Vào 7h30 ngày 31/10 (giờ Paris), đại diện phía Việt Nam và hãng đấu giá Millon thống nhất được thỏa thuận tạm hoãn đấu giá ấn vàng Hoàng đế chi bảo. Tiếp đó, đến 10h10 ngày 31/10, hãng Millon có thông cáo về việc đưa ấn vàng Hoàng đế chi bảo ra khỏi danh mục cổ vật đấu giá ngày 31/10 của nhà đấu giá này.
Đây là thành công bước đầu trong lộ trình thực hiện các giải pháp nhằm hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo. Trong thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ nỗ lực phối hợp với Bộ Ngoại giao cùng một số bộ ngành, tổ chức, cá nhân để huy động mọi nguồn lực nhằm hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo về nước trong thời gian sớm nhất.
Nhà Millon đồng ý tạm hoãn đấu giá ấn vàng Hoàng đế chi bảo. Ảnh: MILLON.
Quyết tâm sưu tầm, hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo trở về Việt Nam không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc “chảy máu” ra nước ngoài, mà còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc, khẳng định sự đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về quan điểm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân.
Việc làm cần thiết này nhằm nâng cao tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới.
Ấn vàng Hoàng đế chi bảo là di sản văn hóa Việt Nam. Ảnh: MILLON.
Đây cũng là việc làm có ý nghĩa đảm bảo tính toàn vẹn của di sản văn hóa - một nội dung quan trọng mà UNESCO chú trọng trong bảo tồn di sản văn hóa - đồng thời thể hiện vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế tại các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Ấn vàng Hoàng đế chi bảo là di sản văn hóa của Việt Nam, là minh chứng biểu trưng cho quyền lực chính trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định trong tiến trình lịch sử của Việt Nam.
Chiếc ấn Hoàng đế chi bảo được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn (vào dịp lễ khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, cùng với sắc thư ban cho nước ngoài...) phản ánh một giai đoạn trong tiến trình lịch sử của quốc gia - dân tộc Việt Nam, là di sản văn hóa quý báu của Nhà nước Việt Nam.
Trong 143 năm tồn tại với 13 đời vua, triều Nguyễn cho chế tác và đưa vào sử dụng hơn 100 chiếc ấn, thường đúc bằng vàng, bạc (gọi là kim bảo), chế tác từ ngọc quý (gọi là ngọc tỷ). Trong sưu tập Kim ngọc bảo tỷ của hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ, bảo quản được 85 kim ngọc bảo tỷ (trong đó có 2 kim bảo đời Quốc chúa Nguyễn Phúc, còn lại là kim ngọc bảo tỷ của 9 đời vua và vương hậu triều Nguyễn. Đây là sưu tập ấn nằm trong sưu tập Bảo vật hoàng cung triều Nguyễn, được triều đình nhà Nguyễn giao lại cho chính quyền cách mạng năm 1945, hiện nay giao cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ và phát huy. |