
Nỗ lực phóng vệ tinh radar quan sát Trái Đất của Ấn Độ ngày 18/5 đã thất bại (Ảnh: ISRO).
Ngày 18/5, Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) đã thực hiện sứ mệnh phóng vệ tinh radar quan sát Trái Đất mang tên EOS-09 bằng tên lửa Polar Satellite Launch Vehicle (PSLV) từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan.
Sứ mệnh này đã thất bại sau khoảng 6 phút kể từ khi cất cánh do gặp sự cố ở tầng thứ 3 của tên lửa.
Khi tầng 3 được kích hoạt, động cơ khởi động thành công nhưng không vận hành như dự kiến, khiến vệ tinh không đạt được quỹ đạo mong muốn và nhanh chóng mất liên lạc.
Video phát trực tiếp bởi ISRO cho thấy tên lửa mang theo vệ tinh EOS-09 không vượt qua bầu khí quyển, dần mất độ cao, trước khi lao xuống trở lại mặt đất.
Ông V. Narayanan, Chủ tịch ISRO, xác nhận trong một tuyên bố sau sự cố: "Động cơ trong giai đoạn thứ 3 khởi động hoàn hảo, nhưng xuất hiện sự cố trong quá trình hoạt động. Chúng tôi sẽ làm rõ sau khi phân tích kỹ lưỡng sự việc".
EOS-09 là vệ tinh thứ 9 trong loạt vệ tinh quan sát Trái đất của Ấn Độ, nặng 1.694 kg và trang bị công nghệ radar khẩu độ tổng hợp (SAR), cho phép quan sát xuyên mây, cả ngày lẫn đêm.
Theo kế hoạch, EOS-09 sẽ được triển khai ở quỹ đạo cách Trái đất 535 km sau khoảng 18 phút từ khi phóng, tuy nhiên không thể tiến tới giai đoạn này.
Theo India Today, EOS-09 có vai trò quan trọng trong giám sát biên giới Ấn Độ - Pakistan, Ấn Độ - Trung Quốc, khi tình hình an ninh thường xuyên diễn biến phức tạp.
Vụ phóng này đánh dấu lần phóng thứ hai của ISRO trong năm 2025, sau thành công của sứ mệnh NVS-02 tháng 1. Đây cũng là vụ phóng thứ 101 của ISRO và lần thứ 63 sử dụng PSLV.
PSLV-C61 là một biến thể cấu hình "XL" với 4 tầng đẩy và 6 khoang chứa chất rắn phụ trợ.
Việc vận hành tên lửa PSLV đã chứng minh độ tin cậy cao với chỉ 3 lần thất bại, tính cả sự cố lần này. ISRO sẽ tiến hành điều tra và khắc phục để tiếp tục các sứ mệnh tương lai.
Sự cố không chỉ làm gián đoạn chương trình phát triển quan sát Trái đất của Ấn Độ mà còn nhấn mạnh tính phức tạp và rủi ro trong ngành công nghiệp phóng vệ tinh, ngay cả với những quốc gia có nhiều kinh nghiệm.