Katie Tanner, một chuyên gia tư vấn nhân sự tại Utah, Mỹ, đã đăng một tin tuyển dụng mà cô nghĩ là khá hấp dẫn: một công việc trong ngành công nghệ, làm việc từ xa hoàn toàn và chỉ yêu cầu 3 năm kinh nghiệm. Cô đã chuẩn bị cho một lượng hồ sơ lớn, nhưng những gì diễn ra sau đó vượt xa mọi tưởng tượng.
Trong 12 giờ đầu tiên, 400 lá đơn đã đổ về tài khoản LinkedIn của cô. Sau 24 giờ, con số này là 600. Vài ngày sau, khi số lượng hồ sơ vượt ngưỡng 1.200, cô buộc phải gỡ bài đăng trong sự choáng váng. 3 tháng trôi qua, Tanner vẫn đang vật lộn giữa "biển" hồ sơ để tìm ra một ứng viên phù hợp.
"Thật điên rồ", cô chia sẻ. "Tôi hoàn toàn bị nhấn chìm trong hàng đống hồ sơ".
Câu chuyện của Tanner không phải là cá biệt mà là lát cắt điển hình cho một "cơn sóng thần ứng viên" đang càn quét thị trường lao động toàn cầu, theo cách gọi của Hung Lee, một cựu chuyên gia tuyển dụng uy tín. Nguyên nhân chính đến từ sự bùng nổ của các công cụ AI tạo sinh (generative AI).
Nền tảng việc làm lớn nhất thế giới, LinkedIn, ghi nhận số lượng đơn ứng tuyển đã tăng hơn 45% chỉ trong năm qua, với trung bình 11.000 đơn được nộp mỗi phút.
Với chỉ một vài câu lệnh đơn giản, các công cụ như ChatGPT có thể tạo ra một bộ hồ sơ xin việc (CV) và thư xin việc (cover letter) được "nhồi nhét" đầy đủ các từ khóa từ bản mô tả công việc, nhằm qua mặt các hệ thống sàng lọc tự động. Tinh vi hơn, nhiều ứng viên còn trả tiền cho các "tác nhân AI" (AI agents) có khả năng tự động tìm kiếm và nộp đơn vào hàng trăm công việc thay họ.
Hệ quả là các nhà tuyển dụng đang chết chìm trong một mớ hỗn độn. Họ không chỉ quá tải về số lượng mà còn gặp khó khăn cực lớn trong việc phân biệt đâu là ứng viên thực sự có năng lực, đâu là người thực sự tâm huyết với vị trí, và đâu chỉ là sản phẩm sao chép hàng loạt của AI.

Nền tảng việc làm lớn nhất thế giới, LinkedIn, ghi nhận số lượng đơn ứng tuyển đã tăng hơn 45% chỉ trong năm qua, với trung bình 11.000 đơn được nộp mỗi phút (Ảnh: LinkedIn).
Cuộc chạy đua vũ trang "AI vs. AI"
Đối mặt với cơn bão hồ sơ do AI tạo ra, các doanh nghiệp không ngồi yên. Họ đáp trả bằng chính vũ khí của đối phương: Trí tuệ nhân tạo. Một cuộc chạy đua vũ trang công nghệ âm thầm nhưng khốc liệt đã bắt đầu.
Nhiều công ty lớn đang triển khai các chatbot phỏng vấn tự động hoặc các vòng phỏng vấn video được phân tích hoàn toàn bằng AI. Ông Scott Boatwright, Giám đốc điều hành của chuỗi nhà hàng Chipotle, tiết lộ rằng công cụ AI sàng lọc và lên lịch phỏng vấn của họ, có tên "Ava Cado", đã giúp giảm tới 75% thời gian tuyển dụng. Nền tảng phỏng vấn video HireVue thậm chí còn đi xa hơn khi cho phép nhà tuyển dụng dùng AI để chấm điểm và xếp hạng ứng viên dựa trên phân tích câu trả lời, biểu cảm và ngôn ngữ cơ thể.
Tuy nhiên, "vỏ quýt dày có móng tay nhọn". Các ứng viên cũng nhanh chóng tìm ra cách "hack" hệ thống. Họ sử dụng các công cụ AI khác để cung cấp câu trả lời mẫu, phân tích câu hỏi của AI phỏng vấn, thậm chí tạo ra các video deepfake để gian lận.
Điều này buộc các công ty phải liên tục nâng cấp "vũ khí". HireVue đã bổ sung các bài kiểm tra kỹ năng dưới dạng trò chơi để đánh giá năng lực nhận diện mẫu, trí nhớ, hay các buổi "thử việc ảo" để kiểm tra trí tuệ cảm xúc và kỹ năng thực tế như đếm tiền lẻ. "Đôi khi, chúng ta rơi vào tình huống AI đối đầu với AI", Hung Lee nhận định.
