Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Koushu Wang từ Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong ở Vũ Hán - Trung Quốc đã sử dụng dữ liệu từ 6.072 người trưởng thành ở Mỹ (từ 20 tuổi trở lên) để đánh giá mối liên quan giữa việc tiêu thụ các loại hạt với tỷ lệ mắc và tử vong liên quan đến bệnh thận mạn tính.
Nếu bạn thích ăn vặt, hãy thử các loại hạt, các nhà nghiên cứu khuyến nghị (Ảnh minh họa từ Internet)
Theo Medical Xpress, các kết quả đã vượt ra ngoài mong đợi. Chỉ cần ngồi nhâm nhi các loại hạt 1-6 lần mỗi tuần, nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính thấp hơn đáng kể. Chưa kể họ còn tìm thấy tác dụng khó tin của món ăn vặt phổ biến này lên tỉ lệ tử vong do bệnh tim mạch và tỉ lệ tử vong do mọi nguyên nhân, ở cả người mắc và không mắc bệnh thận mạn tính.
Trong đó, người ăn vặt bằng các loại hạt càng thường xuyên, tỉ lệ tử vong do mọi nguyên nhân càng giảm mạnh.
Ở người đã mắc bệnh thận mạn tính, thói quen này còn tác động tốt lên việc quản lý và điều trị bệnh. "Chúng tôi khuyến nghị người mắc bệnh thận mạn tính nên ăn đủ các loại hạt từ một đến sáu lần mỗi tuần, trong khi tần suất tiêu thụ có thể linh hoạt hơn đối với người không mắc bệnh" - các tác giả viết trong bài công bố.
Theo nhóm tác giả, họ vẫn chưa chứng minh rõ ràng cơ chế của tác động kỳ diệu này và sẽ cần thêm các nghiên cứu tiếp nối. Tuy nhiên, không có lý do gì để bạn không thử phương án phòng bệnh cực dễ và cũng... rất ngon này.
Các loại hạt từng được nhiều nghiên cứu chứng minh là đem lại lợi ích sức khỏe bất ngờ. Đơn cử một nghiên cứu trước đó từ Viện Nghiên cứu Tim mạch Isfahan - Iran cho thấy thường xuyên ăn hạt sẽ giảm đến 17% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, nhất là do đột quỵ.
Nghiên cứu lớn khác của Trường Y tế công cộng Harvard TH Chan (thuộc Đại học Harvard - Mỹ) dựa trên 210.000 người, được theo dõi 32 năm cho thấy ăn hạt thường xuyên giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch ngay từ đầu lên tới 19%, trong đó giảm nguy cơ bệnh động mạch vành (dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim) lên tới 21%.