Đầu tháng 7, đoàn công tác của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam - PVN) đã có buổi làm việc với các đơn vị trong chuỗi khí - điện - đạm về tình hình cung cầu khí khu vực Đông - Tây Nam Bộ cùng các giải pháp cân đối, xử lý các khó khăn hiện tại.
Báo cáo của các đơn vị cho thấy, bối cảnh chung là nguồn khí trong nước đang trong xu hướng suy giảm mạnh, việc phát triển mỏ Sư Tử Trắng pha 2B (đối với khu vực Đông Nam bộ) và gia hạn PM3-CAA và các mỏ nhỏ cận biên (đối với khu vực Tây Nam bộ) có vai trò quan trọng trong việc hạn chế mức độ suy giảm nguồn cung khí trong nước và đáp ứng nhu cầu.
Cụ thể, đối với khu vực Đông Nam Bộ, nếu không có các hộ tiêu thụ quy mô lớn mới và các nhà máy điện huy động như mức 2023 - 2024 thì LNG từ hai kho Thị Vải (3 triệu tấn) và Sơn Mỹ (6 triệu tấn) sẽ đáp ứng đủ nhu cầu khí.
Đối với khu vực Tây Nam Bộ, nếu phát triển các mỏ nhỏ cận biên thì nguồn cung khí cho các hộ tiêu thụ tại Cà Mau chỉ đáp ứng đủ đến năm 2030, do đó lãnh đạo các đơn vị cho hay vấn đề đặt ra là cần có đánh giá tổng thể và có lộ trình phát triển nguồn khí trong dài hạn như: gia hạn PM3 - CAA, phát triển các mỏ nhỏ, mua khí từ Petronas, bổ sung nguồn LNG,...
Báo cáo của các doanh nghiệp cũng cho biết, việc huy động khí trong năm luôn có tính chu kỳ, trong đó việc huy động điện khí cao trong mùa khô, rất thấp trong mùa mưa dẫn đến việc điều độ nguồn khí cần phải có sự thích ứng, kể cả giai đoạn sản lượng khí LNG tăng dần trong dài hạn.
Về nhu cầu điện được dự báo tăng trưởng trong dài hạn và tăng trưởng công suất phát điện không theo kịp thì sẽ buộc phải tăng cường huy động các nhà máy điện khí do vậy việc phát triển nguồn khí, đặc biệt LNG là cần thiết, nhất là khi nguồn khí trong nước suy giảm.
Tuy nhiên, theo chia sẻ việc phát triển các dự án LNG đang gặp nhiều khó khăn liên quan cơ chế chính sách... Và bức tranh điều hành sản xuất kinh doanh của PV Power cũng rất khó khăn trước tình trạng thiếu khí và cơ chế huy động điện hiện nay.
Theo thông tin từ cuộc gặp, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau cũng rơi vào khó khăn tương tự trước vấn đề nguồn nguyên liệu khí và giá khí đang có nhiều khó khăn, biến động.
Theo các đơn vị, hiện giá khí cho sản xuất của hai nhà máy đạm khá cao so với giá khí cho các nhà máy ở các nước lân cận, gây ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Tổng Giám đốc PVN Lê Ngọc Sơn cho biết, hiện trạng cung khí cho cả hai khu vực Đông - Tây Nam Bộ đang trên đà suy giảm và thiếu hụt, hoạt động chuỗi đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Giải pháp được đưa ra để đảm bảo nguồn cung khí đó là phát triển mỏ nhỏ và LNG. Về ngắn hạn, Tổng Giám đốc PVN đề nghị cần tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo hiệu quả chung cho chuỗi, tránh những thiệt hại lớn. Về lâu dài cần kiến nghị các cấp thẩm quyền xây dựng cơ chế chính sách cho công nghiệp khí.
PV Power ảnh hưởng như thế nào?
EVN đã lên kế hoạch huy động hạn chế cho các nhà máy điện khí của PV Power từ đầu năm do nguồn khí nội địa giá rẻ ở mỏ Đông Nam Bộ dần cạn kiệt và EVN đang ưu tiên điện than.
Chứng khoán VCBS cho biết rủi ro thiếu khí cho các nhà máy điện như Nhơn Trạch 1&2 của PV Power vào mùa khô trong năm 2024 vẫn còn hiện hữu. Còn nguồn cung khí cho sản xuất điện tại khu vực Tây Nam Bộ vẫn đảm bảo cho hoạt động của các nhà máy khí Cà Mau 1&2 huy động ở mức sản lượng cao.
Nhà máy Nhơn Trạch 2 của PV Power, A0 đã cắt giảm đáng kể sản lượng theo kế hoạch 2024 xuống còn 2,6 tỷ kWh, giảm 61% so với thực hiện 2023. Điều này báo hiệu nhà máy sẽ chỉ nhận huy động hạn chế trong năm 2024.
Tại buổi họp ĐHĐCĐ thường niên, lãnh đạo CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (Mã: NT2) cho biết mặc dù nguồn cung khí nội địa ở khu vực Đông Nam Bộ đang suy giảm, nguồn cung khí cam kết bao tiêu cho Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 hết hạn vào năm 2024 và 2025 sẽ đảm bảo cung cấp đủ khí cho NT2 theo hợp đồng cung cấp khí đã ký với PV GAS.
Với nguồn cung cấp khí đầy đủ, NT2 kỳ vọng sản lượng điện thương phẩm năm 2025 sẽ quay trở lại mức trung bình 10 năm là 4 tỷ kWh.
Thậm chí lãnh đạo NT2 tự tin cạnh tranh với Nhơn Trạch 3 và 4 trên thị trường phát điện cạnh tranh do giá khí thấp hơn dù hiệu suất thấp hơn.
Còn về hai nhà máy mới, tại buổi họp ĐHĐCĐ thường niên, ông Lê Như Linh - Tổng Giám đốc PV Power thông tin Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 nằm ở Đông Nam Bộ - nơi mà sắp tới 9 nhà máy điện khác không có nguồn khí trong nước khi đang suy giảm rất nhanh.
"Các nhà máy ở đây không ai cạnh tranh được với Nhơn Trạch 3 và 4. Nếu như có LNG về Đông Nam Bộ thì ưu tiên số 1 cho Nhơn Trạch 3 và 4", lãnh đạo cho hay.
Doanh nghiệp phân bón bị tác động ra sao?
Hợp đồng khí giữa PV GAS và Đạm Phú Mỹ năm 2024 được chấp thuận với sản lượng khí dự kiến là 22,1 triệu mmbtu với giá khí ước tính đạt 9,7 USD/mmbtu.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Đạm Phú Mỹ, chi phí vận chuyển khí dự kiến sẽ duy trì ở mức 4,5 USD/mmbtu, đi ngang so với cùng kỳ trong năm 2024.
Do bể khí Cửu Long dần cạn kiệt và nhu cầu cao hơn từ các nhà máy điện, Đạm Phú Mỹ chưa ký được hợp đồng khí dài hạn. Như vậy, phía SSI Research thông tin Đạm Phú Mỹ khó xác định được chi phí khí đầu vào dài hạn và trong trường hợp thiếu khí, khả năng công ty có thể phải sử dụng nguồn LNG nhập khẩu đắt hơn khoảng 20-30% so với nguồn khí nội địa hiện tại.
Trong khi đó, SSI Research cho biết hợp đồng giá khí của Đạm Cà Mau đã được ký kết dài hạn (đến năm 2029), nên việc cạn kiệt nguồn khí sẽ ít tác động đến Đạm Cà Mau hơn so với Đạm Phú Mỹ.