Châu Âu vào ban đêm khi được vệ tinh Suomi NPP chụp lại - Ảnh: NASA
Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Science Advances, ánh sáng xanh từ các nguồn nhân tạo đang gia tăng, có thể gây ra những hậu quả tiêu cực cho sức khỏe con người, cũng như ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Exeter (Anh) đã xác định được sự thay đổi trong loại vật liệu chiếu sáng mà các nước châu Âu đang sử dụng vào ban đêm để cung cấp ánh sáng cho đường sá và các tòa nhà. Từ hình ảnh mà Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) chụp được, các học giả nhận thấy khí thải màu cam từ các đèn natri cũ đang nhanh chóng bị thay thế bằng khí thải màu trắng do đèn LED tạo ra.
Dẫu cho ánh sáng đèn LED tiết kiệm năng lượng và chi phí vận hành, các nhà nghiên cứu cho biết sự gia tăng bức xạ ánh sáng xanh gây ra "tác động sinh học đáng kể" trên khắp lục địa. Nghiên cứu cũng tuyên bố rằng các nghiên cứu trước đây về tác động của ô nhiễm ánh sáng đã đánh giá thấp tác động của bức xạ ánh sáng xanh.
Đứng đầu trong số các hậu quả về sức khỏe của ánh sáng xanh là khả năng ngăn chặn việc sản xuất melatonin, hormone điều chỉnh mô hình giấc ngủ ở người và các sinh vật khác. Nhiều nghiên cứu khoa học đã cảnh báo là sự tăng cường tiếp xúc với ánh sáng xanh nhân tạo có thể ảnh hưởng xấu đến thói quen ngủ của mọi người, do đó có thể dẫn đến một loạt các tình trạng sức khỏe mãn tính theo thời gian.
Sự gia tăng bức xạ ánh sáng xanh ở châu Âu cũng làm giảm khả năng hiển thị của các ngôi sao trên bầu trời đêm, điều mà nghiên cứu cho rằng "có thể có tác động đến cảm giác tự nhiên của con người". Ánh sáng xanh cũng có thể làm thay đổi các kiểu hành vi của động vật bao gồm dơi và bướm đêm, vì nó có thể thay đổi chuyển động dựa vào nguồn sáng của chúng.
Vương quốc Anh nằm trong số các quốc gia được chọn ra trong nghiên cứu vì bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tác động của việc chuyển đổi sang chiếu sáng ban đêm bằng đèn LED, đặc biệt là nguy cơ ức chế melatonin. Năm 2019, 51% đèn đường ở Anh là đèn LED.
Ý, Romania, Ireland và Tây Ban Nha cũng được xác định là các quốc gia dễ bị ảnh hưởng trước tác động của bức xạ ánh sáng xanh do gần đây họ đã chuyển đổi sang đèn ngủ LED. Các tác động đã được cảm nhận ít hơn nhiều ở các quốc gia như Áo và Đức, những quốc gia vẫn cung cấp phần lớn ánh sáng ban đêm bằng cách sử dụng khí ga và bóng đèn huỳnh quang cũ hơn.
Ông Darren Evans - giáo sư sinh thái và bảo tồn tại Đại học Newcastle (Úc), nhận xét đây là "một công trình khoa học phi thường", và cho biết nó phù hợp với những phát hiện của riêng ông về cách ánh sáng đường phố địa phương đã làm giảm đáng kể sự phong phú của quần thể côn trùng ăn đêm.
Còn ông David Smith, thuộc tổ chức từ thiện bảo tồn Buglife, bình luận: "Ô nhiễm ánh sáng có thể ảnh hưởng đáng kể đến các loài động vật không xương sống, cho dù đó là cách chúng sinh hoạt hằng ngày, hay thậm chí là làm giảm số lượng các loài sống trong môi trường sống được chiếu sáng bằng đèn LED.
Do động vật không xương sống đang bị sụt giảm nghiêm trọng, nên điều tất yếu ở đây là chúng ta phải giải tỏa chúng khỏi mọi áp lực để mang lại cơ hội phục hồi tốt nhất".
Ông Smith thúc giục chính phủ Anh đưa ra các mục tiêu quốc gia để giảm mức độ ô nhiễm ánh sáng, nói rằng việc đo lường ở nước này là chắp vá và thiếu phối hợp.
"Chúng ta nên xem xét đến nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống hơn là chỉ tập trung vào lợi ích của con người, làm sao để hài hòa hơn với thế giới tự nhiên", ông khuyến cáo.
Các hội đồng ở Anh đang cố gắng giảm tác động của ánh sáng LED và giáo sư Evans cho biết đây là "dấu hiệu đáng khích lệ" cho thấy hành động đang được thực hiện.
Một số địa phương ở Anh đang làm mờ đèn vào ban đêm và đang thay đổi băng thông của bóng đèn LED để tạo ra ánh sáng xanh ít độc hại hơn, như đã thấy ở Isle of Wight, nơi sử dụng bóng đèn ấm hơn phát ra ít ánh sáng xanh hơn.