Sau nới room tín dụng, áp lực lãi suất vẫn hiện hữu
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã chính thức điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các ngân hàng, mức nới room cao nhất lên tới 4% dành cho Sacombank. Ngoài ra, Agribank được nới room thêm 3,5% từ ngưỡng 7%; MB được cấp thêm 3,2%; OCB thêm 3,1%; Vietcombank thêm 2,7%; TPBank thêm 1,2%;...
Theo các chuyên gia của SSI Research, sau khi hạn mức tín dụng được nới, áp lực tăng lãi suất huy động trong nửa cuối năm 2022 là hiện hữu, do chênh lệch tăng trưởng tín dụng – tiền gửi hiện ở mức cao và tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước có thể không còn dồi dào nếu đầu tư công bắt đầu được đẩy mạnh.
SSI Research kỳ vọng lãi suất huy động có thể tăng thêm 0,5 - 0,7 điểm cơ bản sau khi nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Cả năm, lãi suất huy động kỳ vọng tăng 1 – 1,5%.
Trên thực tế, trong tháng 9/2022, giữa bối cảnh nhu cầu tín dụng tăng cao, Fed tăng lãi suất và bài phát biểu “diều hâu” của chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell, lãi suất đang có xu hướng tăng tại nhiều ngân hàng, có ngân hàng lãi suất lên đến gần 9%/năm (tại ABBank kỳ hạn 13 tháng lãi suất 8,8%/năm)
Một số ngân hàng có mức lãi suất vượt mức 7%/năm như CBBank ở mức 7,5%/năm tại kỳ hạn 13-60 tháng, DongA Bank với mức lãi là 7,4%/năm tại kỳ hạn 13 tháng (tăng 0,3 điểm % so với tháng trước. SCB và KienLongBank cũng có mức lãi suất cao nhất là 7,3%/năm áp dụng với mọi khoản tiền gửi.
Mặt bằng lãi suất tiền gửi đầu vào tăng sẽ kéo theo lãi suất đầu ra tăng theo. Tại tọa đàm "Đầu tư tài chính 2022" mới đâyTS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định: "Hãy để mặt bằng lãi suất cho vay tăng khoảng 1%-1,5% từ nay đến cuối năm để kiểm soát lạm phát, đồng thời khẩn trương giúp Chính phủ thực hiện các gói hỗ trợ kinh tế, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ."
Đến ngày 26/8/2022, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 9,91% so với cuối năm 2021,.
Hay trước đó, Founder & CEO WiGroup, ông Trần Ngọc Báu dự báo mặt bằng chung lãi suất sẽ tăng khoảng 0,5 điểm % từ nay đến cuối năm do áp lực tỷ giá đến thanh khoản và thị trường 2 và chênh lệch tín dụng - huy động tăng lên mức báo động.
Theo đó, từ năm 2013 đến nay, con số tiền gửi luôn cao hơn tín dụng, tuy nhiên đến giai đoạn này, lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng bắt đầu ít hơn lượng tín dụng mà các ngân hàng thương mại cho vay ra. Số liệu do CEO Wigroup cung cấp cho thấy mặt bằng chung lãi suất của các ngân hàng lớn đã tăng khoảng 1,1 điểm % từ 4,5% lên 5,6%. Đối với các ngân hàng nhỏ hơn, ít áp lực hơn, lãi suất tăng đâu đó khoảng 0,5 điểm %.
Trong khi đó, các ngân hàng quốc doanh muốn tăng lãi suất thì phải được sự cấp phép của NHNN, nên về cơ bản lãi suất của các ngân hàng này không đổi. ông Báu cho rằng chính việc ghìm lãi suất của hệ thống ngân hàng TMCP Nhà nước sẽ làm chênh lệch tăng trưởng huy động và tín dụng nâng lên rất cao.
Tổng Giám Đốc AFA Capital, ông Nguyễn Minh Tuấn cũng cho rằng cần quan sát rất kỹ chênh lệch tăng trưởng tín dụng - huy động, tránh để xảy ra cuộc đua về lãi suất huy động.
"Nếu vai trò can thiệp về thanh khoản của NHNN không tốt ở giai đoạn này, việc hút tiền ra quá nhiều vượt trần OMO sẽ khiến các ngân hàng có xu hướng tăng lãi suất huy động lên, dẫn đến rủi ro cho thị trường tài chính," ông Tuấn cho hay.
Biến động tăng lãi suất vẫn trong tầm kiểm soát
Trong nửa đầu năm 2022, NHNN cho biết đã duy trì mặt bằng lãi suất phù hợp xuyên suốt nửa đầu năm 2022 nhằm hỗ trợ việc phục hồi kinh tế. Trước những áp lực về lạm phát và tỷ giá tăng nhanh trong quý II, NHNN đã sử dụng công cụ bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối nhằm có thể ổn định thị trường và hạn chế việc tác động lên mặt bằng lãi suất.
Phát biểu tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết việc điều hành lãi suất của ngân hàng trung ương lúc này phải được tính toán rất chặt chẽ. Bài toán đặt ra lúc này là vừa kiểm soát lạm phát vừa hỗ trợ được nền kinh tế. Do đó, chính sách tiền tệ vẫn phải điều hành hết sức linh hoạt.
Ông cho biết trong bối cảnh các Ngân hàng Trung ương tăng nhanh lãi suất mà Việt Nam vẫn giữ nguyên được lãi suất, cũng có thể coi là hạ lãi suất so với thế giới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được vay lãi suất với mức giá rẻ hơn
Dù vậy, ông Tú cho rằng, việc điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước lúc này phải được tính toán rất chặt chẽ. Bài toán đặt ra là vừa kiểm soát lạm phát vừa hỗ trợ được nền kinh tế. Do đó, chính sách tiền tệ vẫn phải điều hành hết sức linh hoạt.
“Với các ngân hàng thương mại, biến động tăng nhẹ lãi suất cả huy động và cho vay trong thời gian gần đây vẫn trong tầm kiểm soát, thấp nhất với các nước trong khu vực. Lãi suất cho vay bình quân hiện chỉ ở mức 7,9-9,3%,lãi suất huy động vẫn duy trì ở mức khá ổn định”, Phó Thống đốc nhận định.