Thụ tinh ống nghiệm là phương pháp hỗ trợ sinh sản tiên tiến, kết hợp trứng và tinh trùng trong môi trường ống nghiệm để tạo thành phôi thai. Sau đó, phôi được chuyển vào tử cung của người mẹ để phát triển thành thai nhi.
Để tối ưu tỷ lệ thành công, bác sĩ cần xác định nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn, đánh giá tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh, đảm bảo họ đủ điều kiện thực hiện IVF, từ đó lựa chọn phác đồ điều trị cá nhân hóa, phù hợp nhất. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Xuân Anh Duy, Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVF Tâm Anh), lưu ý một số xét nghiệm quan trọng mà cả vợ và chồng cần thực hiện trước khi bắt đầu điều trị.
Xét nghiệm nội tiết
Xét nghiệm nội tiết tố thường được thực hiện bằng cách lấy mẫu máu tĩnh mạch. Mẫu được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Kết quả thường được diễn giải theo độ tuổi, giới tính và các yếu tố khác.
Xét nghiệm nội tiết nữ chủ yếu đánh giá nồng độ các hormone liên quan đến sinh sản FSH, LH, Estradiol (E2), Progesterone (P4), Prolactin, AMH. Từ đó, bác sĩ xác định tình trạng hoạt động của trục nội tiết dưới đồi - tuyến yên - buồng trứng, chu kỳ rụng trứng và khả năng đáp ứng với thuốc kích trứng trong IVF.
Với nam giới, xét nghiệm nội tiết sinh sản chủ yếu đánh giá 4 loại là FSH, LH, testosterone và androgen. Giá trị tăng giảm bất thường của những chỉ số hormone này có thể là dấu hiệu cảnh báo sự rối loạn trong quá trình sinh tinh, ảnh hưởng đến sự thành công của IVF.

Điều dưỡng trung tâm IVF Tâm Anh lấy máu làm xét nghiệm cho một người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Xét nghiệm đánh giá tử cung vòi trứng
Xét nghiệm giúp xác định các bất thường của cổ tử cung, buồng tử cung, vòi trứng của người vợ. Bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp để tạo môi trường cho phôi làm tổ thành công và phát triển bình thường. Các phương pháp thực hiện gồm siêu âm đầu dò, siêu âm bơm nước buồng tử cung, chụp X-quang tử cung vòi trứng (HSG), nội soi buồng tử cung...
Xét nghiệm tinh dịch đồ
Đây là xét nghiệm cơ bản và bắt buộc đối với nam giới, nhằm phân tích chất lượng tinh dịch qua các thông số như số lượng tinh trùng, tỷ lệ di động (tiến tới nhanh, chậm, không di động), tỷ lệ hình dạng bình thường.
Nếu nghi ngờ có tổn thương DNA tinh trùng, bác sĩ có thể chỉ định thêm xét nghiệm đứt gãy DNA (DFI). Nếu chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng cao vượt ngưỡng sẽ ảnh hưởng đến quá trình thụ tinh, tác động xấu tới sự phát triển của phôi, giảm tỷ lệ thành công của IVF, tăng nguy cơ sảy thai, lưu thai...
Nếu kết quả tinh dịch đồ cho thấy không có tinh trùng, nam giới cần khám chuyên sâu về nam khoa để tìm nguyên nhân. Nhiều trường hợp nam giới cần trải qua phẫu thuật tìm tinh trùng như PESA, TESE, Micro-TESE để có thể có con của chính mình.
Xét nghiệm di truyền
Theo bác sĩ Duy, các khiếm khuyết di truyền chiếm khoảng 10-15% trường hợp vô sinh, đặc biệt ở nam giới (hội chứng Klinefelter, mất đoạn nhiễm sắc thể Y...). Trường hợp có yếu tố nguy cơ như tuổi mẹ trên 35, tiền sử sảy thai, lưu thai liên tiếp, sinh con dị tật, có người thân mang gene bệnh di truyền, có bất thường trên công thức máu, nam giới vô tinh, mật độ tinh trùng thấp ở mức nặng dưới 5 triệu/ml... bác sĩ cũng chỉ định xét nghiệm di truyền. Các xét nghiệm như nhiễm sắc thể đồ hai vợ chồng, xét nghiệm bệnh đơn gene như Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh), xét nghiệm các bệnh di truyền gene lặn phổ biến, đột biến mất đoạn vùng AZF trên vùng nhiễm sắc thể Y của nam giới...
Các xét nghiệm trên có thể phát hiện được những bất thường trên các bộ nhiễm sắc thể hoặc trên gene của bố mẹ, giúp chủ động phòng tránh truyền các dị tật bẩm sinh cho em bé trong tương lai.
Xét nghiệm bệnh truyền nhiễm
Để đảm bảo khả năng đậu thai, phòng tránh các dị tật hoặc lây nhiễm các bệnh truyền từ cha mẹ sang con, giảm nguy cơ biến chứng trong thai kỳ, bác sĩ chỉ định xét nghiệm sàng lọc bệnh viêm gan B, C; HIV; giang mai; lao... cho hai vợ chồng trước khi thực hiện IVF.
Xét nghiệm miễn dịch
Nhiều bệnh tự miễn có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và thai kỳ như bệnh lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng kháng phospholipid, bệnh đa xơ cứng, viêm khớp... Kiểm tra và điều trị các vấn đề miễn dịch có thể giúp nâng cao tỷ lệ thành công khi IVF.
Theo bác sĩ Duy, vợ chồng cũng cần khám sức khỏe tổng quát, xét nghiệm chức năng gan, thận, tuyến giáp, sàng lọc bệnh mạn tính như tiểu đường, bất thường đông máu... để loại trừ các nguy cơ khi dùng các loại thuốc điều trị hỗ trợ sinh sản.
Trước khi thụ tinh ống nghiệm, vợ chồng nên tăng cường sức khỏe bằng lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng đầy đủ các nhóm chất cần thiết, sinh hoạt điều độ, tránh thức khuya và stress, tập thể dục, duy trì cân nặng hợp lý. Hạn chế các chất kích thích, thức uống có cồn để nâng cao chất lượng trứng, tinh trùng. Trước khi thực hiện xét nghiệm 3-5 ngày, người chồng cần kiêng xuất tinh, không uống rượu bia, hút thuốc hay sử dụng các chất kích thích khác.
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |