Kinh doanh

AI tiến sâu vào doanh nghiệp - Kỳ 3: Linh hoạt, đa dạng trong tiếp cận

Cơ hội đến nhưng e ngại

AI mang lại cơ hội vô cùng lớn, mở ra chân trời mới, giúp giải quyết nhiều vấn đề phức tạp mà trước đây tưởng chừng không thể vượt qua. Đặc biệt, trong kinh doanh, AI không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là nhân tố quyết định giúp DN nâng cao hiệu suất, tối ưu hóa quy trình và tạo ra những giá trị vượt trội.

Chatbot trí tuệ nhân tạo (AI Worker) được hệ sinh thái AB Lê Thành ứng dụng sau gần một năm nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực như đặt phòng khách sạn, bán lẻ, y tế và du lịch... chatbot có khả năng tự động tiếp thị, truy cập hệ thống lập đơn hàng phù hợp và lên danh sách giao hàng, giúp nhân viên tập trung vào việc theo dõi và giám sát quy trình.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành, cho biết, ứng dụng AI giúp DN mở rộng quy mô kinh doanh một cách đáng kể. “Chúng tôi đang bán online khoảng 1.500 đơn/tháng, tư vấn cho 5.000 khách hàng và chốt thành công khoảng 30%. Nếu muốn tăng số đơn hàng lên 10.000 mỗi tháng, chúng tôi phải tư vấn cho 30.000 - 50.000 khách hàng, điều này là không thể nếu chỉ dựa vào nhân sự. Vì vậy, chúng tôi phải ứng dụng AI để tự động hóa toàn bộ quá trình tư vấn và phản hồi khách hàng”, ông Nghĩa nói.

AI tiến sâu vào doanh nghiệp - Kỳ 3: Linh hoạt, đa dạng trong tiếp cận ảnh 1

Ngày càng nhiều DN sử dụng AI trong sản xuất, kinh doanh

Ông Võ Huy Hoàng, chủ một cơ sở hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ ở TPHCM, cho rằng, không còn nhiều cơ hội tiếp cận công nghệ AI trong kinh doanh do hầu hết các nền tảng đang dần thu phí, trong khi hiệu quả từ ứng dụng công nghệ chưa rõ ràng. “Chi phí cho chatbot và phần mềm quản lý có ứng dụng AI do các công ty công nghệ cung cấp khá cao, dao động 10 - 20 triệu đồng/tháng nhưng quy mô DN không sử dụng hết công năng, từ đó gây nhiều lãng phí. Đó là yếu tố khiến tôi e ngại đưa AI vào kinh doanh”, ông Hoàng giải thích.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Công ty Thanh Bình (TPHCM), DN chuyên phân phối trái cây sấy khô, trái cây chế biến, nêu thực tế, DN rất muốn triển khai chương trình AI, tiếp nối chương trình chuyển đổi số nhưng lại chưa biết phải bắt đầu từ đâu, từ công đoạn nào. “Tôi có tham dự nhiều buổi tọa đàm, chia sẻ giải pháp từ các chuyên gia về AI, chuyển đổi số… Chúng tôi đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua các phần mềm chuyển đổi số, phần mềm AI nhưng khi áp dụng vào thực tế lại không hiệu quả. Vừa phí tiền, mất thời gian lại thêm bực bội vì vẫn phải dùng sức người là chính trong việc sản xuất lẫn kinh doanh”, ông Bình nói.

Tại Bình Dương (cũ, nay thuộc TPHCM) hiện có hơn 73.000 DN trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 800.000 tỷ đồng và 4.342 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) có tổng vốn đầu tư 40,9 tỷ USD. Nhu cầu chuyển đổi số của DN rất lớn. Thế nhưng thực tế những năm gần đây cho thấy, DN đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để chuyển đổi số với những kỳ vọng về sự phát triển bền vững trong xu thế hội nhập và cạnh tranh, tuy nhiên quá trình chuyển đổi số trong DN chưa đồng đều. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tiến hành nhanh chóng, trong khi khu vực kinh tế có vốn đầu tư trong nước chuyển đổi số còn chậm. Việc chuyển đổi số thật sự chỉ được một số DN lớn có đủ tiềm lực tài chính đầu tư, trong khi DN vừa và nhỏ chỉ đang ở mức khởi động.

Năm trụ cột trong chiến lược AI hóa

Chia sẻ với PV Tiền Phong, đại diện nhiều DN dệt may, giày dép, cơ khí, điện tử cho biết, những năm gần đây, cùng với đẩy mạnh đầu tư công nghệ mới cho sản xuất, các DN cũng mạnh tay đầu tư cho AI, thuê chuyên gia hướng dẫn để nâng trình độ cho công nhân viên. Với tư duy đột phá về chuyển đổi sản xuất, tinh giản bộ máy, các DN đã tiết giảm được chi phí sản xuất, nhân công và hơn hết là tăng năng suất, đáp ứng được các tiêu chí của đối tác ngoại.

Theo ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông, trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, đặc biệt là sự bùng nổ của AI, Rạng Đông đã triển khai chiến lược AI hóa với một lộ trình phù hợp với thực tiễn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

“DN mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước thống nhất và tạo ra chuẩn chung, ví dụ như chuẩn giao thức, để thiết bị đầu cuối AI của các DN có thể hoạt động trên nhiều nền tảng khác nhau. Nếu có một chuẩn chung, không chỉ sản phẩm của Rạng Đông mà các doanh nghiệp khác như điều hòa, quạt cũng có thể tích hợp trên các nền tảng thông minh mà không bị phụ thuộc vào một nền tảng duy nhất”.

Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông

Rạng Đông tập trung vào 5 trụ cột chính trong chiến lược AI hóa. Đầu tiên, AI được ứng dụng để phát triển sản xuất và dịch vụ. Tiếp theo, AI hỗ trợ xây dựng nền sản xuất thông minh. Thứ ba, các công nghệ AI được áp dụng để phát triển mô hình kinh doanh mới nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc và trải nghiệm khách hàng. Thứ tư, AI được sử dụng trong quản trị và điều hành để tăng tính linh hoạt trong tổ chức. Cuối cùng, Rạng Đông đầu tư vào việc xây dựng trung tâm dữ liệu số để phục vụ điều hành sản xuất, kinh doanh.

Trên cơ sở chiến lược này, DN liên tục tìm hiểu và cập nhật các công nghệ AI tiên tiến như AI xử lý tại biên, mô hình ngôn ngữ lớn, mô hình ngôn ngữ nhỏ, mô hình lai để phát triển sản phẩm. Tuy nhiên, việc ứng dụng AI vào sản xuất không thể diễn ra đồng loạt mà cần lựa chọn những quy trình ưu tiên. Rạng Đông xác định ba nhóm quy trình cần được tập trung trước, bao gồm các quy trình đang gặp điểm nghẽn, các quy trình yếu kém và các quy trình có đủ dữ liệu cũng như nhân lực để triển khai AI hiệu quả.

“Sau quá trình triển khai, Rạng Đông đã đạt được những kết quả đáng kể. Doanh nghiệp đã thương mại hóa thành công hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ 4.0, đưa ra thị trường những sản phẩm ứng dụng công nghệ AI. Đồng thời, hệ thống sản xuất xanh, thông minh và linh hoạt cũng được xây dựng, với mức độ tự động hóa, robot hóa và AI hóa ngày càng cao. Rạng Đông cũng phát triển mô hình kinh doanh số, góp phần nâng cao doanh thu đáng kể. Một bước tiến quan trọng khác là chuyển đổi mô hình quản trị, từ chức năng tuyến tính sang mô hình ma trận, giúp DN vận hành linh hoạt và hiệu quả hơn”, ông Kết cho hay.

Để đẩy nhanh các ứng dụng AI vào sản xuất, theo ông Kết, DN rất mong muốn Nhà nước xây dựng những nền tảng công nghệ chung cho cả nước và hỗ trợ DN với mức chi phí hợp lý. Hiện nay, chi phí thuê bao rất cao, đặc biệt là các nền tảng nước ngoài như Amazon. Dù bản thân DN đang hợp tác với Viettel, VNPT và FPT với mức giá phù hợp hơn, nhưng vẫn còn cao. Chi phí cao hạn chế người tiêu dùng trong việc ứng dụng AI vào thực tiễn.

Phạm Tuyên - Hương Chi

Các tin khác

Sau nhà phố, biệt thự đến lượt đất nền phía Tây TPHCM chạy đua bung hàng, cả thị trường địa ốc đang sợ lỡ nhịp “sóng” mạnh nhất năm 2025?

Đúng như dự đoán trước đó, việc sáp nhập tỉnh, thành trở thành động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội và thị trường bất động sản tại các địa phương. Đối với doanh nghiệp, đây là cơ hội khó bỏ lỡ để “đi trước đón đầu” trong thế vận mới của thị trường địa ốc.

Từ 1/7, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 25% trên tiền lương: Thay đổi lớn ảnh hưởng hàng triệu người

Từ ngày 1/7/2025, theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024, tổng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ là 25% trên tiền lương làm căn cứ đóng, với nhiều thay đổi quan trọng về cách tính mức đóng, thời hạn nộp và quyền lợi giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Siêu dự án đại lộ và cảnh quan, khát vọng kỳ tích sông Hồng

Theo giới chuyên gia, siêu dự án xây dựng đại lộ và cảnh quan ven sông Hồng sẽ xứng đáng với tên gọi “kỳ tích sông Hồng” nếu có thể mang lại nhiều lợi ích nhất có thể cho người dân Hà Nội nói chung vùng ven sông Hồng nói riêng.

Sacombank đồng hành cùng hộ kinh doanh trong giai đoạn chuyển mình

Chuyển đổi mô hình kinh doanh, quy định mới về thuế, ứng dụng công nghệ và quản lý dòng tiền - những khái niệm mà nhiều cá nhân, tiểu thương, hộ kinh doanh tại Việt Nam đang bắt đầu tiếp cận, làm quen trong bối cảnh chính sách thuế có nhiều thay đổi.

Ba mẹ con cùng mắc ung thư

Ba mẹ con cùng phát hiện mắc ung thư tuyến giáp do yếu tố di truyền, sau một lần khám sức khỏe định kỳ.

1.500 tỷ đồng cho "bộ não" cao tốc

TP - Dự án Trung tâm Quản lý giao thông thông minh quốc gia đặt tại Cục Đường bộ Việt Nam có tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, sử dụng 100% vốn đầu tư công, được kỳ vọng là “bộ não” của toàn tuyến cao tốc.

Biến không khí thành nước uống ngay cả ở sa mạc khô cằn nhất

Các nhà nghiên cứu tại Học viện Công nghệ Massachusset (MIT) của Mỹ đã tạo ra một "lớp màng bong bóng" công nghệ cao có khả năng thu thập nước uống an toàn trực tiếp từ không khí, ngay cả ở Thung lũng Chết, sa mạc khô cằn nhất Bắc Mỹ.

3 không khi ăn ngao

Có giá trị dinh dưỡng cao, ngao là lựa chọn tốt cho tim mạch nếu được chế biến đúng cách. Ngoài ra, một số người cũng nên tránh loại hải sản này.