Các chuyên gia tâm lý Mỹ cho rằng khi một người phản ứng với xung đột bằng cách cô lập hoặc bóp méo lời nói của bạn để khiến bạn nghi ngờ chính mình, họ đang cố gắng kiểm soát bạn.
Nếu người đàn ông làm những điều này sau cãi vã, anh ta có thể không an toàn để yêu.
Bỏ rơi
Nếu người đàn ông biến mất sau cãi vã mà không giải thích hay liên lạc đó hiện tượng bỏ rơi cảm xúc. Việc này nhằm thao túng bạn, khiến bạn lo lắng và khao khát kết thúc.
Đây cũng được xem là cách trốn tránh trách nhiệm và trừng phạt người khác bằng sự im lặng.
Nghiên cứu ở Đại học Georgia (Mỹ) chỉ ra 2/3 người Mỹ thừa nhận từng bỏ rơi hoặc bị bỏ rơi trong quá khứ, điều này cho thấy sự bỏ rơi đã trở nên phổ biến trong các mối quan hệ hiện đại.
Đẩy lỗi về phía đối phương
Khi đổ lỗi cho bạn ở cuộc cãi vã, họ không tìm cách giải quyết xung đột mà cố gắng thay đổi sự thật. Thao túng cảm xúc này làm giảm lòng tự trọng và khiến bạn nghi ngờ chính mình. Đối phương không tìm sự đồng thuận mà muốn kiểm soát.
Một nghiên cứu trên tạp chí Personal Relationships chỉ ra người hay đổ lỗi thường dùng gaslighting - thao túng tâm lý để tránh trách nhiệm. Chiến thuật này làm xói mòn lòng tự trọng và niềm tin vào bản thân.
Từ chối xin lỗi
Khi người đàn ông từ chối xin lỗi dù đã gây tổn thương, đó không phải vì họ kiêu hãnh mà là cái tôi. Việc không thừa nhận sai lầm cho thấy cảm xúc của bạn không quan trọng bằng cái tôi của anh ta.
Nghiên cứu trên tạp chí khoa học Frontiers in Psychology chỉ ra rằng thiếu lời xin lỗi làm suy giảm khả năng phục hồi sau căng thẳng, đặc biệt ở người có mức độ lo âu cao.
Những xung đột không được giải quyết có thể dẫn đến cảm giác bị bỏ rơi và oán giận, làm xói mòn mối quan hệ.
Xem nhẹ cảm xúc của bạn
Khi người đàn ông nói bạn quá nhạy cảm hoặc phản ứng thái quá khi bày tỏ sự tổn thương, anh ta không cố gắng hiểu bạn, mà muốn bạn dừng than thở. Loại vô hiệu hóa cảm xúc này tinh vi nhưng gây tổn hại, khiến bạn nghi ngờ bản năng và cảm thấy xấu hổ vì có cảm xúc. Người yêu hoặc bạn đời trân trọng bạn sẽ không xem nhẹ cảm xúc của bạn mà tạo không gian cho chúng.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học xã hội Sage Journals cho thấy những người cảm thấy cảm xúc của mình bị coi thường bởi bạn đời thường trải qua căng thẳng cao và ít hài lòng với mối quan hệ.
Đồng thời, việc xem nhẹ cảm xúc không chỉ thiếu tôn trọng mà còn là cách kiểm soát câu chuyện.
Nhắc lại lỗi cũ của bạn để chiến thắng
Nếu lôi lại lỗi lầm cũ của bạn trong cuộc cãi vã, họ không làm vậy để so sánh mà để sử dụng chúng chống lại bạn. Việc khơi lại những vết thương cũ là chiến thuật thao túng nhằm chuyển hướng và giành thế ở trên.
Mọi người đều có sai lầm, nhưng trong một mối quan hệ lành mạnh, những sai sót đó được thừa nhận, tha thứ và vượt qua, không phải để sử dụng lại mỗi khi muốn thắng cuộc tranh cãi.
Nếu bạn cảm thấy bị phán xét về những điều mình đã xin lỗi, đó là dấu hiệu cảnh báo. Người bạn đời an toàn sẽ không dùng quá khứ để chống lại bạn, mà sẽ tạo không gian để bạn trưởng thành từ những sai lầm.
Đe dọa
Nếu anh ta đe dọa, lớn tiếng, đập cửa, hay đấm tường, điều này thể hiện họ "vũ khí hóa cơn giận" để kiểm soát bạn. Những đe dọa này khiến bạn cảm thấy nhỏ bé, sợ hãi và bất lực, không phải để giải quyết vấn đề mà để ngăn bạn nhắc lại nó.
Hành vi này có thể leo thang, tạo ra một môi trường căng thẳng, khiến bạn không bao giờ biết điều gì sẽ khiến anh ta bùng nổ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, hơn 61 triệu phụ nữ và 53 triệu đàn ông đã trải qua sự hung hãn tâm lý từ bạn đời, bao gồm đe dọa và lạm dụng cảm xúc.
Mặt khác, nhiều người đàn ông thường đe dọa bỏ đi sau mỗi bất đồng khiến bạn cảm thấy bất ổn và ưu tiên nhu cầu của anh ta hơn của mình. Mối quan hệ cần được xây dựng trên niềm tin và tôn trọng, không phải nỗi sợ. Nếu mỗi cãi vã thường kết thúc bằng việc họ đe dọa, đã đến lúc xem lại mối quan hệ.
Kể với người khác
Khi người đàn ông nói với người khác về cuộc cãi vã thay vì trao đổi trực tiếp, điều này phản ánh sự thiếu tôn trọng và trưởng thành. Anh ta tránh trách nhiệm và không ưu tiên giải quyết xung đột khiến giao tiếp bị phân mảnh và vấn đề trở nên khó giải quyết.
Nếu anh ta cảm thấy thoải mái hơn khi chia sẻ vấn đề với người khác thay vì bạn, đó cũng dấu hiệu của thiếu tin cậy. Hành vi này có thể xói mòn nền tảng của mối quan hệ, khiến việc xây dựng kết nối trở nên khó khăn.
Người trong hoàn cảnh này thường cảm thấy bị ngắt kết nối, hiểu lầm và bị phớt lờ. Do đó, mối quan hệ kém sự phát triển và hình thành khoảng cách.
(Theo Yourtango)