Trong hơn mười năm, Tống Viễn Thăng đã có nhiều công trình nghiên cứu thành công trong sự nghiệp của mình. Mới đây, ông đã tiết lộ quá khứ bỏ học năm 14 tuổi, làm việc trong các mỏ than và trở lại trường học năm 18 tuổi.
Cuộc sống thiếu niên vô cùng khó khăn
Sinh ra ở một ngôi làng hẻo lánh của tỉnh Sơn Đông, Tống Viễn Thăng không thể tránh khỏi cảnh sống khó khăn, khổ cực. Do việc tưới tiêu và thu hoạch trên núi không thuận lợi nên người dân chủ yếu sống dựa vào nguồn lương thực là khoai lang.
Do cuộc sống khó khăn, gia đình ông hiếm khi hòa thuận. Sau khi Tống Viễn Thăng học hết cấp một, điều kiện sống ở nhà tuy khá hơn một chút nhưng cái đói vẫn là vấn đề phải đối mặt hàng ngày. Trường học xa nhà, ba ngày ông mới về nhà một lần.
Vào học kỳ thứ hai tại trường cấp hai, khi Tống Viễn Thăng xin bố mẹ 15 tệ học phí cho học kỳ tiếp theo, bố mẹ ông đã không có đủ tiền để cho con. Điều này khiến ông ngay lập tức hiểu ra rằng để giúp gia đình, bản thân phải đi làm. Sau khi suy nghĩ, Tống Viễn Thăng quyết định nghỉ học.
Bốn năm làm việc tại mỏ than
Bốn năm lang thang và làm việc ở ngoài đã giúp Tống Viễn Thăng sớm trưởng thành. Vì không có tiền và phải từ bỏ con đường học vấn, ông hình thành ý chí kiếm tiền "điên cuồng".
Để kiếm thêm tiền, sau khi làm việc cho mỏ quặng sắt nửa năm, Tống Viễn Thăng tình cờ nghe nói rằng có thể nhận được 300 nhân dân tệ nếu làm việc trong mỏ than. "Thu nhập cao" đi kèm với vất vả hoặc rủi ro lớn. Mỗi ngày làm việc là một ngày tính mạng của ông tựa như "ngàn cân treo sợi tóc".
Tuy nhiên, công việc này đã phải dừng lại do tai nạn xảy ra. Hai công việc nặng nhọc và nguy hiểm không khiến Tống Viễn Thăng từ bỏ ham muốn kiếm thật nhiều tiền. Sau khi nghe tin có một công việc mới với mức lương cao hơn, người thanh niên năm đó không ngần ngại tìm đến để xin làm việc. Nhưng không lâu sau, một sự cố xảy ra cướp đi sinh mạng của người đồng nghiệp đã khiến ông hoàn toàn tỉnh ngộ. Ông nhận ra rằng bản thân muốn "thoát nghèo" phải có học vấn.
Quyết định thay đổi cả cuộc đời
Năm 1992, Tống Viễn Thăng lấy 600 nhân dân tệ tích lũy được trong 4 năm "liều mạng" để bắt đầu một cuộc sống mới. Năm 18 tuổi, ông trở lại trường trung học cơ sở và quyết tâm học hành.
Nhưng lúc này chỉ còn bốn tháng nữa là đến kỳ thi tuyển sinh, Tống Viễn Thăng đã bỏ học gần bốn năm, thi đỗ không phải là chuyện dễ dàng. Để thi vào trường cấp ba, chàng trai trẻ khi đó nỗ lực gấp nhiều lần người khác. Vài tháng sau, kết quả được công bố, ông được nhận vào trường trung học trọng điểm và bắt đầu có niềm tin vào tương lai của mình.
Sau đó, Tống Viễn Thăng được nhận vào Đại học Chính trị Tây Bắc (nay là Đại học Khoa học Chính trị Tây Bắc). Năm 2003, ông đã trúng tuyển lớp thạc sĩ. Năm thứ hai cao học, ông có cơ hội đi du học nước ngoài. Tống Viễn Thăng đã bước ra khỏi đất nước và đi đến những chân trời mới. Trong những năm du học, ông đã đạt được những thành tích đáng nể.
Năm 2006, Tống Viễn Thăng tốt nghiệp thành công trường Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, và ở lại trường để làm công việc trợ lý. Tuy nhiên, ông không muốn dừng lại ở đây. Vì vậy, ông đã đến Đại học Phục Đán để học tiến sĩ luật. Năm 2010, ông trở thành giảng viên luật.
Tống Viễn Thăng cho biết: "Tôi chưa bao giờ là người bằng lòng với hiện tại. Dù còn trẻ, đang đi làm hay đang học, tôi luôn lao về phía trước bằng hết sức mình". Hiện tại dù đã bước vào tuổi trung niên, vị học giả vẫn học tập không ngừng và khi nhìn lại, ông vô cùng biết ơn quá khứ: "Nếu không phải trải qua những khó khăn vất vả suốt 4 năm bỏ học, có lẽ tôi đã không đạt được như ngày hôm nay. Thật may là tôi đã tỉnh ngộ quá muộn màng".
Hàng ngày, Tống Viễn Thăng bận bịu lên giảng đường, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu, buổi tối dành một chút thời gian để đọc và viết. Ông luôn coi việc viết lách như một cách để tiếp tục cuộc sống của mình, hy vọng rằng bản thân có thể tiến xa hơn: "Giống như Sisyphus, người đã bị thần Zeus trừng phạt trong thần thoại Hy Lạp, tôi không biết liệu mình có thể đẩy tảng đá huyền thoại đó lên đỉnh núi hay không. Trải qua thành công và thất bại, sau tất cả, tôi vẫn đang cố gắng đẩy viên đá đi lên từng ngày.".
Tống Viễn Thăng luôn thích so sánh bí quyết "thành công" của mình với than và lửa: "Trong lòng rất nhiều người đều có than, nhưng để khơi dậy những tài năng này, bạn cần có một ngọn lửa, tức là tự thức tỉnh. Chỉ có một sự thức tỉnh trong chốc lát là không đủ, phải giữ cho những tài năng này bùng cháy, cuối cùng chúng ta mới có thể trở thành nhân tài".
Theo Sohu