Kỹ năng sống

7 dấu hiệu của người có EQ thấp ở công sở

Chỉ số cảm xúc (EQ) rất cần thiết trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Nhiều chuyên gia tin rằng EQ có thể quan trọng hơn IQ (chỉ số thông minh) trong việc quyết định sự thành công của con người.

Như vậy, chỉ số EQ thấp không chỉ tác động tiêu cực đến các mối quan hệ cá nhân mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Dưới đây là 7 dấu hiệu dễ nhận thấy của người có chỉ số EQ thấp tại nơi làm việc.

Không chịu học hỏi

Người thông minh luôn biết cách bày tỏ quan điểm cá nhân nhưng trên tinh thần xây dựng, học hỏi và tiếp thu cái mới, khiến người đối diện thấy dễ chịu. Nhưng những người có EQ thấp thường cãi đến cùng, phủ nhận hoàn toàn ý kiến của người khác.

Tự tin là đức tính tốt, nhưng tự tin và lạc quan mù quáng chỉ ngăn cản bản thân tiến bộ. Thay vì bảo thủ, người lao động cần phải giữ thái độ cầu thị, luôn cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp hoặc học hỏi kinh nghiệm từ những đồng nghiệp đi trước. Còn không, sớm muộn họ cũng bị đào thải khỏi nơi làm việc.

Không biết kiểm soát cảm xúc

Kiểu người có chỉ số cảm xúc thấp thường khá cảm tính. Họ sẵn sàng làm ầm mọi chuyện, nổi cơn thịnh nộ hoặc có lời lẽ thiếu tôn trọng với đồng nghiệp, khách hàng, thậm chí là sếp lúc tức giận mà không nghĩ đến hậu quả. Đây được coi là một trong những biểu hiện của sự thiếu chín chắn trong công việc và khó thành công.

Do vậy, đừng vì chuyện cá nhân mà gây ảnh hưởng đến công việc, các mối quan hệ và sự nghiệp của bản thân.

Những người có chỉ số EQ thấp thường không thể kiểm soát cảm xúc của bản thân. Ảnh minh họa: HBR

Những người có chỉ số EQ thấp thường không thể kiểm soát cảm xúc của bản thân. Ảnh minh họa: HBR

Thẳng tính quá mức

Người có EQ thấp thường không quan tâm đến cảm xúc của người khác. Họ được nhận xét là người thẳng tính, nghĩ gì nói nấy dù không có ẩn ý thâm sâu.

Với nhiều người, thẳng tính có thể là đức tính tốt, nhưng trong giao tiếp và công việc chúng dễ gây cản trở sự phát triển của bản thân. Vậy nên, nếu muốn tồn tại lâu dài trong công ty, có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, kiểu người này cần chú trọng đến lời ăn tiếng nói, tránh làm người khác phật lòng.

Luôn đổ lỗi

Thay vì tự chịu trách nhiệm, tìm phương án giải quyết khi bản thân gặp sai phạm, người có EQ thấp sẽ lập tức tìm ai đó hoặc điều gì đó để đổ lỗi. Họ cho rằng mọi hành vi của bản thân đều do ngoại cảnh tác động.

Nhưng trong một tập thể, việc luôn đổ lỗi dễ khiến bạn mất sự tín nhiệm của mọi người và bị tẩy chay.

Không có hoặc ít bạn thân

Tình bạn thân thiết được xây dựng từ sự cho và nhận, biết chia sẻ, cảm thông, giàu lòng trắc ẩn và hỗ trợ lẫn nhau ... nhưng đây là điều người có EQ thấp không có.

Họ là mẫu người điển hình cho sự cộc cằn, vô cảm, chỉ biết sống vì mình, nên để tìm một người bạn thân thiết ở nơi làm việc là điều không thể.

Ngại giao tiếp

Người có EQ thấp thường khép kín, tự cho mình là trung tâm, coi trọng cảm xúc cá nhân thay vì đề cao tính cộng đồng.

Tuy nhiên chủ động né tránh giao tiếp với đồng nghiệp, khách hàng là biểu hiện của sự thiếu tự tin, kém cỏi và không tôn trọng người khác. Chưa kể, việc không thể duy trì mối quan hệ chặt chẽ với đồng nghiệp và cấp trên sẽ khiến họ không được sự tín nhiệm hay cơ hội đảm nhận những trọng trách lớn lao hơn.

Khó làm việc nhóm

Với tính cách ngang bướng, luôn coi mình là nhất, những người có EQ thấp thường không được lòng mọi người và gặp khó khăn khi làm việc nhóm.

Nhưng không thể đặt cảm xúc cá nhân hay tính hiếu thắng của bản thân vào công việc, trong mọi trường hợp người lao động cần hạ thấp cái tôi để đạt mục tiêu chung. Điều này không chỉ giúp bạn được lòng mọi người mà còn dễ dàng thăng tiến trong công việc.

(Theo verywellmind, Linkedin)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm