khỉ kêu la cả đêm. Không ai hiểu lý do, cứ nghĩ chúng gọi bầy. Nhưng rồi mọi người phát hiện lũ khỉ thiếu thức ăn. Đó là lúc mỗi chiếc thúng từ sông ra biển, lũ khỉ lại chạy theo kêu như sự cầu cứu.
Kể duyên nuôi đàn khỉ hoang, bà Út Chất bảo thường đi chùa cúng dường. Một lần bà đi chùa, có người nói đùa rằng: "Bà Út cúng dường bầy khỉ đi". Nghe vậy, bà nhớ tiếng kêu của lũ khỉ và mượn chiếc thúng chèo ra đảo Hòn Trà.
"Hồi đó, đàn khỉ thấy tôi là bỏ chạy liền, chúng sợ người lắm. Chắc trước kia cũng bị con người đuổi. Sau đó, tôi trở về chợ mua trái cây mang ra bỏ trên những hòn đá cho lũ khỉ xuống ăn. Nhìn nó ăn ngon lành, tôi thương lắm", bà Út Chất tâm tình.
Những ngày đầu bà Út qua đảo Hòn Trà cho đàn khỉ ăn, nhiều người nói bà làm chuyện tào lao và sẽ không duy trì được lâu. Nhưng rồi mỗi ngày người ta lại thấy bà mượn thúng mang thức ăn đến nơi lũ khỉ chờ đợi.
Bây giờ, chẳng ai nói bà làm chuyện tào lao nữa, trái lại còn hỗ trợ để bà nuôi đàn khỉ. Người dân xem đây là hình ảnh đẹp giữa con người và động vật. Thậm chí, nhiều người ở xa nghe chuyện đã tìm đến xem thực hư và biếu tiền để bà mua thêm trái cây tươi ngon cho đàn khỉ.
Bà Út Chất mua và xin trái cây cho bầy khỉ hoang ở đảo Hòn Trà - Ảnh: TRẦN MAI
Câu chuyện kỳ lạ có thật
Trước khi tôi đến nhà bà Út Chất, cô Út Liên bán nước đầu thôn kể rằng ngày nắng cũng như mưa bà Út đi bán xôi rồi chở về lỉnh kỉnh trái cây. Ai cũng biết bà Út phải thương đàn khỉ lắm mới miệt mài như vậy. Tiểu thương trong chợ Bình Đông thương bà, thay vì bán thì họ lựa riêng những trái cây "héo héo" để bà cho đàn khỉ.
Hôm nay, bà Út cũng chuẩn bị đủ loại chuối, xoài, thanh long, dưa hấu... ước chừng lên đến vài chục ký. Bà bảo phần lớn là tiểu thương cho, bà chỉ mua 50.000 đồng nho để bầy con... đổi vị. 78 tuổi, bà Út vẫn còn khỏe lắm, đôi tay vẫn khua chèo xé nước tiến về đảo Hòn Trà dù phải "đèo" thêm chúng tôi.
Thúng cập đảo Hòn Trà, bà Út hô lớn: "Các con xuống ăn, xuống ăn, bà đến rồi, có đồ ăn ngon lắm". Đáp lại, đàn khỉ tíu tít gọi nhau. Thấy có "khách lạ", lũ khỉ có vẻ dè chừng. Bà Út liên tục vẫy tay và nói "xuống đây, khách tới thăm chứ không phải bắt đâu, đừng sợ". Một lúc sau, khi chúng tôi lùi ra xa, cả đàn khỉ nhảy xuống vây lấy bà Chất, ăn trái cây ngon lành. Bà Chất cười hiền lành nhìn đàn con của mình, rồi cẩn thận đếm lại.
Mỗi ngày, khi cho đàn khỉ ăn, bà vẫn giữ thói quen đếm, bởi đợt bão hồi cuối năm 2021 không ai cho bà mượn thúng ra đảo vì sợ nguy hiểm. Bà đứng trong bờ gọi vọng ra, lũ khỉ cũng hú lại. Gần tháng sau, thời tiết ổn định, bà Chất vội mang thức ăn ra đảo. Bà đếm lại, thấy thiếu mất hai con nên hỏi: "Còn hai con nữa đâu, bây ra đây, không bà giận không cho ăn nữa".
Rồi lời kể của bà trở nên "liêu trai", nhưng tình cảm của bà dành cho đàn khỉ đủ để chúng tôi tin đó là thật. "Con khỉ đầu đàn và hai con nữa lao vào rừng, nó mang ra hai sọ khỉ bỏ vào thùng tôi hay đựng thức ăn. Tôi hiểu hai con đã chết vì đói và lạnh" - bà Út Chất kể, lời kể chân chất nỗi niềm của người già không có gì phải đãi bôi.
Chiều đổ dài. Bà Út không nhớ mình gắn bó với đàn khỉ bao năm rồi, nhưng bà biết đàn khỉ đã đẻ thêm 3 con, khiến bà rất vui. Tình yêu thương bà Út trao, đàn khỉ cảm nhận được hết. Trong cái lần mưa gió hơn một tháng trước, bà Út mang thức ăn ra cho đàn khỉ rồi nói: "Lỡ mai mốt bà chết, ai mang thức ăn cho tụi bây?". Nỗi sợ sẽ bỏ lại đàn khỉ bơ vơ ánh lên trong đôi mắt bà khi kể chuyện. "Tôi coi chúng như con. Giá mà trên Hòn Trà có cây trái, thức ăn thì đỡ lo", bà Út nói.
Khi đàn con ăn no, bà đưa tay xoa đầu một chú khỉ con rồi nói: "Bà về nghen, mai bà lại mang trái cây ngon ra". Bà ngồi lên thúng chèo về bờ, cả đàn đứng trên tảng đá nhìn theo, chúng kêu như thể cảm ơn bà đã nuôi chúng mấy năm qua. Còn bà Út bảo rằng: "Thương vậy, bỏ sao đành. Tôi còn sống là còn ra cho tụi nó ăn. Biết đâu sau này có một đảo khỉ, rồi ai đó ra đảo trồng cây trái để lũ khỉ tự sống".
Việc bà Út Chất làm từ yêu thương, bà không biết mình vô tình trở thành tuyên truyền viên bảo vệ động vật hoang dã và giúp nhiều người quý mến đàn khỉ. Người dân làng chài Sơn Trà bảo rằng nếu bà không còn thì họ sẽ thay bà chung tay lo cho đàn khỉ.
Ông Huỳnh Minh Thái, phó chủ tịch HĐND xã Bình Đông, tâm tình: "Từ khi biết được việc làm của bà, xã tạo điều kiện tốt nhất để bà nuôi nấng đàn khỉ. Bà Út đã giúp hệ sinh thái trong khu vực tốt hơn. Điều chúng tôi lo là bà ở tuổi xế chiều rồi, không biết khi bà mất đi thì ai sẽ chăm sóc, bảo vệ đàn khỉ. Chúng tôi rất quý tấm lòng của bà dành cho đàn khỉ".