Tín hiệu thị trường lao động khả quan
Ghi nhận từ các doanh nghiệp được khảo sát cho thấy tỉ lệ thiếu hụt lao động sau Tết dưới 3%. Trong đó, tập trung tại các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện - điện tử, kinh doanh bảo hiểm - tài chính…
Đồng thời nhiều tín hiệu khả quan hơn của thị trường lao động cũng được ghi nhận. Theo đó, hoạt động sản xuất kinh doanh đang có nhiều dấu hiệu tích cực với việc doanh nghiệp tiếp nhận các đơn hàng sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2024 ngay từ cuối năm 2023.
Theo đánh giá chung của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, tỉ lệ lao động quay trở lại làm việc sau Tết năm nay không có nhiều thay đổi.
Nguyên nhân có thể nhận thấy rõ nét là tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp trong năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn do biến động khó lường của kinh tế toàn cầu. Do đó, người lao động mong muốn ổn định việc làm, gắn bó với doanh nghiệp hơn trong năm 2024.
Trong dịp Tết, TP.HCM cũng ghi nhận một số doanh nghiệp tổ chức cho người lao động làm việc xuyên Tết để phục vụ các đơn hàng gia công xuất khẩu, nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân trong các ngày nghỉ.
Cần khoảng 52.000 lao động sau Tết
Bà Trần Lê Thanh Trúc - trưởng phòng việc làm - an toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM) - thông tin chung về nhu cầu nhân lực tại TP.HCM sau Tết.
Nhu cầu nhân lực sau Tết Nguyên đán 2024 cần khoảng 52.000 lao động. Trong đó, chủ yếu tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ (gần 71%), khu vực công nghiệp - xây dựng (gần 29%), khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản chỉ gần 1%.
Cụ thể hơn, nhu cầu lao động qua đào tạo chiếm tới gần 87%. Trong đó nhu cầu nhân lực có trình độ sơ cấp khoảng 20%, trung cấp gần 28%, cao đẳng gần 20% và đại học trở lên cần hơn 20%.
Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM đã tiếp nhận thông tin đăng ký tuyển dụng của 102 doanh nghiệp với tổng nhu cầu tuyển khoảng 19.300 vị trí việc làm.
Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các ngành da giày - may mặc (43%), lao động phổ thông (12%), kinh doanh - quản lý (11%), công nghệ thông tin (6%), kỹ thuật - cơ khí (7%), các ngành nghề khác (23%).
Bên cạnh đó, nhu cầu tìm việc làm của người lao động trước và sau Tết Nguyên đán ước khoảng 17.000 người. Tập trung tại các ngành quản trị văn phòng (20%), lao động phổ thông (16%), kinh doanh - quản lý (16%), kế toán - kiểm toán (11%), công nghệ thông tin (6%) và các ngành nghề khác (30%).