Mối nguy hiểm vượt ra ngoài những lá đơn giả
Vấn đề không chỉ dừng lại ở việc các hồ sơ được AI viết một cách cẩu thả. Một mối nguy lớn hơn và đáng báo động hơn đang xuất hiện, đó là ứng viên giả mạo danh tính.
Vào tháng 1, Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố một âm mưu tinh vi nhằm đưa các chuyên gia công nghệ thông tin người Triều Tiên vào làm việc từ xa tại hàng trăm công ty ở Mỹ dưới danh tính giả. Emi Chiba, một nhà phân tích công nghệ nhân sự tại công ty tư vấn Gartner, cho biết các báo cáo về tình trạng ứng viên sử dụng danh tính giả đang ngày một gia tăng.
Một báo cáo do Gartner công bố vào tháng 4 đã đưa ra một dự báo gây sốc: đến năm 2028, có thể 1/4 tổng số đơn ứng tuyển trên thị trường là giả mạo. Báo cáo này khuyến nghị các công ty phải khẩn trương triển khai các phần mềm xác minh danh tính tiên tiến hơn để tự bảo vệ mình.
Để giải quyết cuộc khủng hoảng, các nền tảng như LinkedIn cũng đang vào cuộc. Họ đã ra mắt các công cụ AI mới nhằm giúp cả hai bên lọc tìm hiệu quả hơn. Một "tác nhân AI" ra mắt vào tháng 10/2024 có thể giúp nhà tuyển dụng viết tin nhắn phản hồi, sàng lọc ứng viên và đề xuất hồ sơ tiềm năng.
Về phía ứng viên, một tính năng trả phí cho phép họ thấy mức độ phù hợp của hồ sơ so với yêu cầu công việc, được cho là đã giúp giảm 10% số đơn nộp vào các vị trí "không phù hợp".
Bãi mìn pháp lý và vòng lặp vô tận
Việc lạm dụng AI trong tuyển dụng còn tạo ra một "bãi mìn" pháp lý khổng lồ. Mối lo ngại lớn nhất là sự thiên vị (bias) của thuật toán. AI có thể vô tình học theo những định kiến có sẵn trong dữ liệu lịch sử, dẫn đến việc phân biệt đối xử với các nhóm ứng viên nhất định về giới tính, chủng tộc hay tuổi tác.
Liên minh châu Âu (EU) đã xếp quy trình tuyển dụng vào nhóm "rủi ro cao" trong Đạo luật AI, đồng thời siết chặt các quy định về giám sát và minh bạch. Tại Mỹ, dù chưa có luật liên bang nào quy định riêng về AI trong tuyển dụng, nhưng các luật chống phân biệt đối xử hiện hành vẫn có thể được áp dụng nếu thuật toán gây ra kết quả thiên lệch.
“Luật không cho phép phân biệt đối xử, nhưng nói dễ hơn làm”, luật sư Marcia Goodman, người thường đại diện cho các nhà tuyển dụng, cảnh báo.
Trớ trêu thay, chính các nhà tuyển dụng cũng góp phần tạo nên vòng lặp hỗn loạn này. Theo Alexa Marciano, Giám đốc điều hành công ty tuyển dụng Syndicatebleu, việc ứng viên lạm dụng AI là phản ứng tự nhiên khi họ biết rằng nhà tuyển dụng cũng đang dựa vào các công cụ sàng lọc tự động. “Họ dành rất nhiều thời gian để viết những lá thư xin việc chỉn chu, đầy tâm huyết”, cô nói, “rồi nhận ra chẳng có ai thật sự đọc chúng cả”.
Jeremy Schifeling, một huấn luyện viên nghề nghiệp, tin rằng vòng lặp này sẽ còn tiếp diễn. Khi ứng viên ngày càng tuyệt vọng vì bị các hệ thống tự động từ chối, họ sẽ càng có xu hướng chi tiền cho các công cụ tự động hóa. Đáp lại, nhà tuyển dụng lại tiếp tục nâng cấp "hàng rào" AI của mình.
Ông tin rằng điểm kết thúc của cuộc chiến này phải là "tính chân thực" từ cả hai phía. Nhưng ông cũng chua chát thừa nhận: "Trước khi chúng ta đến được điểm đó, sẽ có rất nhiều người lãng phí thời gian, tài nguyên và tiền bạc".
Thị trường lao động năm 2025 đang ở giữa tâm bão, và cả ứng viên lẫn nhà tuyển dụng đều đang phải học cách để không bị cuốn đi.