Đưa tôi đi tham quan các bể nuôi cà cuống, anh Nguyễn Chí Thanh (tổ dân phố Thịnh Tiến, TT.Sơn Dương, H.Sơn Dương) giới thiệu chi tiết về đặc điểm và công dụng của loài côn trùng này: "Với cà cuống đực, nhìn vào phần lưng có 2 ống nhỏ gọi là bọng, màu trắng, bên trong chứa một chất thơm mùi quế, thường được dùng để chiết xuất tinh dầu. Đối với con cái thì không có tinh dầu thơm này nên để bán thịt và làm nước mắm. Ngoài ra, chúng còn được sử dụng để chữa bệnh trong các bài thuốc cổ truyền".

Anh Thanh (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm nuôi cà cuống với khách hàng
ẢNH: THANH TÙNG
Chia sẻ "cơ duyên" đưa mình đến với cà cuống, anh Thanh cho biết bắt đầu "mê" côn trùng này trong lần hướng dẫn học sinh nghiên cứu, tìm hiểu về chúng.
"Tôi bắt đầu mày mò nghiên cứu qua sách, báo. Gom góp được ít tiền, tôi bèn bắt xe vào miền Nam "mục sở thị" và lân la học nghề nuôi cà cuống", anh Thanh kể.
Tuy nhiên, con đường khởi nghiệp của anh cũng lắm chông gai, bởi cà cuống là loài đặc biệt khó nuôi, do chưa có kinh nghiệm nên bị hao hụt tới 70% trên tổng số đàn. Dù vậy, quyết không buông bỏ, anh lại mày mò, tìm hiểu và đúc kết nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật để phát triển và nhân rộng mô hình độc đáo này cho đến nay.
Rút kinh nghiệm từ lứa đầu tiên, lứa cà cuống thứ hai của anh phát triển rất tốt. Hiện nay, tại cơ sở của anh có hơn 15 bể nuôi với khoảng 60 con giống và 2.000 con thương phẩm. Số cà cuống này được xuất ra theo phương thức "cuốn chiếu", nghĩa là lứa này xuất đi, lứa khác lớn lên và lứa sau cùng sinh sản thế vào.
Trung bình mỗi năm, anh Thanh xuất ra thị trường trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, Yên Bái, Vĩnh Phúc... hơn 5.000 cà cuống thương phẩm với giá 20.000 đồng/con. Ngoài ra, anh còn bán con giống trong thời gian đẻ trứng với giá 300.000 đồng/cặp cho người có nhu cầu nuôi, nghiên cứu.

Cà cuống rất thích bám trên các loại cây được thả tự nhiên trong các bể nuôi
ẢNH: THANH TÙNG
Bật mí về kỹ thuật nuôi cà cuống, anh Thanh không ngần ngại chia sẻ: "Thông thường, cà cuống nuôi khoảng 70 ngày tuổi là có thể sinh sản. Để tỷ lệ trứng nở cao, người nuôi cần lấy ổ trứng ra ngoài để vào thùng xốp chứa nước, đặt mặt trứng quay xuống và cách mặt nước khoảng 30 cm. Chỉ cần xịt nước lên ổ trứng mỗi ngày 3 lần, khoảng 5 - 7 ngày sau nở ra ấu trùng. Ấu trùng sẽ trải qua 5 lần lột xác trong khoảng 27 - 35 ngày để trở thành con cà cuống trưởng thành".
Khôi phục các sản phẩm từ cà cuống
Hiện người tiêu dùng chủ yếu chỉ biết đến các món ăn được chế biến từ thịt cà cuống, nhưng giá trị cao nhất là tinh dầu. Tinh dầu cà cuống trong vắt, có mùi thơm ngào ngạt. Ở một số vùng phía bắc, người dân dùng tinh dầu chế biến một món nước mắm nức tiếng.

Anh Thanh (áo trắng) chia sẻ về các sản phẩm được làm từ cà cuống
ẢNH: THANH TÙNG
Nắm bắt được điều này, anh Thanh cùng những người tâm huyết thành lập HTX Nông nghiệp Hoàng Ngân, thôn Quan Hạ, xã Trung Yên, H.Sơn Dương để đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến cà cuống nhằm "đi tắt đón đầu", đa dạng hóa các sản phẩm từ cà cuống.
Sau một thời gian dài thử nghiệm, HTX đã chế biến thành công nước mắm cà cuống Xứ Tuyên, rượu cà cuống, tinh dầu cà cuống Xứ Tuyên.
Kể từ khi sản phẩm cà cuống được kiểm định bởi Viện Công nhận chất lượng Việt Nam đảm bảo đạt chất lượng, khách hàng muốn ăn cà cuống đến với anh ngày một đông hơn. Thương hiệu nước mắm cà cuống Xứ Tuyên nhận được rất nhiều lời khen từ các đối tác và ngày càng có nhiều đơn hàng từ khắp mọi miền đất nước. Trung bình mỗi năm, HTX Nông nghiệp Hoàng Ngân xuất bán ra thị trường hơn 20.000 chai nước mắm, 10.000 chai tinh dầu, 5.000 chai rượu. Với giá bán nước mắm cà cuống từ 200.000 đồng/300 ml, rượu cà cuống 100.000 đồng/300 ml, tinh dầu 250.000 đồng/5 ml, mỗi năm HTX thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Câu chuyện giữa tôi và anh Thanh bị đứt quãng bởi một nhóm khách từ Hà Nội đến tìm mua thứ đặc sản quý này. Họ đến một phần vì hiếu kỳ, phần nữa là muốn nhờ anh nhượng lại con giống và tìm hiểu cách nuôi. Với những mong muốn này, anh luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, nhượng con giống và mua lại tất cả thành phẩm cho mọi người để cùng nhau nhân rộng loại côn trùng quý hiếm này. Theo anh, có như thế mới cứu được cà cuống khỏi nguy cơ tuyệt chủng và mang lại nguồn thu nhập cao cho người nuôi.