"Năm 2015, tôi kết hôn và chuẩn bị đón đứa con đầu lòng. Vợ chồng tôi đều là viên chức. Khi đó, lương tôi được 4 triệu, chồng tôi được 7 triệu. Vì nghĩ đến cảnh đi thuê, chật chội, vợ chồng tôi quyết định mua căn chung cư mini ở vùng ven Hà Nội với giá 380 triệu đồng. Căn hộ có diện tích 40m2, gồm 1 phòng ngủ, 1 nhà vệ sinh. Căn hộ nằm ở tầng 5 trong toà nhà 8 tầng. Số tiền mua căn hộ này tôi được bố mẹ hai bên hỗ trợ 200 triệu đồng, số còn lại vợ chồng tôi vay ngân hàng.
Thú thực, khi lên Hà Nội học đại học, tôi luôn mơ ước có căn nhà của riêng mình, dù nhỏ nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc. Dù không có đầy đủ đồ đạc, nhưng tôi thực sự hài lòng.
Căn phòng của tôi chỉ có ban công nhỏ nhô ra. Cửa sổ nhỏ, khung nhôm chèn kín. Căn phòng khá nhỏ và bí, gần như không có nhiều không gian kết nối với bên ngoài. Căn nhà tôi còn quay ra ngòai nên có ban công. Các căn phía dãy trong, chỉ có cửa sổ khung nhôm, tất cả đều kín bưng.
Tôi ở một thời gian, đọc các vụ cháy hoả hoạn, nỗi bất an gia tăng dần. Nhiều lần quan sát, tôi nhận thấy, tầng thượng phơi quần áo, chủ cũ quây kín bằng khung sắt, lợp mái tôn, không có cửa thoát hiểm. Ngõ vào trong toà chung cư mini chỉ khoảng gần 3m, cách đường lớn ước tính 20-40m. Đây là khu làng nghề nên dân cư đông đúc. Nhiều lần nghĩ nếu xảy ra cháy, tôi cũng hoảng sợ vì nếu chạy lên tầng thượng, cũng chết ngạt vì xung quanh kín như bưng. Trong khi, cầu thang thoát hiểm rất nhỏ. Cả toà có tới trăm người, ai cũng chạy từ cầu thang, chen chân cũng đủ xô ngã. Nhà tôi may mắn hơn có ban công. Trường hợp nếu xảy ra hoả hoạn, chúng tôi có thể sử dụng thang để xuống mặt đất. Nhưng đối với trường hợp các nhà dãy trong, tôi nghĩ không có phương án nào di chuyển vì dù đập cửa sổ, tháo khung sắt cũng khó thoát hiểm.
Sau này, tôi có mua bộ tời thoát hiểm với giá 4 triệu đồng để phòng thân cho cả gia đình. Tôi cũng tính toán tới, nếu trường hợp sử dụng dây thừng, thực sự với người không vận động, chỉ bám vào dây khoảng 10 giây- 20 giây, đã không thể trụ được trên dây, dễ rơi xuống đất. Nếu lửa bén, dây thừng có thể bị đứt. Trường hợp sử dụng thang dây có phần tương tự, di chuyển khó khăn, dễ ngã do ở khoảng cách di chuyển từ tầng cao xuống rất khó.
Đó là lý do tôi mua bộ tời thoát hiểm mà bên phòng cháy chữa cháy hay sử dụng, như bộ ròng tọc. Chỉ cần gắn chốt đầu, tôi có thể sử dụng hệ thống dây buộc vào người an toàn, dễ dàng di chuyển xuống.
Tuy nhiên, dù chuẩn bị vật dụng, tôi vẫn nung nấu ý định nêú trả hết nợ, tôi sẽ mua nhà đất cấp 4, chấp nhận xa trung tâm. Bởi, ở chung cư mini, tầng hầm để xe trần rất thấp, nhỉnh qua đầu người. Xe máy và xe điện xếp chật cứng. Trong khi đó, nhiều người ở chung cư mini thường sử dụng xe đạp điện, xe máy điện và sạc qua đêm. Nguy cơ cháy nổ rất lớn. Tôi không ít lần cảnh báo nhưng mọi người không hiểu được mức độ nguy hiểm của việc cháy nổ.
Đến một lần, Hà Nội mưa ngập úng. Tầng 1 hầm để xe, nước lênh láng. Do sạc điện qua đêm nên ổ sạc còn nổi trên mặt nước. Thực sự quá nguy hiểm, nhưng may mắn là nguồn điện ngắt.
Sau lần đó, tôi sợ quá nên bàn với chồng quyết tâm bán chung cư mini. Do thủ tục mua bán viết tay, tôi phải bỏ thêm 50 triệu đồng để lo chi phí. Giá bán cũng chỉ được 380 triệu đồng như ở thời điểm tôi mua. Tính ra, vợ chồng tôi lỗ nhưng nghĩ tới cảnh lỡ cháy nổ thì đúng là đánh cược rủi ro với tính mạng.Đến hiện tại, tôi vẫn cảm thấy quyết định mình rời bỏ cuộc sống ở một chung cư mini chật chội là đúng đắn.".
*Chia sẻ của chị N.T.T (hiện đang ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) từng sống trong căn chung cư mini ở Hoài Đức.