Nhiều đứa trẻ có một đối thủ ngay từ nhỏ mà chúng sẽ không bao giờ đánh bại được, đó là “con nhà người ta”. Dựa trên số liệu của một cuộc khảo sát cho thấy có 57,7% cha mẹ ghen tị với con cái của người khác.
“Tại sao con mình lại chẳng bao giờ bằng con người khác?”
Có một suy nghĩ được nhiều cư dân mạng đồng tình, đó là: “Bạn muốn con mình giống như con nhà người ta, nhưng bạn đã bao giờ nghĩ tới việc mình giống như cha mẹ của đứa trẻ con nhà người ta chưa?”.
Cha mẹ chính là tấm gương phản chiếu của con cái. Vậy làm như thế nào để nuôi dạy một đứa trẻ trở nên tốt hơn?
Một học giả tên Lao Chen từng thi đậu trường Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc với điểm số 745/750 đã tóm tắt lại 7 yếu tố ảnh hưởng từ cha mẹ lên mình, giúp anh đạt được thành công như hiện nay. Hy vọng rằng những chia sẻ từ người này sẽ giúp ích cho nhiều bậc phụ huynh.
1. Thái độ học tập
Nhiều cha mẹ đặt kỳ vọng quá cao khiến con cái bị áp lực, sợ hãi, lo lắng… Điều này còn làm tổn hại tới mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái nếu chúng thi trượt hoặc bị điểm thấp.
Điểm số quan trọng với học sinh nhưng thái độ học tập, quá trình trưởng thành mới là điều cốt yếu nhất. Điểm số có thể đại diện cho một số thứ nhưng không phải tất cả. Xem tiêu chuẩn thành công dựa trên điểm số của một đứa trẻ là không chính xác.
2. Tận hưởng cuộc sống
Cha mẹ nên giáo dục con cái hiểu rằng, việc tận hưởng cuộc sống không phải đợi đến khi trẻ lớn, đi làm kiếm tiền mà cần phải diễn ra ngay trong hiện tại.
Một số cha mẹ cho rằng, khi con cái còn nhỏ là lúc chúng nên chịu đựng gian khổ để có một tương lai tốt đẹp hơn. Quan điểm này không sai nhưng nó sẽ trở nên rất tiêu cực nếu cha mẹ suốt ngày ép buộc trẻ học, khiến trẻ cảm thấy việc học quá mệt mỏi và không có niềm vui.
Cách tốt nhất khiến cho một đứa trẻ trở nên ngoan ngoãn là làm cho chúng hạnh phúc. Mục đích của giáo dục là tạo điều kiện cho trẻ có được cuộc sống hạnh phúc dựa trên khả năng của mình.
Vì thế, nếu một đứa trẻ không tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, chúng sẽ không cảm nhận được giá trị của việc học.
3. Đọc các tác phẩm kinh điển
Cha mẹ cần khuyên con cái không nên đọc quá nhiều truyện tranh, thay vào đó là những cuốn sách kinh điển nổi tiếng thế giới.
Có thể ban đầu khi mới đọc những tác phẩm này, trẻ sẽ cảm thấy có chút khó khăn và bỡ ngỡ. Những bài học trong các tác phẩm kinh điển sẽ giúp rèn luyện nhân cách của trẻ tốt hơn, từ đó chúng sẽ có tấm lòng nhân ái với cuộc sống.
4. Tôn trọng
Một số cha mẹ luôn cảm thấy rằng, mình nên giúp con cái đưa ra lựa chọn, như vậy sẽ tốt hơn. Thế nhưng, họ lại bỏ qua mong muốn sâu xa nhất của con cái là được cha mẹ tôn trọng và công nhận.
Nhà tâm lý học William James cho biết: “Phần sâu thẳm nhất trong bản chất con người là mong muốn được người khác coi trọng”.
Cha mẹ nên tôn trọng sự lựa chọn của con cái và để chúng có không gian tự do phát triển.
5. Rèn tính tự lập
Tính tự lập là điều cha mẹ nên rèn luyện sớm cho con mình.
Đôi khi trẻ bị người khác chê cười chỉ vì “lớn rồi mà không biết nấu món gì cả”, “lau sàn mà cũng làm không được”…
Khi nhìn sâu xa hơn về vấn đề này chính là việc cha mẹ đã bảo bọc con cái quá mức, không cho chúng làm bất cứ thứ gì ngoài chuyện học. Điều này đã cản trở việc phát triển tính tự lập của trẻ.
“Đừng làm giúp con cái những thứ chúng có thể làm được”. Cha mẹ nên học cách buông bỏ càng nhiều càng tốt trong phạm vi có thể kiểm soát được. Họ nên quan tâm thay vì giúp đỡ, sau đó hướng trẻ dần tự lập.
6. Tính cẩn thận
Không cẩn thận là biểu hiện của khả năng kém cỏi và không có tinh thần học hỏi. Rèn luyện tính cẩn thận là kỹ năng rất cần thiết trong cuộc sống.
Nhiều đứa trẻ bị điểm thấp chỉ vì chủ quan, không cẩn thận khi làm kiểm tra. Chúng không phải kém thông minh nhưng lại lười biếng trong việc kiểm tra lại bài trước khi nộp. Lười biếng là thói quen xấu ảnh hưởng trực tiếp tới điểm số sa sút của trẻ.
Trẻ lười tổng hợp lại kiến thức đã học, lười vượt qua khó khăn trong học tập, lười suy nghĩ đâu là cách giải quyết vấn đề. Kết quả là cái hố “lười biếng” của trẻ ngày càng sâu.
7. Chấp nhận và khen ngợi
Cha mẹ khẳng định, khen ngợi con cái đúng lúc là điều rất nên làm. Khi trẻ mắc lỗi, việc cha mẹ phân tích theo từng trường hợp cụ thể sẽ giúp con cái đối mặt với mọi thứ một cách chính xác hơn.
Không phải điểm số quyết định cuộc đời của một đứa trẻ mà là tính cách tốt. Sự chấp nhận của cha mẹ và sự hướng dẫn đúng đắn rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Điều này có thể nuôi dưỡng sự tự tin của trẻ. Sự tự tin là sức mạnh tiềm ẩn giúp trẻ dám đương đầu với những khó khăn và thử thách.
Ngoài ra, sự chấp nhận của cha mẹ cũng cho trẻ biết rằng, chúng luôn có sự hỗ trợ từ gia đình ngay cả trong trường hợp vấp ngã hay thất bại.