Nikkei Asia dẫn nguồn tin thân cận cho biết Apple đã yêu cầu Foxconn nhanh chóng chuẩn bị để có thể lắp ráp MacBook tại Việt Nam sớm nhất từ tháng 5 năm sau. Để đưa dây chuyền laptop đến đây, Apple đã mất nhiều thời gian sắp xếp cho chuỗi cung ứng phức tạp.
Sau khi dây chuyền laptop đi vào hoạt động, Việt Nam sẽ trở thành nơi xuất xưởng MacBook, Apple Watch và iPad của Apple. Trong khi đó iPhone đang được gia công ở Ấn Độ. Như vậy toàn bộ sản phẩm chủ lực của hãng đều đã có thể sản xuất ngoài Trung Quốc. "Mục tiêu của Apple là tất cả sản phẩm đều có thể chuyển một phần dây chuyền khỏi Trung Quốc", Nikkei Asia bình luận.
Các nguồn tin cho biết việc chuyển một phần dây chuyền MacBook đến Việt Nam đã được Apple chuẩn bị trong gần hai năm. Trước đó, hãng đã bắt đầu vận hành thử nghiệm. Trung bình mỗi năm Apple xuất xưởng khoảng 20-24 triệu laptop. Các nhà máy hiện được đặt tại Thành Đô, Tứ Xuyên và Thượng Hải.
Việc chuyển hướng sang Việt Nam diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung tiếp tục nóng lên. Một số đối tác của Apple tại Trung Quốc cũng đang gặp nhiều bất ổn.
Đối với Trung Quốc, việc mất đi một phần dây chuyền sản xuất MacBook cũng đồng nghĩa vị thế công xưởng của thế giới bị đe dọa. Các công ty công nghệ hàng đầu từ Apple, HP, Dell đến Google và Meta đều đã thực hiện ít nhất một kế hoạch rời Trung Quốc. Trước đó, hầu hết máy chủ trung tâm dữ liệu của Google, Meta, Amazon và Microsoft đã chuyển sang Đài Loan, Mexico hoặc Thái Lan.
Một giám đốc điều hành của Inventec, nhà cung cấp chính cho HP và Dell, cho biết: "Nhìn chung lợi thế nguồn nhân công giá rẻ của Trung Quốc đang phai nhạt. Ngày càng nhiều khách hàng Mỹ muốn tìn đến các nơi khác. Đây là xu hướng đang lớn dần, sẽ không có cách nào ngăn được làn sóng di cư công nghệ khỏi Trung Quốc".
Trong nhiều thập kỷ, Apple coi Trung Quốc là cơ sở lắp ráp quan trọng nhất của mình. Tuy nhiên hồi đầu năm, các nhà máy sản xuất MacBook, iPhone ở Thượng Hải bị phong toả vì Covid-19. Đến tháng 11, Apple lần đầu phát đi cảnh báo, thừa nhận iPhone 14 Pro và 14 Pro Max sẽ bị trễ hẹn với người dùng do các bất ổn tại nhà máy Foxconn Trịnh Châu.
Theo Chiu Shih-fang, nhà phân tích chuỗi cung ứng của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, những thay đổi đối với chuỗi cung ứng công nghệ là tiến trình tất yếu. "Trước đây, hầu hết người trong ngành luôn hy vọng tình hình có thể ổn định và sớm quay lại những ngày tháng tươi đẹp. Nhưng giờ đây, họ đã nhận ra không có cách nào để giải quyết các vấn đề ngoài việc tìm phương án thay thế các nhà máy ở Trung Quốc", Shih-fang nói.
Ông cho rằng Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình di cư công nghệ khỏi Trung Quốc. "Không ai muốn doanh nghiệp của mình mắc kẹt và bị ảnh hưởng vì quá tập trung vào một chỗ. Từ lớn đến nhỏ, các nhà sản xuất giờ đây đều cần có giải pháp để đối mặt với thực tế toàn cầu mới này", ông nhận định.
Làn sóng chuyển dịch đến Việt Nam của Apple bắt đầu từ việc vận hành dây chuyền sản xuất AirPods năm 2020. Đến năm 2022, công ty cũng bắt đầu chuyển thêm một số dây chuyền làm iPad và Apple Watch. Tuần này, nguồn tin của Bloomberg cho biết Apple cũng có thể sản xuất Mac Pro tại Việt Nam. Mac Pro là dòng máy tính cao cấp nhất của hãng với mức giá có thể lên đến hơn một tỷ đồng. Đây là sản phẩn duy nhất của Apple vẫn dùng chip Intel, đồng thời là sản phẩm hiếm hoi giữ mác "Made in USA".
Apple và Foxconn đều chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
(theo Nikkei Asia)