Năm 2019, tổ chức về sức khỏe tinh thần nam giới Movember khảo sát 4.000 người tại nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Anh, Đức. Kết quả cho thấy 53% nam giới trong độ tuổi 18-34 áp lực phải trở nên nam tính. 36% mệt mỏi vì phải cư xử mạnh mẽ và có đến 58% tin rằng xã hội mong đợi họ phải mạnh mẽ về cảm xúc, không được khóc, không tỏ ra yếu đuối. 22% cho biết họ thường xuyên hoặc luôn luôn bị những người xung quanh chế nhạo vì không đủ nam tính.
Có một thuật ngữ riêng dành cho tư tưởng này gọi là "man box". Theo đó, đàn ông được kỳ vọng là những người mạnh mẽ, thành đạt, thống trị, không sợ hãi, biết kiểm soát và quan trọng nhất là không để lộ cảm xúc. Tư tưởng này xuất phát từ hàng nghìn năm tiến hóa. Hầu hết những cuộc săn bắn, hái lượm đều cho đàn ông thực hiện. Nếu một người không khỏe mạnh về thể chất, họ sẽ bị động vật ăn thịt ăn thịt. Họ cần chạy nhanh, ẩn nấp nhanh hơn, tấn công trước khi bị tấn công. Khi xã hội có giai cấp, tư tưởng "đàn ông xây nhà", tiền trong túi cần rủng rỉnh, tiếp tục thịnh hành và dần dần tồn tại cho đến ngày nay.
Ở phía đối diện, phụ nữ hiện đại đang thành công trong việc giải phóng bản thân khỏi những khuôn phép truyền thống. Họ tham gia nhiều hơn vào việc công, chính trị, kinh tế và giữ nhiều vị trí quan trọng. Trong khi đó, nam giới vẫn bị "đóng đinh" với những quan điểm cũ. Điều này sinh ra những tư tưởng nam tính độc hại và trở thành nguyên nhân chính gây áp lực lên cuộc sống của nam giới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tư tưởng này đã lỗi thời, trở thành gánh nặng cho nam giới và cần được thay đổi. Nhiều nam giới hiện đại cũng bắt đầu nhận ra những áp lực bản thân đang gánh chịu.
Varun, 59 tuổi, người Ấn Độ, đang làm Trưởng bộ phận mua sắm của một công ty lớn. Ở độ tuổi của mình, nhiều người cho rằng ông thành công khi có vợ, con và công việc với mức lương khá cao. Người đàn ông lại cảm thấy cuộc đời mình toàn áp lực kể từ khi bản thân bắt đầu ra trường và lăn lộn với cuộc sống.
Khi còn trên ghế nhà trường, ông Varun tự minh làm thêm để trả học phí. Ra trường, ông áp lực vì phải kiếm một công việc ổn định, lương khá. Sau đó vài năm, ông liên tục bị bạn bè hỏi về việc kết hôn, sinh con. Sau này, khi đã lập gia đình, người đàn ông thấy những giây phút vui vẻ cũng chẳng nhiều vì áp lực kinh tế phải làm trụ cột gia đình, làm chồng tốt, cha tốt. "Tôi không được phép nghỉ việc vì phải nuôi cả gia đình. Thực tế, bỏ cuộc chưa bao giờ là một lựa chọn của đàn ông. Những người bỏ cuộc sẽ bị gọi là thất bại. Chúng tôi bị đóng đinh là phải cứng rắn và tiếp tục, không có lựa chọn khác", ông chia sẻ.
Cũng vì tâm lý sợ bị đánh giá không đủ nam tính, rất ít người có thể chia sẻ thoải mái về những áp lực gặp phải. Khảo sát của Movember chỉ ra rằng 77% nam giới tin rằng họ sẽ khá hơn nếu có thể nói chuyện với những người xung quanh nhưng quá nửa trong số đó chọn cách im lặng vì sợ định kiến, sợ bộc lộ điểm yếu.
Theo các chuyên gia, cách để giúp nam giới tự thoát khỏi những áp lực của xã hội nằm ở việc họ chấp nhận cởi mở hơn với những người xung quanh, chia sẻ câu chuyện của mình và tìm kiếm sự đồng cảm. Nếu ngại chia sẻ với người thân, nam giới cũng có thể tìm đến những buổi tư vấn của chuyên gia tâm lý, hoặc tham gia những chuyên đề online về sức khỏe tinh thần nam giới như eBox SuccessMan - từ áp lực đến thành công.
Đây là lần đầu tiên eBox tổ chức chuyên đề nhằm giải quyết những vấn đề áp lực cuộc sống của đàn ông hiện đại. Dàn diễn giả gồm các chuyên gia như Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội, PGS. TS Trần Thành Nam - Phó chủ tịch Hội khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, ông Đinh Tiến Dũng (giáo sư Xoay) và Hiếu PC sẽ mang đến những câu chuyện thực tế, sâu sắc về áp lực thành công của nam giới ngày nay. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên, cách giúp nam giới kiểm soát, chiến thắng áp lực.
eBox SuccessMan - từ áp lực đến thành công lên sóng từ 12-14/1/2023 gồm nhiều video chia sẻ và một buổi livestream để khán giả đặt câu hỏi trực tiếp cho diễn giả. Đây là cơ hội để nam giới - những người đang chịu những áp lực khó nói có dịp giải bày, tìm con đường chinh phục thành công. Chương trình bắt đầu mở bán vé từ 21/12/2022. Mức giá tham gia hiện là 239.000 đồng.