Từ khi iPhone X ra mắt năm 2017, Apple chưa từng tăng giá khởi điểm con át chủ bài của mình. Công ty thực hiện một số điều chỉnh về bộ nhớ cũng như giới thiệu các phiên bản cỡ lớn như Pro Max. Năm 2023, iPhone 15 Pro Max tăng giá 100 USD nhưng loại bỏ bản dung lượng thấp nhất.
Tuy nhiên, với việc Mỹ áp thuế lên hầu hết các địa bàn sản xuất của Apple, các chuyên gia tin rằng “táo khuyết” khó duy trì giá bán cũ. Câu hỏi quan trọng hơn là mức tăng bao nhiêu và người tiêu dùng sẽ phản ứng như thế nào?
Ngưỡng 999 USD hiện tại là một ngưỡng tâm lý học mà nhiều khách hàng có lẽ không muốn vượt qua.
Đó là lý do Apple đã cố gắng hết sức để duy trì mốc 999 USD này. Khi Tổng thống Donald Trump áp thuế trong nhiệm kỳ đầu tiên, CEO Tim Cook thuyết phục ông miễn trừ iPhone. Apple cũng tiến hành đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc nhằm tránh xa những tranh chấp thương mại. Điều này dẫn đến các dây chuyền sản xuất mới ở Ấn Độ, Việt Nam, Malaysia, Brazil và Thái Lan.

Khi Covid hoành hành năm 2020, nỗ lực càng được đẩy mạnh. Dịch bệnh và phong toả khiến cho Apple nhận thức rõ bỏ trứng vào một giỏ chưa bao giờ là điều lý tưởng. Ngoài ra, còn có sức ép từ lạm phát Mỹ, song Apple vẫn kiên trì với chiến lược giá của mình.
Đòn thuế quan mới nhất là phép thử lớn nhất với nhà sản xuất iPhone, đặc biệt khi nó không chỉ đánh vào Trung Quốc mà mọi quốc gia khác nơi hãng đang có hoạt động.
Đó là Ấn Độ, nơi sản xuất iPhone và iPad; Việt Nam, nơi sản xuất AirPods, iPad, Apple Watch, MacBook; Malaysia và Thái Lan, nơi sản xuất MacBook; Ireland, nơi sản xuất iMac; Indonesia, sắp sản xuất AirTag.
Theo hãng tin Bloomberg, vẫn còn cơ hội để Cook xin được một số lệnh miễn trừ hoặc các quốc gia đàm phán được các điều khoản tốt hơn. Song, giả định mức thuế mới có hiệu lực từ ngày 9/4 như kế hoạch, Apple cần phải ra quyết định quan trọng: tự mình hấp thụ thuế suất mới, ép nhà cung ứng giảm giá, chuyển chi phí sang khách hàng hay một lần nữa điều chỉnh chuỗi cung ứng. Với biên lợi nhuận phần cứng lên tới 45%, Apple vẫn có thể nhượng bộ nếu cần thiết.
Bloomberg cho biết, cũng như nhiều hãng khác, Apple đã tích trữ hàng tồn kho tại Mỹ trong nhiều tháng qua để đối phó với thuế quan. Những hàng hóa đã cập bến Mỹ không phải đối tượng chịu thuế. Vì vậy, về lý thuyết, công ty có thể chờ đến iPhone tiếp theo để điều chỉnh giá. Tuy nhiên, nhược điểm là giá bán mới sẽ trở thành tâm điểm hơn là những nâng cấp trên thiết bị.
Nhìn ra thị trường toàn cầu, Apple không hề do dự khi tăng giá iPhone để phản ứng trước các chính sách thuế, biến động tiền tệ và lạm phát. Chẳng hạn, năm 2022, hãng tăng giá iPhone do đồng Yên Nhật yếu. Cùng năm, giá iPad và các sản phẩm khác ở châu Âu và Anh cũng tăng do lạm phát. Hậu Brexit, giá MacBook ở Anh cũng tăng đáng kể.
Liên quan đến chuỗi cung ứng, Apple có thể xem xét tăng sản xuất tại Brazil, nơi ông Trump chỉ áp thuế 10%. Song, dây chuyền ở đây rất nhỏ so với tại châu Á, một kế hoạch như vậy sẽ vô cùng tốn kém. Bên cạnh đó, còn có những câu hỏi về năng lực sản xuất những mẫu máy phức tạp như iPhone Pro Max tại Brazil. Hiện tại, nước này chỉ tập trung vào dòng cơ bản.
Trong bất kỳ trước hợp nào, rất ít có khả năng Apple đưa sản xuất trở lại Mỹ trong vài năm tới. Bloomberg ước tính ít nhất phải mất 5 năm để làm được điều đó, chưa kể chi phí sản xuất iPhone có thể tăng gấp đôi - điều mà cả Apple lẫn người tiêu dùng đều không mong muốn.
(Theo Bloomberg, CNBC)