Kỹ năng sống

7 dấu hiệu cảnh báo bạn đang cực kỳ căng thẳng

Theo Jane Ollis, nhà hóa sinh y khoa kiêm sáng lập tổ chức sức khỏe MindSpire (Anh), căng thẳng gây ra một loạt phản ứng trong não, bắt đầu từ hạch hạnh nhân, nơi cảm nhận nguy hiểm và báo hiệu cho vùng dưới đồi. Khu vực này kích hoạt phản ứng chiến đấu hay bỏ chạy của cơ thể, giải phóng các hormone gây căng thẳng như adrenaline và cortisol.

Trong ngắn hạn, phản ứng này có ích vì nó giúp cơ thể bạn chuẩn bị để đối phó với những thách thức. Tuy nhiên, căng thẳng mãn tính sẽ dẫn đến sự giải phóng liên tục cortisol, có thể bắt đầu gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe.

Ảnh minh họa: Pexels

Ảnh minh họa: Pexels

Những dấu hiệu cho thấy bạn đang căng thẳng quá mức.

Dễ cáu kỉnh và thay đổi tâm trạng

Nếu bạn thấy mình cáu kỉnh vì những điều nhỏ nhặt hoặc cảm thấy như đang ở trên một chuyến tàu lượn cảm xúc, đó là dấu hiệu cho thấy căng thẳng có thể đang len lỏi vào cuộc sống của bạn.

Theo chuyên gia, thay đổi tâm trạng thường xuất phát từ việc não bộ liên tục phải xử lý các tác nhân gây căng thẳng, khiến bạn không còn khả năng điều chỉnh cảm xúc.

Mất ngủ, căng cơ, đau đầu, quặn thắt ruột và nhịp tim thay đổi

Căng thẳng và giấc ngủ ngon là kẻ thù của nhau. Ollis giải thích rằng căng thẳng có thể khiến tâm trí bạn chạy đua, khiến bạn khó ngủ, thường xuyên thức giấc vào ban đêm.

Nếu không nghỉ ngơi đầy đủ, cơ thể bạn sẽ khó phục hồi, điều này tạo ra một chu kỳ mà căng thẳng và thiếu ngủ tác động lẫn nhau. Căng cơ, đặc biệt là ở cổ, vai hoặc hàm, là triệu chứng phổ biến của căng thẳng.

Căng thẳng còn dẫn đến đau đầu thường xuyên, đặc biệt là đau đầu do căng cơ, do các cơ ở đầu và cổ bị căng cứng. Thường là mọi người không nhận ra rằng những cơn đau cổ vai gáy là hậu quả của căng thẳng.

Ngoài ra, căng thẳng cũng có thể biểu hiện ở hệ tiêu hóa. Bạn có thể bị đầy hơi, khó tiêu hoặc thay đổi đột ngột nhu động ruột, gây táo bón hoặc tiêu chảy. Căng thẳng làm mất năng lượng cho quá trình tiêu hóa, khiến bạn bị đau bụng.

Ollis cũng cảnh báo, nếu bạn đang sử dụng thiết bị đeo để theo dõi sự thay đổi nhịp tim (HRV), bạn có thể nhận thấy HRV giảm khi bạn căng thẳng. HRV thấp hơn cho thấy cơ thể bạn đang ở chế độ chiến đấu hoặc bỏ chạy và đang đấu tranh để phục hồi.

Dễ ốm hơn

Căng thẳng mãn tính làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn. Ollis chỉ ra nghiên cứu của Sheldon Cohen tại Đại học Carnegie Mellon (Mỹ), cho thấy những người bị căng thẳng mãn tính có nhiều khả năng bị cảm lạnh hơn khi tiếp xúc với virus.

Thiếu tập trung

Bất kỳ ai từng bị căng thẳng đều biết, nó không chỉ ảnh hưởng đến cơ thể mà còn tác động đến khả năng suy nghĩ sáng suốt của bạn. Ollis giải thích rằng khi bạn căng thẳng, não sẽ ưu tiên sự sống còn, khiến bạn khó có thể tập trung, chú ý hoặc ghi nhớ thông tin. Ngoài ra, bạn có thể thấy khả năng tập trung của mình bị thu hẹp lại và những nhiệm vụ từng đơn giản giờ đây trở nên quá sức.

Phải làm gì nếu bạn bị căng thẳng?

Nếu bạn thấy mình đang phải vật lộn với căng thẳng, điều đầu tiên cần làm là dừng mọi thứ lại và hít thở sâu. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn cảm thấy không thể đối phó và căng thẳng đang chiếm hết cuộc sống hàng ngày, nên chú ý vào các bước sau:

Nói chuyện với bạn bè, gia đình hoặc chuyên gia y tế về cảm giác của bạn. Tìm kiếm tư vấn về sức khỏe tinh thần.

Sử dụng các bài tập thở thư giãn.

Sử dụng các kỹ thuật quản lý thời gian để giúp bạn kiểm soát.

Lên kế hoạch trước cho những ngày hoặc sự kiện căng thẳng.

Tìm hướng thực tế để tháo gỡ các vấn đề khiến bạn căng thẳng.

(Theo Metro)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm