Công nghệ

AI trong cuộc chiến đạo đức nghệ thuật

Theo Lexica - trang chuyên theo dõi hành vi người dùng trên Internet, trong hơn 10 triệu bức tranh vẽ bằng AI, Greg Rutkowski được nhắc đến khoảng 93.000 lần. Trong khi đó, những họa sĩ nổi tiếng như Michelangelo, Pablo Picasso và Leonardo da Vinci được nhắc đến khoảng 2.000 lần.

Rutkowski, người Ba Lan, chuyên sáng tác các tác phẩm kỹ thuật số với phong cảnh kỳ ảo. Ông vẽ minh họa cho nhiều game nổi tiếng như Horizon Forbidden West của Sony, Anno của Ubisoft... Phong cách nghệ thuật đặc biệt của ông trở thành niềm cảm hứng cho rất nhiều người dùng các phần mềm vẽ tranh.

Ban đầu, Rutkowski rất ngạc nhiên khi tên ông xuất hiện dày đặc trong một lĩnh vực mới như AI. Ông cho rằng đây có thể là cách tốt để tiếp cận khán giả mới. Nhưng khi tìm kiếm tên mình trên Internet để xem các tác phẩm mới phổ biến ra sao, ông bất ngờ phát hiện có rất nhiều bức tranh vẽ bằng AI gắn "theo phong cách của Rutkowski", trong khi tác phẩm thật sự do ông sáng tác lại không thấy đâu.

"Mới một tháng (từ khi công cụ vẽ tranh AI Midjourney được giới thiệu trên Discord). Còn trong một năm nữa thì sao? Tôi có thể sẽ không thể tìm thấy tác phẩm của mình trên Internet nữa vì ở đó tràn ngập các bức tranh được vẽ bằng AI gắn tên tôi", Rutkowski nói với Technology Review.

Ví dụ, khi nhập các tử khoá "pháp sư với thanh kiếm và quả cầu lửa ma thuật phát sáng chiến đấu với con rồng dung dữ, Greg Rutkowski", Midjourney cho ra những kết quả có nhiều nét tương đồng bản gốc của tác giả.

Bên trái là tác phẩm của Greg Rutkowski. Bên phải là tranh được vẽ bằng AI. Nguồn: Technology Review

Rutkowski không phải người duy nhất gặp vấn đề với mô hình AI vẽ tranh. Tại Nhật Bản, một nhóm các họa sĩ châm biến đã phản đối, yêu cầu các nhà phát triển cấm AI bắt chước phong cách của họ. Ở Trung Quốc, nhiều chuyên gia cho rằng kết quả đầu ra của những bức tranh do AI vẽ mang phong cách của nhiều nghệ sĩ ngoài đời vì các nhà phát triển phần mềm đã tự ý thu thập các tác phẩm của họ rồi dạy cho AI học. Bản chất của những tác phẩm này chỉ là "xào xáo" các phong cách với nhau, hoàn toàn không thể gọi là sáng tác.

Trong khi đó, Floris Didden, Giám đốc nghệ thuật tại Karakter studio từng đoạt giải Emmy với phim Game of Thrones, cho rằng hầu hết nghệ sĩ xem tác phẩm của nhau để phân tích về phong cách, ý tưởng, chủ đề, sau đó tạo ra phong cách mới của mình. Các lập trình viên cũng làm điều tương tự thông qua AI.

Ông cho rằng về mặt pháp lý, tác phẩm AI không vi phạm bản quyền. Nhưng về mặt đạo đức, có thể các nhà lập trình nợ họa sĩ một lời xin lỗi. "Nếu họ đào tạo một AI vẽ bức tranh tương tự họa sĩ, rõ ràng đó là vi phạm bản quyền. Nhưng nếu AI có thể áp dụng một cách hợp lý, đây là công cụ tốt, chỉ có điều bản thân tôi cũng không biết mức nào là phù hợp", Didden nói với Kotaku.

Một số họa sĩ khác cho rằng một mặt nào đó, các công cụ AI cũng có thể hữu ích cho người sáng tác. "Khi nhập từ khóa theo hình dung của mình về tác phẩm, họa sĩ có thể nhận về những mảnh ghép rời rạc, nhưng chính nó lại là cảm hứng về ánh sáng, màu sắc để họ tiếp tục sáng tác", RJ Palmer đang làm việc tại Ubisoft chia sẻ.

Tuy nhiên, đứng từ góc độ bản quyền, nhiều người không đồng ý với những nhận định này. Jon Juárez, một hoạ sĩ đã làm việc với Square Enix và Microsoft, cho rằng các tác phẩm vẽ bằng AI có thể dẫn đến nhiều rủi ro liên quan đến sở hữu trí tuệ trong tương lai. Juárez lấy ví dụ việc ai đó đi xem triển lãm và bắt gặp một tác phẩm nghệ thuật. Thay vì trả tiền để sử dụng nó cho việc kinh doanh, họ có thể gõ các từ khóa cần thiết vào mô hình AI và thoải mái sử dụng mà không phải lo về bản quyền. Một số người thậm chí còn cố gắng đăng ký bản quyền cho những tác phẩm AI này.

Vào tháng 2, Văn phòng Bản quyền Mỹ đã từ chối cấp bản quyền cho một tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra. Tuy nhiên, sự việc vẫn chưa kết thúc. Người tạo ra AI cho rằng mình đã lập trình cho máy học nên có quyền với tác phẩm mà cỗ máy tạo ra. Trong khi cuộc tranh chấp vẫn chưa đến hồi kết, nhiều chuyên gia cho rằng mọi tiến bộ công nghệ đều phải đi kèm đạo đức công nghệ và các vấn đề xã hội mới. Những người tạo ra AI vẽ tranh hay AI chơi cờ vây đều nên tính đến trách nhiệm xã hội trong quá trình phát triển công nghệ.

tổng hợp

Cùng chuyên mục

Đọc thêm