Doanh nghiệp

Áp dụng công nghệ mới để phát triển ngành mía đường

Việt Nam là quốc gia gặp phải tác động kép của biến đổi khí hậu nhiều năm qua, trong đó nặng nề nhất là miền Tây hạn mặn và miền Trung khô cạn. Những bất ổn của thời tiết, thiên nhiên khiến giá cả nông sản trong đó có ngành mía đường chịu tác động nặng nề. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, diện tích mía 3 niên vụ giảm liên tiếp, từ hơn 190.000 ha niên vụ 2018-2019 còn gần 129.000 ha niên vụ 2020-2021. Số lượng nhà máy sản xuất đường chỉ còn 24 nhà máy (riêng tại Nam Trung Bộ, số lượng nhà máy giảm từ 9 xuống còn 6 nhà máy).

Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, ngành đường Việt Nam đã hoàn thành niên vụ mía 2020-2021. Toàn ngành đã ép được 6,7 triệu tấn mía, sản lượng 689.830 tấn đường, thấp hơn niên vụ 2019-2020. Trong niên vụ 2020-2021, mặc dù giá mía nguyên liệu có tăng khoảng từ 150.000 đến 200.000 đồng mỗi tấn so với niên vụ trước, nhưng vẫn là năm khó khăn chung của ngành mía đường.

JVF và QNS đều nhận định, một trong những giải pháp để phát triển vượt bậc, ngành mía đường Việt Nam rất cần những liên doanh hợp tác để cùng nhau thúc đẩy và đưa ra những hướng phát triển mới, đặc biệt là áp dụng những công nghệ mới trong ngành mía đường.

Hợp tác mang đến công nghệ mới cho ngành mía đường

Mới đây, hợp tác chiến lược giữa Công ty Phân bón Việt Nhật (JVF) và Công ty CP Đường Quảng Ngãi (QNS) được kỳ vọng mang đến sự thay đổi cho ngành mía đường thông qua các giải pháp công nghệ.

Hợp tác chiến lược giữa Công ty Phân bón Việt Nhật (JVF) và Công ty CP Đường Quảng Ngãi (QNS).

Hợp tác chiến lược giữa Công ty Phân bón Việt Nhật (JVF) và Công ty CP Đường Quảng Ngãi (QNS).

Trong nhiều nội dung thoả thuận giữa các bên là việc xây dựng bản đồ hiện trạng dinh dưỡng đất trên vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai. Sau 10 năm liên tục lấy mẫu đất trên vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai để phân tích và lập bản đồ hiện trạng dinh dưỡng đất, cuối năm 2020, JVF đã bàn giao bản đồ hiện trạng đất của vùng nguyên liệu mía lớn nhất nước cho QNS.

Từ bản đồ hiện trạng này, Nhà máy Đường An Khê (Gia Lai), đơn vị trực thuộc QNS khuyến cáo nông dân sản xuất kinh doanh mía trên địa bàn vùng nguyên mía nằm trên 4 huyện, thị Đông Gia Lai: KBang, An Khê, Đăk Pơ, Kông Chro sử dụng phân bón hợp lý để phát triển vùng nguyên liệu theo hướng bền vững, giảm giá thành, tăng hiệu quả kinh tế và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, JVF cũng sản xuất phân bón với công thức phù hợp với thổ nhưỡng của vùng nguyên liệu dựa theo bản đồ hiện trạng này. Giải pháp này đặc biệt giúp cho nông dân tiết kiệm được chi phí bón phân cho cây mía, nhất là trong bối cảnh phân bón tăng giá như hiện nay.

Không dừng lại tại đó, tháng 12/2021, hợp tác QNS, JVF và Ricult đã trở thành dự án đầu tiên đưa chương trình kỹ thuật số của Ricult vào canh tác mía đường cho vùng nguyên liệu nhà máy Đường An Khê (QNS) tại Gia Lai theo chương trình hợp tác chiến lược ba bên.

JVF và QNS nhận định, ngành mía đường Việt Nam cần những liên doanh hợp tác để cùng nhau thúc đẩy và đưa ra những hướng phát triển mới.

JVF và QNS nhận định, ngành mía đường Việt Nam cần những liên doanh hợp tác để cùng nhau thúc đẩy và đưa ra những hướng phát triển mới.

Công nghệ quản lý vùng nguyên liệu mía đường từ Ricult

Ricult là công ty khởi nghiệp của Mỹ được thành lập bởi các kỹ sư từ học viện công nghệ Massachusetts (MIT). Cùng với sự đầu tư từ tập đoàn Sojitz (JVF cũng có cổ phần đầu tư từ tập đoàn này), Ricult đang trở thành nhà cung cấp các giải pháp công nghệ, tài chính cho nông nghiệp sử dụng nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (Machine learning). Công ty có trụ sở chính tại Boston, Mỹ và hiện cung cấp dịch vụ cho hơn 400.000 nông dân và doanh nghiệp tại Thái Lan và Pakistan.

Các giải pháp của Ricult đưa ra từ việc sử dụng dữ liệu hình ảnh vệ tinh, thời tiết và dữ liệu nông học đặc thù tại mỗi địa phương. Doanh nghiệp cung cấp các giải pháp trên nền tảng đa phương tiện giúp doanh nghiệp và nông dân dễ tiếp cận và triển khai áp dụng. Đặc biệt, nông dân được miễn phí sử dụng nền tảng trên ứng dụng từ điện thoại thông minh.

Giải pháp công nghệ từ Ricult là tổ hợp nhiều ứng dụng cho các cấp quản lý và sử dụng khác nhau trên điện thoại thông minh, bao gồm:

Ứng dụng cho nhà quản lý (công ty mía đường) - Ricult X. Với giao diện dễ dàng Ricult X sẽ quản lý và truy cập tất cả dữ liệu một cách cụ thể. Ứng dụng giúp lập hồ sơ dữ liệu nông dân, lập hồ sơ dữ liệu trang trại, chỉ số sức khỏe trang trại, chế độ xem bản đồ, các giai đoạn phát triển của cây trồng, ước tính lợi nhuận...

Ứng dụng cho các nhân viên của công ty mía đường (nông vụ) – Ricult Agent dành cho các đại lý để thu thập dữ liệu của nông dân và quản lý vòng đời cây trồng của nông dân. Ricult Agent giúp nhân viên công ty mía đường thu thập thông tin như tên nông dân, vị trí, chi tiết liên hệ và các tính năng đăng ký đại lý...

Ứng dụng miễn phí cho nông dân – Ricult Farmer hỗ trợ nông dân trong hoạt động canh tác như số hóa nông trại, kiểm tra thời tiết... Ricult sẽ giúp cho bà con nông dân tối ưu các hoạt động canh tác như, kịp thời nắm bắt diễn biến trên cánh đồng mía của mình. Cụ thể, ứng dụng xác định thời điểm làm đất, bón phân, phun thuốc và thu hoạch từ kết quả dự báo thời tiết tại từng khu vực; nghiệm thu diện tích ruộng mía sau khi triển khai hợp đồng đầu tư thông qua khả năng đo đạc và phân biệt diện tích trồng mía với diện tích có cây trồng khác; phát hiện những bất thường trên đồng ruộng giúp dễ dàng theo dõi và đánh giá tình hình sinh trưởng của mía trên diện rộng hoặc trên từng thửa ruộng của nông dân, sớm phát hiện được các rủi ro và thiệt hại.

Bên cạnh đó, Ricult Farmer còn dự báo năng suất với độ chính xác cao; khảo sát vị trí và đánh giá vùng nguyên liệu trên diện rộng, ước tính được thời điểm mía chín cùng diện tích tương ứng để có được chiến lược thu mua phù hợp.

"Thông qua những tính năng từ các ứng dụng của Ricult, các doanh nghiệp mía đường như QNS cũng sẽ dễ dàng quản lý được vùng nguyên liệu với những dữ liệu tức thời và chính xác. Từ đấy, mối quan hệ hợp tác, trao đổi thông tin với bà con nông dân sẽ được sâu sát, liên tục và ngày càng hiệu quả", chuyên gia nông nghiệp Lê Vĩnh Hùng của JVF chia sẻ.


Ảnh: QNS

Cùng chuyên mục

Đọc thêm