Giống như các bà mẹ khác, Trương Nhân tâm niệm rằng thành công của con cái mang ý nghĩa to lớn hơn nhiều so với thành công trong sự nghiệp.
Trung Quốc có một người phụ nữ khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, mưu sinh bằng nghề “thu mua phế liệu”, cuối cùng trở thành một trong những nữ tỷ phú giàu nhất Trung Quốc, sở hữu khối tài sản giá trị 42 tỷ NDT (hơn 140 nghìn tỷ đồng).
Bà chính là Trương Nhân, người cầm lái công ty sản xuất giấy Cửu Long (Nine Dragons Paper Holdings Limited).
Hành trình trở thành “bà hoàng giấy”
1. Nghịch cảnh làm nên điều kỳ diệu
Trương Nhân sinh năm 1957 tại Thiều Quan (Quảng Đông, Trung Quốc). Bố ngồi tù vì một số lý do phức tạp, để lại mẹ và 7 anh chị em.
Trương Nhân
Người ta thường nói con nhà nghèo sớm làm chủ gia đình. Trương Nhân là chị cả nên phải làm gương cho các em, lo lắng mọi việc trong nhà. Điều này đã hình thành trong bà tính cách độc lập và cứng cỏi.
Để có thể thay đổi vận mệnh, Trương Nhân cố gắng học tập và đã đậu vào đại học ở thành phố lớn.
Sau khi tốt nghiệp, Trương Nhân làm kế toán tại một nhà máy dệt ở Thâm Quyến, nhờ năng lực xuất sắc, Trương Nhân được làm trưởng phòng tài chính và thương mại của công ty.
Song sự nghiệp hiện tại khiến Trương Nhân cảm thấy lạc lối. Bà chưa tìm được mục đích của đời.
Năm 1985, ở tuổi 27, Trương Nhân đã từ bỏ chức trưởng phòng và một mình đến Hồng Kông với số tiền tiết kiệm 30.000 NDT (hơn 100 triệu đồng) để khởi nghiệp.
2. Từ "mua giấy phế liệu" trở thành bà chủ bạc tỷ
Trương Nhân khởi nghiệp cũng không phải chỉ dựa vào đam mê, mà đã lên kế hoạch từ sớm. Thông qua tìm hiểu về nhu cầu trong nước, bà đã đến Hồng Kông để thu mua giấy phế liệu.
Nói dễ nghe là tận dụng phế liệu, mà khó nghe chính là thu mua đồng nát. Điều này khiến không ít người nghi ngờ ý tưởng của Trương Nhân. Nhưng bà đã làm theo con tim mách bảo.
Thời gian khởi nghiệp vô cùng khó khăn. Xã hội Hồng Kông thời bấy giờ bị ảnh hưởng bởi bè phái băng nhóm xã hội đen. Nếu không có trái tim sắt đá, bà đã bỏ cuộc từ sớm.
Dựa vào sự can đảm và trí tuệ, Trương Nhân đã vượt qua được những cản trở và giành được nhiều thị trường tiềm năng.
Chỉ trong 2 năm, Trương Nhân đã có chỗ đứng vững chắc ở Hồng Kông và hợp tác với một số nhà máy giấy ở đại lục, hoàn thành việc tích lũy vốn ban đầu. Năm 1988, bà thành lập công ty sản xuất giấy Trung Nam ở Đông Hoản.
Sau đó, bà nhắm vào thị trường Mỹ. Năm 1990, Trương Nhân và chồng đã thành lập công ty Cổ phần Trung Nam tại Hoa Kỳ.
Năm 1996, Trương Nhân bắt đầu kế hoạch tiếp theo, chi 110 triệu USD thành lập công ty sản xuất giấy Cửu Long ở Đông Hoản. Sử dụng giấy phế liệu tái chế ở nước ngoài để sản xuất giấy cao cấp và bán lại.
Năm 2005, sản lượng giấy Cửu Long đã đạt 3,3 triệu tấn, chiếm 17% thị trường giấy của Trung Quốc. Năm 2006, công ty sản xuất giấy Cửu Long được niêm yết tại Hồng Kông.
Cùng năm đó, Trương Nhân để leo lên vị trí top 100 người giàu nhất thế giới trong bảng Hurun bằng khối tài sản 27 tỷ NDT, trở thành người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc.
Năm 2021, Trương Nhân sở hữu tài sản 42 tỷ USD, đứng thứ 10 trong danh sách những người phụ nữ giàu nhất thế giới. Năm 2022, Trương Nhân đứng thứ 13 trong danh sách với 40,5 tỷ USD.
Dạy con với tư duy của nữ tỷ phú khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng
Sở hữu khát vọng tương lai và thành công, Trương Nhân cũng vô cùng tâm huyết với việc giáo dục con cái: "Mẹ không thể chăm sóc con giống như các bà mẹ khác, nhưng mẹ sẽ cho con tương lai".
Thông minh như Trương Nhân, tất nhiên có thể hiểu được điều này: Những cạnh tranh trong tương lai đều mang tính chất toàn cầu, con cái của bà cũng phải có khả năng tranh đấu tương ứng.
Con trai lớn của Trương Nhân có bằng MBA và bằng thạc sĩ tại Columbia. Trương Nhân đã đặt ra mục tiêu cho con trai từ nhỏ, rèn luyện tính độc lập và trách nhiệm, vì theo bà, đây là tố chất cần thiết để phát triển cơ nghiệp trăm năm trong tương lai.
1. Không cần lương - Định hình quan niệm về tiền bạc cho con
Các tỷ phú giàu có làm thế nào để nuôi dưỡng thế hệ tiếp theo luôn là một chủ đề thu hút sự chú ý. Trong mắt người ngoài cuộc, con cái nhà giàu lớn lên trong tài sản chất đống, cả đời không cần lo chuyện cơm áo gạo tiền.
Song, một số con nhà giàu ỷ vào tài phú cùng quyền thế của cha ông, tiêu tiền như nước, kiêu căng phù phiếm. Tuy nhiên, không ít “thiếu gia, tiểu thư” đã thoát ly được thành tựu của cha mẹ, theo đuổi lý tưởng riêng. Tất cả những điều này được xây dựng từ phương pháp giáo dục của gia đình hào môn.
Trương Nhân cũng biết rằng sự nghiệp và gia đình dễ dàng bị phá hủy nếu không biết nắm giữ, có được tất có mất. Người có dã tâm sự nghiệp như bà đã dành toàn bộ phận sức lực vào việc làm ăn.
Mới sinh con trai út 1 tháng, bà đã phải đi công tác. Là một người mẹ, Trương Nhân đương nhiên vô cùng khổ sở. “Trên máy bay, tôi đã khóc rất nhiều vì bỏ rơi đứa con mới sinh ở nhà. Nhưng tôi là người quá nặng sự nghiệp, cảm thấy nếu không thể hoàn thành công việc, tôi không thể trở về”.
Bất kể trong hoàn cảnh nào, Trương Nhân đều mặt mày hớn hở và tự hào khi nói đến con trai. Theo đuổi sự nghiệp khiến Trương Nhân yêu cầu bản thân rất cao, có lẽ vì thế mà bà cũng đặt nặng phương pháp giáo dục con cái.
Định nghĩa khái niệm tiền bạc đúng đắn là một trong những phương pháp dạy dỗ con cái của các tỷ phú, và Trương Nhân cũng không ngoại lệ.
Bà rất chú ý đến việc nuôi dưỡng quan niệm về tiền bạc của con trẻ. Giàu có là mồ hôi, nước mắt của thế hệ trước, thế hệ sau không thể có tâm lý phụ thuộc. Để có được sự giàu sang, thế hệ trẻ phải làm việc chăm chỉ và thậm chí còn phải nỗ lực nhiều hơn đời trước.
Khi công ty sản xuất giấy Cửu Long được niêm yết, Trương Nhân với tư cách là chủ tịch đã đưa con trai lớn (lúc này đang 24 tuổi) vào hội đồng quản trị, sắp xếp cho anh làm giám đốc độc lập (không thuộc nhóm điều hành cũng như không tham gia vào hoạt động hàng ngày của công ty).
Thời điểm đó, vì con trai lớn tuổi còn rất trẻ, học hành chưa thành, nhưng đã được đảm nhiệm chức giám đốc, khó tránh khỏi dị nghị. Nhưng bản thân Trương Nhân lại hiểu rõ, con trai trưởng thành dưới sự giáo dục của bà, đối nhân xử thế tương đối thành thục, nhân phẩm cũng tốt, trình độ học vấn cao, chỉ duy nhất không có kinh nghiệm xã hội. Việc gia nhập công ty xem như là một cơ hội học tập và trưởng thành.
Chức vụ giám đốc độc lập không trực thuộc theo thường lệ nên có thu nhập gần 600.000 NDT/năm (hơn 2 tỷ VNĐ), nhưng báo cáo thường niên của công ty năm đó cho thấy con trai lớn của Trương Nhân ở Cửu Long chỉ làm "tình nguyện viên" không lương. Hơn nữa biểu hiện của anh vô cùng xuất sắc, hoàn toàn không tự cho mình là thiếu gia. Điều này khiến Trương Nhân rất vui mừng.
Quyết định để con làm không công của Trương Nhân đương nhiên không chỉ là vì rèn luyện năng lực, mà còn giáo dục cho con rằng quản lý một công ty không hề dễ dàng, mỗi một đồng đều là thành quả nỗ lực gian khổ, nếu anh muốn sở hữu tài phú, chắc chắn phải bỏ ra công sức tương xứng.
Trương Nhân hy vọng con trai có thể kế thừa sự nghiệp của mình bằng tài năng thật sự. Trong một cuộc phỏng vấn, Trương Nhân cho rằng: “Giáo dục con trẻ giống như điều hành một công ty, thậm chí còn vĩ mô hơn”.
2. Không thù hằn với đời
Cách giáo dục con của Trương Nhân đã được công nhận và điều này một phần nhờ vào trải nghiệm tuổi thơ của bà.
Thuở nhỏ, 7 chị em Trương Nhân tự chăm sóc lẫn nhau, cuộc sống nghèo khó đã ảnh hưởng sâu sắc đến bà.
“Cách bố mẹ tôi dạy con đã giúp tôi hình thành sự thẳng thắn và độc lập sau này. Họ luôn dạy chúng tôi không được chiếm phần lợi của người khác, phải lịch sự và học cách thấu hiểu mọi người. Mặc dù trình độ văn hóa của bố mẹ không cao, nhưng đã dạy cho chúng tôi biết hiếu thảo. Tôi nghĩ rằng đây là điều thành công nhất của bố mẹ tôi”.
Trương Nhân thẳng thắn thừa nhận rằng giáo dục của bố mẹ bà cũng ảnh hưởng đến việc giáo dục hai con trai sau này. “Tôi nghĩ rằng giáo dục con trẻ phải làm thế nào để chúng chấp nhận sự uy nghiêm của bố mẹ và biết tôn trọng lẫn nhau. Đồng thời, phát triển tư duy của con ở nhiều phương diện và tầng lớp khác nhau, cố gắng thấu hiểu chúng. Như vậy, cha mẹ mới có thể giao tiếp thật sự với con cái”.
Trương Nhân nhớ lại, có một lần, con trai út của bà tốt nghiệp trung học cơ sở, ở nhà tổ chức tiệc mừng. Con trai út không muốn mời bạn học đã bắt nạt mình trong lớp. Trương Nhân lúc đó đang đi công tác xa, liên tục gọi điện thoại cho con trai suốt 3 ngày để tâm sự: “Con phải mời bạn học kia, phải làm cậu ấy cảm động bằng thiện chí của mình, hóa địch thành bạn. Con không thể sống thù hằn như vậy”.
Con trai suy nghĩ 2 ngày, cuối cùng vẫn mời bạn học kia. Kết quả là bây giờ hai người thật sự trở thành bạn bè.
Tôi luôn nói với con rằng, làm người không thể ích kỷ, phải hào phóng, như vậy sống mới thoải mái.
Trương Nhân
Dạy con là một thử thách rất lớn đối với bậc cha mẹ. Theo Trương Nhân, nuôi dạy con cái, bất kể tương lai là người kế nhiệm sự nghiệp hay là xông pha ngoài xã hội, đều phải dạy dỗ từ nhỏ, mà cha mẹ chính là tấm gương để con noi theo.
3. "Không cần trở thành Hoàng đế"
Giống như hầu hết các tỷ phú khác, Trương Nhân cũng phải đối mặt với vấn đề "thế hệ thứ hai" tiếp quản sự nghiệp.
Trương Nhân nói: “Sự thành công của thế hệ chúng tôi chỉ là bước đầu tiên, thế hệ tiếp theo có thể tiếp tục phát triển trên cơ sở này, đó mới là thành công thật sự. Tôi đã dành rất nhiều tâm huyết cho việc giáo dục hai đứa con. Tôi hy vọng chúng có thể học cách làm người và sự siêng năng của thế hệ chúng tôi. Ngoài ra, sau này, tôi sẽ dành thời gian và công sức cho việc làm từ thiện”.
Tuy nhiên, "không phải vị Thái tử nào cũng đều sẵn sàng trở thành Hoàng đế".
Cho nên, khi con trai còn rất nhỏ, Trương Nhân đã bắt đầu bồi dưỡng niềm hứng thú với sản xuất giấy của con trai.
“Con trai lớn của tôi có ý định phát triển ở tập đoàn Cửu Long. Là một người mẹ, tôi chắc chắn sẽ định hướng sở thích của con. Mỗi người mẹ, người cha sẽ làm điều đó”.
Nhưng Trương Nhân lại nói, bà luôn tôn trọng sự lựa chọn của con trai. “Nhưng tôi không thể trói buộc con ở Cửu Long. Nếu con sẵn sàng, công ty luôn chào đón. Thằng bé đã thực tập tại công ty và nhà máy trong kỳ nghỉ, cũng thường đưa ra một vài ý kiến đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp”.
Là người phụ nữ của công việc, Trương Nhân luôn phải cố gắng điều chỉnh bản thân giữa áp lực công việc và cuộc sống. “Nếu thật sự hỏi điều gì đáng nhớ nhất, tôi nghĩ hẳn là chuyện đã xảy ra khi sinh con trai út. Lúc đó, tôi vừa sinh con được 1 tháng mà đã bỏ con quay trở lại làm việc. Là một người mẹ, tôi cảm thấy nợ con quá nhiều”.
Nhớ lại thời gian sinh con trai út, Trương Nhân nghẹn nghèo: "Mang thai con trai út vô cùng gian khổ. Lúc đó đi công tác sắp sảy thai, tôi đã sẵn sàng tiếp nhận ca phẫu thuật bỏ đứa bé đi. Nhưng tôi đã mơ nhìn thấy một đứa bé đi đến trước mặt tôi. Vì vậy, tôi nói với chồng rằng phải sinh đứa trẻ này ra. Kết quả con trai út đã ra đời, là sinh non 8 tháng. Thằng bé rất nhẹ, nhưng đến ngày thứ ba, nó co lại như một con mèo con. Tôi đã khóc suốt hai ngày liền vì nhìn thấy thằng bé, tôi nhận ra bản thân đã nợ con quá nhiều. Mang thai mà còn làm việc điên cuồng, đã vậy còn sinh thiếu tháng. Sinh con được 1 tháng, tôi lại đi công tác hơn 3 tháng liền".
"Tôi thường nói với bảo mẫu rằng cô ấy là người mẹ thứ hai của con tôi. Con trai út gặp vấn đề nhỏ không bao giờ tìm đến tôi. Chẳng hạn như một lần, thằng bé đau bụng trong đêm, còn sốt cao. Nó đã đi tìm bảo mẫu như một thói quen trong khi tôi chỉ biết ngủ".
Con trai út cũng vô cùng hiểu chuyện nghe lời, từ nhỏ đã biết thông cảm cho sự vất vả của mẹ. Khi Trương Nhân hỏi vì sao đau bụng không nói với mẹ, con trai út thành thục nói, ngày mai mẹ phải đi làm, không nên đi tìm mẹ.
Trương Nhân nhận ra đây chính là sự độc lập mà con trai có được trong hoàn cảnh gia đình hiện tại. Bà cho rằng đây vừa là may mắn vừa là thành tựu đáng tự hào.
Do công việc bận rộn, Trương Nhân chỉ có thể dành ít thời gian cho hai đứa con. Cuối tuần cùng nhau ăn một bữa cơm, Trương Nhân đều cố gắng giao tiếp một cách bình đẳng với hai con khi có cơ hội.
Một lần, con trai lớn đột nhiên hỏi về việc mẹ đi bộ hơn 5km đường núi để đi học khi còn nhỏ. Thế là Trương Nhân đã sử dụng thời gian nghỉ phép để sắp xếp cho con trai thực tập tại nhà máy và sắp xếp cho con đến một trường học ở vùng núi xa xôi để trải nghiệm. Sau khi con trai lớn trở về, biểu hiện trưởng thành hơn rất nhiều.
Con trai lấy ra một tấm ảnh nói với Trương Nhân: "Mẹ ơi, bạn này là em út trong nhà, nhưng gia đình quá nghèo, bạn ấy phải nghỉ học giữa chừng, nhưng mỗi ngày bạn ấy đều nằm sấp trước cửa sổ trường học nghe giảng...". Nói xong, con trai lớn khóc nức nở.
Vứt bỏ thân phận giàu có, gác lại trách nhiệm kế thừa gia tộc, chỉ lấy thân phận cha mẹ chăm sóc con cái. Chỉ có vậy, tương lai của con mới thêm phần tươi sáng.
Nuôi dưỡng sự độc lập, hình thành tinh thần phấn đấu cho lý tưởng của con trẻ. Đây cũng là yếu tố chủ đạo trong phương pháp dạy con của người giàu.
Sự giàu có và lịch sử huy hoàng của gia đình không đảm bảo rằng các thế hệ tương lai sẽ không phải lo lắng về cơm áo gạo tiền. Những lợi thế ban đầu thật sự mang lại rất nhiều lợi ích, cũng xem như là “một bước chạm vào chiến thắng từ vạch xuất phát”, nhưng nó không đảm bảo thế hệ thứ hai đều sẽ thành công.
Giống như các bà mẹ khác, Trương Nhân tâm niệm rằng thành công của con cái mang ý nghĩa to lớn hơn nhiều so với thành công trong sự nghiệp.
Nguồn: Paper, 163