Theo báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), CTCP Chứng khoán SSI bày tỏ quan ngại về tỷ lệ an toàn vốn hiện tại của ngân hàng vì CAR (Basel II) hiện chỉ ở mức 9,35%, điều này có nghĩa là Vietcombank cần thiết phải tăng vốn.
Trong mô hình định giá của SSI, chuyên gia giả định việc phát hành cổ phiếu mới với tỷ lệ 6,5% sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2023, qua đó giúp tăng hệ số CAR khoảng 2-2,5 điểm %. Mặt khác, kế hoạch phát hành riêng lẻ có thể sẽ không hoàn thành vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Cho năm 2022, để phản ánh việc cắt giảm lãi suất cho vay lên tới 1% trong hai tháng cuối năm, lợi nhuận trước thuế dự báo đạt 33.200 tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ). Nhóm chuyên gia cũng đưa ra ước tính cho năm 2023 với lợi nhuận trước thuế đạt 38.700 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ.
NIM khó có thể tiếp tục tăng
Theo SSI, mặc dù thanh khoản của Vietcombank vẫn tương đối tốt và một số khách hàng gửi tiền đã chuyển khoản tiền đang gửi tại các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần nhỏ sang các ngân hàng TMCP quốc doanh để đảm bảo an toàn sau sự kiện Vạn Thịnh Phát, lãi suất huy động của Vietcombank vẫn có khả năng tiếp tục tăng dưới áp lực cạnh tranh.
Đặc biệt là khi Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tiền gửi là % cho năm 2022 so với mức tăng trưởng hiện tại mới chỉ 5% so với đầu năm.
Vào cuối tháng 9, tỷ lệ dư nợ cho vay và tiền gửi đến kỳ định giá lại trong vòng ba tháng lần lượt là 49% và 68%, cho thấy mức chênh lệch lãi suất sẽ thu hẹp trong quý IV năm 2022.
Gần đây, Vietcombank cũng đã thông báo sẽ cắt giảm lãi suất cho vay lên tới 1% đối với nhiều khoản vay khác nhau, ngoại trừ bất động sản, chứng khoán, cầm cố giấy tờ có giá,… trong tháng 11 và tháng 12 năm 2022. Chuyên gia ước tính điều này có thể làm giảm khoảng 400-500 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.
Nhìn sang năm 2023, công ty chứng khoán cho rằng Vietcombank sẽ linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh lãi suất cho vay phù hợp với chi phí vốn tăng lên mà không ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng, do lãi suất cho vay của ngân hàng hiện thấp hơn nhiều so với các ngân hàng cùng ngành.
Do đó, chênh lệch lãi suất được dự báo sẽ vẫn chịu áp lực trong suốt quý IV năm 2022 và dần ổn định vào năm 2023. Ngân hàng không có nhiều dư địa để cải thiện hệ số LDR do hệ số LDR (theo Thông tư 22) đã ở mức 83%. Do đó, NIM dự báo sẽ giảm 0,52 điểm% so với quý trước trong quý IV năm 2022 và 0,05 điểm % so với cùng kỳ vào năm 2023.