Đây là những gợi ý từ bà Tiêu Yến Trinh - CEO công ty tư vấn nhân sự Talentnet trước câu hỏi: "Bộ phận nhân sự (HR) cần phải làm gì để xây dựng nguồn nhân lực 4.0 với những kỹ năng, kiến thức mới và liên tục thay đổi?".
Giữa "cơn bão" số hóa của cuộc cách mạng 4.0, gần như mọi chủ doanh nghiệp đều đòi hỏi bộ phận HR phải có chiến lược để giúp nhân viên sẵn sàng cho thời đại mới. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cần phải làm gì hay bắt đầu từ đâu. Một khảo sát của công ty kiểm toán đa quốc gia PwC vào tháng 9/2021 với trên 4.000 lãnh đạo doanh nghiệp cho thấy chỉ 26% người tham gia tự tin có thể xác định các kỹ năng mà người lao động cần cho tương lai.
Điều này đặt ra một thách thức không hề nhỏ cho bộ phận nhân sự: phải hoạch định các chương trình nâng cao kỹ năng trong khi không thật sự hiểu rõ chúng. Song song đó, những đòi hỏi cao hơn từ người lao động cũng tạo ra những trách nhiệm đè nặng lên vai của người làm nhân sự.
Bà Tiêu Yến Trinh cho rằng, câu chuyện upskill (nâng cao kỹ năng) và reskill (tái đào tạo kỹ năng) là câu chuyện nhức nhối của người nhân sự thời điểm hiện tại. Lý do là bởi sự phát triển của công nghệ dẫn đến bộ kỹ năng thay đổi liên tục, chưa kể việc phải thích ứng với những bất định của thế giới VUCA (biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ) khiến người HR không có thời gian để tái thẩm định bức tranh nguồn nhân lực của doanh nghiệp. "Việc thẩm định bộ kỹ năng cũng như lập chiến lược nguồn nhân lực hằng năm là những đầu việc bắt buộc phải làm của người HR nếu không muốn bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên 4.0", bà Trinh nhấn mạnh.
Đây là bài toán không có công thức giải chung, bởi đặc trưng mỗi ngành nghề, mỗi doanh nghiệp khác nhau sẽ đòi hỏi bộ kỹ năng khác nhau. Tuy nhiên, để "gỡ rối" cho doanh nghiệp và hướng dẫn người HR những bước khởi đầu, bà Trinh đưa ra 3 gợi ý như sau:
Thẩm định các kỹ năng cũ
Bà Trinh cho rằng, để tồn tại trong thế giới 4.0, người lao động không chỉ cần những kỹ năng mới, mà còn phải củng cố những kỹ năng cốt lõi với định nghĩa và yêu cầu đã thay đổi theo thời gian. Nhiều kỹ năng rất quen thuộc như giao tiếp, sáng tạo, lãnh đạo nhưng đặt trong bối cảnh mới lại có đòi hỏi khác. Ví dụ, nếu 10 năm trước, kỹ năng lãnh đạo nghĩa là biết quản lý đội nhóm để đảm bảo kết quả tốt nhất thì hiện tại, lãnh đạo còn phải biết quản trị cảm xúc để xây dựng môi trường làm việc thấu hiểu và chia sẻ.
Để bắt đầu tái thẩm định bộ kỹ năng sẵn có của nguồn nhân lực, người làm nhân sự có thể dựa vào 4 kỹ năng cốt lõi với mô hình 4C - critical thinking (tư duy phản biện), creativity (khả năng sáng tạo), collaboration (kỹ năng hợp tác) và communications (kỹ năng giao tiếp).
Xác định các kỹ năng mới của tương lai
Báo cáo The Future of Jobs 2020 của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy, đến năm 2025, 97 triệu việc làm mới có thể xuất hiện để thích nghi với sự phân công lao động mới giữa con người, máy móc và thuật toán. Trang bị những kỹ năng mới để sẵn sàng cho tương lai của công việc là điều tất yếu.
Theo viện nghiên cứu toàn cầu của công ty tư vấn quản lý McKinsey, nhu cầu về những kỹ năng liên quan đến công nghệ, xã hội và cảm xúc sẽ tăng cao trong tương lai. Với xu hướng số hóa trên mọi lĩnh vực, các công ty cũng như nhân lực cần trang bị kiến thức về những công nghệ mới như blockchain, AI, tự động hóa... Bên cạnh đó, những kỹ năng xã hội hay cảm xúc như khả năng đối diện với nghịch cảnh, khả năng thích ứng hay xây dựng sức bật tinh thần sẽ là những đòi hỏi mới đối với nhân lực trong bối cảnh hiện nay.
Theo khảo sát The Future of Work & Skills do PwC thực hiện, chỉ có 23% lãnh đạo chia sẻ họ thực sự sử dụng dữ liệu để điều chỉnh và dự đoán các lỗ hổng kỹ năng cho doanh nghiệp của mình. Theo bà Trinh, đây là một thực tế cần phải cải thiện.
Việc xây dựng kỹ năng tương ứng với chiến lược kinh doanh của tổ chức mà không có sự hỗ trợ của dữ liệu giống như dò dẫm từng bước trên con đường toàn sương mù. Với ứng dụng công nghệ và khoa học dữ liệu, doanh nghiệp có thể xây dựng một doanh nghiệp linh hoạt dựa trên các kỹ năng. Các ứng dụng của AI hay tự động hóa cũng có thể tạo nên những chương trình đào tạo "đúng người, đúng thời điểm", giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất cho phòng HR và nhân viên.
"Công nghệ là xu hướng tất yếu của thế giới. Vận dụng công nghệ để nâng cao năng lực của nhân viên không chỉ là công việc của phòng IT hay HR, mà cần sự thấu hiểu của cả tổ chức. Trong thế giới công nghệ vẫn sẽ có các công việc cho con người. Nhưng làm thế nào để đảm nhiệm những vị trí đó sẽ là bài toán cho các nhà quản trị nhân lực hiện tại, bắt đầu giải quyết từ việc nâng cao những kỹ năng chỉ con người mới có như sáng tạo, lãnh đạo hay sự thấu cảm", bà Trinh kết luận.